Ruộng đồng khô khát

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cơn mưa đầu tháng 4 trút xuống các huyện: Chư Pah, Chư Prông, Mang Yang, Đak Đoa... chỉ làm giảm phần nào sự khô khát của cây trồng vụ Đông Xuân 2014-2015. Sau cơn “mưa vàng” ấy, cục diện thời tiết lại trở về quỹ đạo nắng nóng kéo dài nên cây trồng vẫn đối mặt với cơn đại hạn, đặt công tác chống hạn cho cây trồng trở thành yêu cầu cấp thiết hiện nay.

 Người dân cắt bỏ ruộng lúa bị cháy non do thiếu nước.  Ảnh: N.G
Người dân cắt bỏ ruộng lúa bị cháy non do thiếu nước. Ảnh: N.G

Tổng hợp chưa đầy đủ của cơ quan quản lý, thời tiết nắng nóng kéo dài thời gian qua đã làm 8.255,47 ha cây trồng ngắn và dài ngày vụ Đông Xuân 2014-2015 tại địa bàn 12 huyện, thị xã, thành phố chịu cảnh khô khát. Vì vậy, mong một cơn mưa để giải cơn đại hạn cho cây trồng là ý nguyện của hàng ngàn nông dân vùng hạn. Mong ước của nông dân đã trở thành hiện thực bằng cơn “mưa vàng”  cách đây vài hôm đã duy trì sự sinh trưởng, phát triển của hàng ngàn ha cây trồng trên địa bàn tỉnh, nhất là cây trồng dài ngày như cà phê, hồ tiêu... Ông Đinh Thiết (làng Thoong, xã Bar Maih, huyện Chư Sê) mừng rỡ bởi cơn mưa không lớn kéo dài trong gần 1 giờ đồng hồ, lượng nước không đủ để người trồng cà phê tại địa bàn xã đỡ một đợt tưới nhưng nước cũng thấm xuống đất chưa tới 10 phân ít nhiều giải bớt nỗi lo vườn cà phê khô hạn.

Không chỉ vườn cà phê của ông Thiết mà hàng ngàn ha cà phê của nông dân vùng hạn trên địa bàn tỉnh đã xanh hơn qua cơn mưa vừa rồi. Những giọt nước quý trút xuống vườn, xuống ruộng khô khát-theo đánh giá của lãnh đạo các địa phương vùng hạn cũng chỉ giải bớt một phần nỗi lo thiếu nước tưới cho cây trồng dài ngày như cà phê, hồ tiêu đang bước vào chu kỳ tưới đợt 2, đợt 3. Bởi lẽ, trước mắt lượng mưa vừa rồi sẽ làm độ ẩm trong đất tăng lên; lượng nước tích tụ tại ao hồ, suối, giếng… tăng theo đôi chút ít nhiều sẽ giúp duy trì sắc xanh vườn cà phê, tiêu.

Sắc xanh của vườn cà phê, hồ tiêu kéo dài được bao lâu vẫn chưa có câu trả lời chính xác song ít nhiều nông dân trồng tiêu, cà phê cũng tạm trút được nỗi lo thiếu nước; trong khi đó nông dân trồng lúa lại trĩu nặng âu lo. Vẫn biết, một vụ lúa mất mùa, thậm chí là trắng tay đã hiện hữu song cơn mưa vừa rồi đã làm hồi sinh cách nghĩ còn nước còn tát nên nông dân vùng hạn lại nỗ lực cứu cây lúa. Ông Phạm Minh Châu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah cho biết hơn 321 ha lúa trên địa bàn huyện bị hạn có 17,6 ha thiệt hại trên 70%, diện tích còn lại mức thiệt hại 30-70%. Cơn mưa vừa rồi không thể cứu nổi diện tích lúa bị thiệt hại 70% trở lên nên diện tích này xem như mất trắng. Riêng diện tích lúa bị hạn có mức thiệt hại 30-70% sẽ hết hy vọng cứu vãn nếu thời tiết vài ngày tới vẫn không mưa. Biết vậy, song nông dân vẫn nỗ lực cứu cây lúa bằng cách tận dụng nguồn nước tích tụ từ cơn mưa vừa rồi để bơm nước tưới cho cây lúa. Chia sẻ nỗ lực cứu hạn của nông dân, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện sẽ tổng hợp nhu cầu hỗ trợ nguyên liệu phục vụ yêu cầu tưới của nông dân tại vùng lúa còn khả năng cứu vãn để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét hỗ trợ.

 

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng kiểm tra tình hình hạn hán. Ảnh: Quang Tấn
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Thế Dũng kiểm tra tình hình hạn hán. Ảnh: Quang Tấn

Những ngày này nông dân các làng Châm Bôm, O Ngó, Brong Thông... của xã Ia Băng, huyện Đak Đoa dùng mọi cách để chống hạn cho cây lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng tại cánh đồng Ia Khôn. Ông A Muk buồn bã cho biết: Do diện tích lúa của gia đình còn khá lâu mới đến thời kỳ thu hoạch nên đã dùng nguồn nước từ giếng dành tưới cà phê để tưới cho cây lúa được 2 đợt rồi. Bây giờ, nước giếng cũng nhanh khô lắm không đủ để tưới cho cây cà phê và cây lúa nữa nên đành trông chờ trời cứu hơn 1 sào lúa của gia đình đang bị hạn”. Chung cảnh ngộ như ông A Muk song ông Đinh Đuk, làng Tốt Tâu, xã Chư Pơng, huyện Chư Sê ngậm ngùi: Nguồn nước ngày một cạn dần mà có quá nhiều người cần nước tưới cho cây trồng nên ông quyết định bỏ 2 sào lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh để ưu tiên nguồn nước tưới đợt 3 cho cà phê. Theo khẳng định của ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê thì đợt mưa vừa qua không cứu vãn được diện tích lúa bị hạn. Vài ngày tới trời vẫn tiếp tục nắng thì tình trạng khô hạn của cây lúa càng trở nên nghiêm trọng hơn và sự tranh chấp nguồn nước tưới cho cây trồng sẽ diễn ra gay gắt hơn vì trên địa bàn huyện có khá nhiều diện tích cà phê, hồ tiêu, lúa nước đang dùng chung một nguồn nước tưới.

Sau cơn “mưa vàng”, thời tiết lại tiếp tục nắng nóng nên cây trồng vụ Đông Xuân năm nay vẫn đang nằm trong vòng vây hạn hán. Trả lời câu hỏi giải bài toán thiếu nước tưới cho cây trồng mùa hạn bằng cách nào, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-ông Lê Văn Lịnh cho biết trong 8.255,47 ha cây trồng bị hạn thì 2.611,48 ha lúa bị thiệt hại từ 30% trở lên xem như không thể cứu vãn được. Vì nếu nông dân cố gắng cứu thì năng suất lúa cũng chẳng được bao. Vì vậy, nông dân nên bỏ diện tích lúa bị hạn, chuẩn bị đất gieo trồng vụ mùa để ưu tiên nguồn nước tưới cho cây trồng dài ngày. Để giúp người dân chủ động sản xuất vụ mùa trên diện tích lúa bị hạn, bù đắp thiệt hại do khô hạn gây ra, cơ quan chuyên môn đã đề nghị UBND tỉnh xem xét hỗ trợ giống cây trồng cho nông dân gieo trồng vụ mùa 2015.

Văn Tấn

Có thể bạn quan tâm