Biến đất cằn thành vùng chuyên canh cây ăn quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều người cho rằng vùng đất Ia Piơr (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) không phù hợp với cây ăn quả. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Nguyễn Viết Tất đã thành công với 6 ha cây ăn quả trên vùng đất khô cằn này.

“Đầu tư trồng một lúc 6 ha cây ăn quả trong khi xung quanh chưa ai trồng, ông có thấy mình quá mạo hiểm?”-trả lời câu hỏi này của chúng tôi, ông Tất cười hiền: “Tôi đã tham quan, khảo sát nhiều nơi rồi mới dám triển khai”.

Trước tiên, ông dành thời gian vào tỉnh Đồng Nai để tham quan các mô hình trồng cây ăn quả; sau đó tham khảo ý kiến của bạn bè, những người có kiến thức, kinh nghiệm về trồng trọt. Và hơn hết, ông nhận được sự đồng thuận từ các thành viên trong gia đình, nhất là cậu con trai đã tốt nghiệp đại học có cùng ý tưởng về trang trại cây ăn quả.

 Ông Nguyễn Viết Tất (bên trái, trú xã Ia Piơr, huyện Chư Prông) trao đổi cách chăm sóc cây ăn quả với hội viên trong xã. Ảnh: A.H
Ông Nguyễn Viết Tất (bên trái) trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây ăn quả với hội viên trong xã. Ảnh: Anh Huy


Ông Bùi Văn Phụng-Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ia Piơr: “Ông Nguyễn Viết Tất là người tiên phong trong việc chuyển đổi cây trồng kém năng suất sang cây ăn quả với số lượng lớn tại địa phương. Không chỉ mạnh dạn phát triển kinh tế, trong vai trò Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông Tất còn tích cực hướng dẫn, vận động hội viên chuyển đổi cây trồng để nâng cao thu nhập”.

Đầu năm 2015, ông tiến hành trồng 2.000 cây na hạt lép, 1.000 cây xoài và 500 cây mít Thái cùng 200 cây bưởi da xanh trên diện tích 6 ha. Trước đó, trên diện tích này, ông Tất trồng cây cao su. Ngay khi quyết định trồng cây ăn quả, ông đã đầu tư đào hồ chứa nước rộng 8.000 m2, vừa đảm bảo nguồn nước tưới cho cây trồng, vừa tận dụng để thả cá, nuôi vịt siêu trứng. Sau một năm rưỡi, cây na hạt lép cho thu bói đủ với số vốn đầu tư ban đầu (đạt 100 ngàn đồng/cây). Còn diện tích xoài 3 năm cho thu hoạch bói cũng đạt 100 ngàn đồng/cây.

“Hiện tại, diện tích cây ăn quả cho thu nhập ổn định. Bình quân mỗi cây na tôi thu khoảng 500 ngàn đồng và mỗi cây xoài thu 300 ngàn đồng, còn mít Thái thu khoảng 20 kg/cây bán với giá 20 ngàn đồng/kg. Đến vụ thu hoạch, thương lái đến tận vườn thu mua nên không lo ngại về đầu ra”-ông Tất phấn khởi nói.

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn cây, ông Tất cho hay: Tổng diện tích trang trại của gia đình rộng 16 ha, trong đó có 6 ha cây ăn quả, còn lại là điều ghép. Sở dĩ, gia đình ông vẫn dành phần lớn diện tích trang trại cho cây điều vì loại cây này có khả năng chịu hạn tốt, phù hợp với khí hậu nắng, nóng của xã vùng đệm biên giới.

Ông Tất trải lòng: Cách đây 23 năm, gia đình ông rời quê hương Hải Dương vào Gia Lai lập nghiệp theo diện đi xây dựng kinh tế mới. Gia đình ông được Nhà nước cấp 1 căn nhà gỗ rộng 20 m2, 400 m2 đất vườn và 5.000 m2 đất trồng cây hàng năm để từng bước ổn định cuộc sống.

Thời gian đầu, cuộc sống gia đình ông khá khó khăn do con cái còn nhỏ, trồng trọt lại chưa nắm bắt được khí hậu, thổ nhưỡng, chưa có máy móc hỗ trợ sản xuất nên năng suất các loại cây trồng không cao. Mãi đến năm 2010, gia đình ông mới tích lũy được ít vốn để mua máy ủi, máy múc phục vụ sản xuất và làm dịch vụ để kiếm thêm thu nhập. Cứ dành dụm được ít tiền, ông Tất lại mua thêm đất để mở rộng diện tích và đến năm 2015 gia đình ông đã sở hữu trong tay 16 ha đất sản xuất.

Hiện tại, bình quân mỗi năm, gia đình ông thu hơn 1 tỷ đồng từ trang trại trồng điều và cây ăn quả, sau khi trừ các khoản chi phí còn lời hơn 500 triệu đồng. Ngoài tạo việc làm ổn định cho 5 lao động ăn, ở ngay tại trang trại với mức thu nhập 170-200 ngàn đồng/ngày, hàng năm gia đình ông còn giải quyết việc làm cho 150 lao động thời vụ.

Trong suốt 17 năm đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội Nông dân xã, ông Tất luôn tích cực hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho hội viên, nhất là hội viên dân tộc thiểu số. Đến nay, toàn xã có 27 hộ trồng cây ăn quả với tổng diện tích 52,2 ha. “Thời gian tới, Hội sẽ hướng tới việc thành lập tổ hội nghề nghiệp trồng cây ăn quả”-ông Tất cho biết thêm.

 ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

Tiêm phòng đầy đủ cho vật nuôi để đẩy lùi bệnh dại

(GLO)- Gia Lai là một trong những địa phương được xem là điểm "nóng" của cả nước vì bệnh dại. Nguyên nhân được xác định là do tỷ lệ tiêm phòng vắc xin bệnh dại đạt thấp, ý thức phòng-chống bệnh dại tại cộng đồng chưa cao và việc quản lý đàn chó, mèo gặp còn gặp khó. 
Giá trị của màu xanh

Giá trị của màu xanh

Rừng sạch, gạo "xanh", nông nghiệp tuần hoàn, tăng trưởng bền vững... không chỉ bảo vệ môi trường sống, bảo vệ bầu khí quyển của chính chúng ta mà còn mang lại giá trị vật chất thiết thực.
Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Tu Mơ Rông: Tăng cường biện pháp bảo vệ vườn sâm

Trước tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh trong thời gian qua, huyện Tu Mơ Rông đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp bảo vệ vườn sâm, bảo vệ tài sản và tích cực đấu tranh với các đối tượng nhằm giữ gìn trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

Chư Sê phát triển hồ tiêu theo hướng bền vững

(GLO)- Huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) hiện có 1.120 ha hồ tiêu. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế của Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê cho thấy chỉ có hơn 420 ha hồ tiêu đảm bảo chất lượng. Để cây hồ tiêu phát triển bền vững thì cần có một cuộc “cách mạng” trong việc tổ chức lại sản xuất.

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

Nâng cao giá trị xuất khẩu cà phê

(GLO)- Với giá nội địa tăng gấp đôi, giá xuất khẩu tăng 40% so với cùng thời điểm năm ngoái, cà phê đang có giá cao kỷ lục. Giá cao đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu cà phê tăng trưởng rất mạnh, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai.