Nhìn nhận việc thực hiện những đổi mới trong giáo dục-đào tạo tại Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thông tư 30 có hiệu lực từ ngày 15-10-2014 quy định rõ: Giáo viên tiểu học đánh giá học sinh qua những hoạt động quan sát, theo dõi, trao đổi, kiểm tra, nhận xét quá trình học tập, rèn luyện của học sinh; tư vấn, hướng dẫn, động viên học sinh; nhận xét định tính hoặc định lượng về kết quả học tập, rèn luyện, sự hình thành và phát triển một số năng lực, phẩm chất của học sinh tiểu học.

Thực hiện Thông tư 30 - Quen dần với cách đánh giá mới

Thay vì chấm điểm, giáo viên ghi lời nhận xét cho bài làm của học sinh. Ảnh: Nguyễn Giang
Thay vì chấm điểm, giáo viên ghi lời nhận xét cho bài làm của học sinh.
Ảnh: Nguyễn Giang

Sau 3 tháng thực hiện Thông tư 30, hầu hết tất cả cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh trên địa bàn tỉnh đều cho rằng họ đang dần dần làm quen với cách đánh giá mới.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đông-Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục-Đào tạo cho biết: “Từ cuối tháng 9-2014, Sở Giáo dục-Đào tạo đã mời tất cả các học viên tham gia tập huấn Thông tư 30 cấp Trung ương về tại Sở để họp báo cáo viên quán triệt, thống nhất một số nội dung khi triển khai tập huấn tại cấp trường, cụm trường. Các Phòng Giáo dục- Đào tạo đã triển khai tập huấn Thông tư 30 đến từng giáo viên trước ngày 10-10-2014. Sau thời gian tập huấn, từ ngày 15-10-2014 các trường đã thực hiện đánh giá học sinh theo Thông tư 30 một cách nghiêm túc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ. Đến nay, các trường đã quen dần với cách đánh giá mới”.

Theo ghi nhận của chúng tôi ở một số trường trên địa bàn TP. Pleiku, sau một thời gian thực hiện, sự tiến bộ của Thông tư 30 đã dần được thể hiện rõ nét qua một số yếu tố sau: Học sinh giảm được nhiều áp lực về điểm số, giảm sự so sánh điểm số giữa các học sinh trong lớp; học sinh không bị áp lực trước sự đòi hỏi của bố mẹ hoặc xấu hổ với bạn bè trong lớp khi bị điểm thấp, không còn hiện tượng học sinh chán học, bỏ học vì nhiều lần bị điểm thấp (nhất là học sinh dân tộc thiểu số).

Nội dung đánh giá này giúp các em phát triển toàn diện về kiến thức, kỹ năng; năng lực; phẩm chất và có sự phối hợp giữa giáo viên-phụ huynh-học sinh. Đánh giá tập trung nhiều vào phần động viên, khuyến khích, tuyên dương những thay đổi tích cực, tiến bộ của học sinh (dù sự tiến bộ là nhỏ nhất)...

Tuy nhiên, bên cạnh những tính ưu việt đã được phát huy của Thông tư 30 thì còn nhiều vấn đề mới chỉ dừng lại ở mức làm quen. Thầy Bùi Tấn Lợi-Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Lai (xã Chư Á, TP. Pleiku) cho biết: “Mới đầu giáo viên nhà trường gặp rất nhiều bỡ ngỡ trong cách đánh giá theo Thông tư 30 về sổ sách, cách ghi nhận xét từng học sinh hay phân loại để khen thưởng cuối kỳ, đụng đến mục nào thì lúng túng ở mục đó. Đến nay, việc thực hiện những đổi mới đã đạt được một số kết quả nhưng cũng chỉ mới dừng lại ở mức hiểu thông tư, biết cách làm chứ chưa thể coi là đã làm tốt”.

 

Các em học sinh Tiểu học đã quen dần với lời nhận xét của cô giáo thay vì chấm điểm. Ảnh: Nguyễn Giang
Các em học sinh Tiểu học đã quen dần với lời nhận xét của cô giáo thay vì chấm điểm. Ảnh: Nguyễn Giang

Đối với giáo viên trực tiếp đứng lớp thì việc thực hiện Thông tư 30 cần khá nhiều thời gian để làm quen với nhiều nội dung. “Việc thường xuyên gần gũi, quan sát, theo dõi sự tiến bộ của từng học sinh không phải là điều khó khăn nhưng việc tìm lời lẽ, ngôn ngữ phù hợp, tránh lặp lại để đánh giá mấy chục học sinh không phải là dễ dàng”-một giáo viên cho biết.

Cũng theo giáo viên này, Thông tư 30 cho phép các học sinh được tham gia nhận xét các bạn trong lớp bằng lời hoặc giơ tay biểu quyết. Để đảm bảo sự công bằng, giáo viên phải chú ý đến cách giáo dục các em phẩm chất thật thà, trung thực để tránh tình trạng thiên vị giữa bạn này với bạn khác.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng là một yếu tố quan trọng cùng tham gia nhận xét con em mình với giáo viên. Anh Phạm Quang Sĩ (tổ 10, phường Hội Phú, TP. Pleiku) nói: “Mới đầu tôi cũng không hiểu lắm về tinh thần của thông tư này nên vẫn thích giám sát việc học của con qua từng điểm số cụ thể. Sau khi tìm hiểu và được giáo viên chủ nhiệm phổ biến thì tôi thấy thông tư này cũng có những điểm tiến bộ, các cháu không còn bị áp lực về điểm số, học tập với tinh thần thoải mái hơn. Phụ huynh cũng góp phần vào việc đánh giá sự tiến bộ của con em mình nên phải chú ý giám sát các cháu hơn. Nhưng kết quả của việc thực hiện thông tư này đối với từng học sinh thì phải chờ đến cuối năm mới đánh giá được, dù gì cuối cùng các em cũng lại được đánh giá bằng điểm số của kỳ thi”.

Kỳ thi “2 trong 1”: Nhà trường-học sinh-phụ huynh đã sẵn sàng

 

m Rơ Châm Săn (áo vàng) cùng các bạn ôn luyện môn Lịch sử. Ảnh: Nguyễn Giang
Em Rơ Châm Săn (áo vàng) cùng các bạn ôn luyện môn Lịch sử. Ảnh: Nguyễn Giang

Chỉ còn khoảng 6 tháng, các em học sinh khối 12, bậc Trung học phổ thông sẽ bước vào kỳ thi chung quốc gia “2 trong 1”. Kết quả của kỳ thi này sẽ sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục-đào tạo sau bậc THPT sử dụng làm căn cứ để tuyển sinh vào đại học, cao đẳng thay vì tổ chức hai kỳ thi để thực hiện hai mục đích riêng lẽ như trước đây. Kỳ thi quốc gia chung năm 2014 được tổ chức vào thời điểm đầu tháng 7, cùng với thời gian thi đại học-cao đẳng những năm trước nên nhiều trường đã có kế hoạch ôn luyện cho học sinh đến gần ngày thi.

Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Thành Nguyên-quyền Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh cho biết: “Khác với mọi năm, thay vì sau khi thi tốt nghiệp, các em sẽ về nhà để ôn thi đại học, năm nay nhà trường  đã có kế hoạch ôn luyện cho các em vào tháng 5 và tháng 6. Trong thời gian chạy nước rút này, nhà trường sẽ tập trung ôn tập sâu đối với những môn các em đăng ký thi đại học”.

Cũng theo ông Võ Thành Nguyên, nhà trường sẽ tổ chức họp phụ huynh vào cuối tháng 5 để thống nhất phương án phối hợp đưa các em đi thi. Trường hợp nào có hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nhà trường sẽ kêu gọi đóng góp để hỗ trợ một phần kinh phí trong đi lại, ăn ở tại điểm thi cho các em yên tâm, tập trung vào việc thi cử.

Tương tự, tại Trường THPT Phan Bội Châu (TP. Pleiku), việc tổ chức ôn tập theo chuyên đề cho học sinh cũng đã được triển khai thực hiện. Bà Trác Thị Thanh Hải- Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Từ đầu năm học, nhà trường đã áp dụng nhiều phương pháp đổi mới giảng dạy để phù hợp với hình thức thi mới. Ngoài những môn thi bắt buộc, chúng tôi tổ chức phân lớp ôn luyện, đầu tư cho các môn tự chọn của học sinh để các em củng cố thêm kiến thức”.

Được sự quan tâm từ phía nhà trường, các em học sinh cũng cảm thấy thoải mái và tự tin hơn với kỳ thi “2 trong 1” này. Em Rơ Châm Săn-lớp 12C, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh chọn thi khối C, ngành Quản lý Nhà nước và khối T, ngành Giáo dục Thể chất tự tin nói: “Thông tin về kỳ thi này chúng em đã được nhà trường phổ biến nhiều lần nên hiểu khá rõ. Ngay từ tháng 10, nhà trường tổ chức cho chúng em ôn tập, phụ đạo đối với các môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Anh văn. Ngoài ra, trường cũng tổ chức 5 lớp ôn thi đại học đối với các môn tự chọn là: Vật lý, Hóa, Sinh, Lịch sử và Địa lý”.

Về phía phụ huynh, vì thời điểm tổ chức kỳ thi chung năm nay trùng với thời gian thi đại học, cao đẳng những năm trước nên đa phần họ xác định tâm lý là đưa con em đi thi đại học, cao đẳng. Cô Nguyễn Thị Hà (tổ 1, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) chia sẻ: “Với kỳ thi chung này, tôi chuẩn bị tư tưởng là đưa con đi thi đại học. Nếu Gia Lai phải đi đến một tỉnh khác để thi tôi cũng không thấy có vấn đề gì. Tôi chỉ lo lắng một điều là đến lúc đó, vì tập trung một lượng rất lớn học sinh đến một điểm thi sẽ gây khó khăn trong việc đi lại, ăn ở”.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

Xứng đáng với truyền thống đơn vị anh hùng

(GLO)- Cùng với lực lượng Cảnh sát Cơ động (CSCĐ) cả nước, Phòng CSCĐ (tiền thân là lực lượng An ninh vũ trang thuộc Ban An ninh Gia Lai) đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh để tiến lên hiện đại. Với những chiến công xuất sắc, Phòng CSCĐ được Đảng, Nhà nước khen tặng nhiều phần thưởng cao quý.