Tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong năm học 2014-2015, Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo nghề và tập trung đổi mới phương pháp đào tạo đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp và xã hội. Với bề dày kinh nghiệm của nhà trường là luôn tập trung đào tạo nghề có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, nhà trường luôn nhận được sự tin tưởng của doanh nghiệp và các thế hệ học viên.

Đào tạo theo nhu cầu

Tiền thân của Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai là các trường công nhân kỹ thuật ra đời từ sau ngày đất nước thống nhất. Trải qua nhiều chặng đường phấn đấu, đến tháng 10-2012, trường được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai.

 

Ảnh: Đinh Yến
Ảnh: Đinh Yến

Trong quá trình phát triển, nhà trường đã đào tạo hàng vạn lao động kỹ thuật cho tỉnh và đất nước. Tính riêng năm học 2013-2014, dù gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc di chuyển về địa điểm mới giữa năm học nhưng với tinh thần quyết tâm cao, tập thể cán bộ, giáo viên và học viên của nhà trường đã phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. Thầy Trần Văn Kiệm-Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Số lượng đào tạo nghề cho học viên của nhà trường trong năm học qua là 10.545 lượt học viên, trong đó hệ chính quy (gồm cao đẳng và trung cấp) là 1.150 sinh viên, dạy nghề cho lao động nông thôn 1.516 học viên và các hệ đào tạo bồi dưỡng ngắn, dài hạn khác.

Đặc biệt, chất lượng đào tạo nghề của nhà trường được nâng lên với tỷ lệ tốt nghiệp trong năm học 2013-2014 đạt gần 95%. Cùng với đó, hàng năm nhà trường còn liên hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp trong quá trình tổ chức đào tạo, do vậy, sinh viên ra trường được tư vấn trực tiếp để doanh nghiệp tiếp nhận làm việc. Phòng Vật tư thiết bị và Tiếp xúc doanh nghiệp được nhà trường giao nhiệm vụ nghiên cứu thị trường lao động và giới thiệu việc làm cho sinh viên nên thường xuyên tăng cường tiếp xúc, tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp và các địa phương vùng khó khăn, xa trung tâm tỉnh để phục vụ. Với mô hình này, từ đầu năm đến nay, nhà trường đã tư vấn, giới thiệu đến các doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo nghề lại và nâng cao tay nghề cho công nhân và người lao động, tổ chức đào tạo trực tiếp cho doanh nghiệp trên 50 công nhân, bồi dưỡng kỹ năng nghề và thi nâng bậc cho 102 công nhân, trong đó có cả bậc 7/7.

 

Học nghề điện công nghiệp. Ảnh: Đ.Y
Học nghề điện công nghiệp. Ảnh: Đ.Y

Đặc biệt, trong tình hình kinh tế khó khăn, nguồn nhân lực đang vừa thừa lại vừa thiếu, mô hình đã giúp nhà trường thành công hơn trong việc đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm. Những năm qua, nhiều học viên tốt nghiệp tại trường vào làm việc ở các doanh nghiệp lớn có uy tín, cho thu nhập cao, như: Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, Công ty cổ phần Sông Đà Thăng Long-Chi nhánh Gia Lai, Công ty cổ phần Sông Đà 3... Đồng thời, với việc tăng cường mối quan hệ với doanh nghiệp, nhà trường không chỉ tạo được việc làm mà còn tạo điều kiện cho học viên thực tập tại các doanh nghiệp, góp phần nâng cao tay nghề và trực tiếp rèn luyện tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động theo đúng mục tiêu đào tạo để đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Với cách đào tạo nghề có địa chỉ và theo nhu cầu của doanh nghiệp, nhà trường không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo nghề mà còn tạo ra rất nhiều thuận lợi cho mỗi học viên khi tốt nghiệp tìm kiếm việc làm. Rất nhiều học viên tốt nghiệp đã tìm được việc làm từ các doanh nghiệp, nhiều học viên còn tự tạo được việc làm cho mình, mở được doanh nghiệp, cửa hàng, như làm nghề hàn, sửa chữa ô tô, xe máy, sửa máy vi tính, lắp đặt điện nước công trình xây dựng… Cựu học viên nhà trường trở thành các chủ doanh nghiệp, như: Lê Văn Tân-chủ Doanh nghiệp Việt Thanh ở đường Tôn Thất Tùng; Trần Minh Sang-chủ cửa hàng Minh Sang (ở 439 Lê Đại Hành, TP. Pleiku).

Đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn học nghề

 

Học nghề cơ khí. Ảnh: Đ.Y
Học nghề cơ khí. Ảnh: Đ.Y

Trước áp lực lao động việc làm ngày càng cao, công tác đào tạo của nhà trường lại càng nặng nề hơn. Là một cơ sở dạy nghề chủ đạo của tỉnh, Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai thường xuyên nắm bắt kịp thời những chủ trương của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và của tỉnh để đổi mới và mở rộng ngành nghề.
 

Năm học 2014-2015, chỉ tiêu đào tạo của Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai trên 5.000 học viên. Trong đó hệ dạy nghề chính quy 600, dạy nghề phổ thông 4.000 học viên gồm 2 cấp học; dạy nghề lao động nông thôn 1.500 học viên.

Trao đổi với P.V, thầy Trần Văn Kiệm nhấn mạnh: “Tiếp tục thực hiện những mục tiêu, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, công tác tuyển sinh, nhà trường tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các phòng khoa trong công tác tuyển sinh, gắn với địa bàn các địa phương trong tỉnh để tư vấn cho người học. Tăng cường tiếp xúc, xác định nhu cầu để đào tạo trực tiếp cho doanh nghiệp; nắm bắt nhu cầu học nghề của quân nhân xuất ngũ thông qua các đơn vị quân đội để tư vấn tuyển sinh. Nắm chắc số lượng học sinh tốt nghiệp các trường THCS, dân tộc nội trú, các trường trung cấp để tư vấn tuyển sinh tại từng thôn, làng, tư vấn trực tiếp đến với người lao động. Lồng ghép việc dạy nghề cho lao động nông thôn với tư vấn tuyển sinh hệ chính quy và các hệ đào tạo khác. Chủ động nắm thông tin nhu cầu đào tạo trong tỉnh để liên kết với các trường đại học đào tạo đại học và trên đại học”.

Để công tác dạy và học luôn đổi mới và đạt hiệu quả, nhà trường tiếp tục thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ quản lý cấp phòng khoa giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch bổ sung giai đoạn 2016-2020. Cùng với đó, rà soát đánh giá năng lực thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động để điều chỉnh cho sự ổn định và phát triển của nhà trường; tổ chức tốt hội giảng cấp trường và chuẩn bị tham gia hội giảng toàn quốc năm 2015.

Đồng thời, tiếp tục biên soạn và đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình; tổ chức chỉnh sửa, bổ sung các chương trình đào tạo phù hợp với đặc điểm địa phương và điều kiện của trường, bổ sung các môn học trang bị kỹ năng mềm cho học viên; xây dựng chương trình đào tạo nghề trọng điểm được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội quyết định. Tổ chức biên soạn giáo trình để đảm bảo 100% môn học, mô đun có giáo trình, đặc biệt là giáo trình cho các nghề cao đẳng. Đầu tư mua sắm và sử dụng có hiệu quả thiết bị từ nguồn vốn khác để bổ sung thiết bị các nghề còn thiếu. Trang bị thêm sách, tài liệu, học liệu, đồ dùng phục vụ đào tạo.

Về công tác học sinh sinh viên, nhà trường luôn đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức nhân cách, kỹ năng sống, kiến thức hội nhập, xây dựng nếp sống văn hóa trường học, tuân thủ pháp luật của Nhà nước và nội quy, quy chế của nhà trường; đảm bảo an toàn giao thông, phòng-chống các tệ nạn xã hội và tội phạm xâm nhập học đường; đồng thời, đẩy mạnh phong trào thi đua học tốt, nâng cao khả năng tư duy sáng tạo và năng lực thực hành cho học viên; tích cực tham gia công tác xã hội và các hoạt động tình nguyện và thực hiện tốt cuộc vận động “3 rèn luyện” trong tất cả học viên.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm