Gian nan cõng chữ lên Kon Chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhắc đến xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang) là nhắc đến xa xôi cách trở, nhắc đến cái đói, cái nghèo, cái lạc hậu vẫn hoành hành ở xã vùng sâu này. Thế nhưng, ở nơi ấy vẫn có những con người từng ngày thầm lặng cõng chữ lên non với mong ước thay da đổi thịt vùng đất khó này.

  Con chữ ở Kon Chiêng còn lắm những gian nan, vất vả. Ảnh: Văn Ngọc
Con chữ ở Kon Chiêng còn lắm những gian nan, vất vả. Ảnh: Văn Ngọc

Vào một ngày mà cơn mưa bất chợt đầu mùa khô vừa tạnh, từ ngã ba Năm Đạt (huyện Mang Yang) trên quốc lộ 19, chúng tôi bắt đầu hành trình về Kon Chiêng theo con đường trải nhựa. Khi chúng tôi hỏi thăm đường đến xã vùng xa này thì hầu hết ai nấy đều tỏ vẻ ái ngại thay cho những người khách đường xa. Người thì nói: “Kon Chiêng à, cứ đi thẳng là tới, nhưng mà mới mưa xong đi không nổi đâu”. Người khác thì dí dỏm hơn: “Chuẩn bị khiêng xe đi là vừa nhé”. Bỏ lại những lời “dọa” đó, chúng tôi vẫn quyết tâm đi… thử trên con đường mà những người thầy, người cô ở Kon Chiêng đi suốt bao năm trời. Chiếc xe cứ lăn bánh qua những đồi núi trùng điệp, qua từng đoạn đường sỏi đá, lầy lội. Cứ đi rồi chúng tôi mới “thấm” câu nói của những người chỉ đường. Phải vật lộn với đám bùn lầy trơn trượt, với những cung đường dày đặc những ổ voi, Kon Chiêng mới hiện ra giữa hoang vu núi đồi.

Đón chúng tôi, thầy Nhữ Văn Thanh-Hiệu trưởng Trường THCS Kon Chiêng cười xòa nói: “Mùa khô ít mưa nên đỡ rồi, chứ mùa mưa thì… thôi rồi”. Nói rồi thầy bắt đầu kể về những gian truân, vất vả mà các thầy cô đã phải đối mặt chỉ riêng với con đường. Theo thầy Thanh, trong số 22 cán bộ, giáo viên, nhân viên thì chỉ có một vài người là công dân của núi rừng Kon Chiêng này. Hầu hết các giáo viên đều ở các địa bàn cách Kon Chiêng từ vài chục đến hàng trăm km. Bởi vậy, con đường đến trường từ lâu đã trở thành một “người bạn” bất đắc dĩ với những thầy-cô giáo nơi đây. Và đó là một người bạn khá... đỏng đảnh. Vào mùa khô, cái nắng gay gắt hòa với cái bụi mịt mù khiến bất cứ ai cũng phải nản lòng. Nhưng vào mùa mưa, con đường mới thực sự đáng sợ với những vũng lầy như một cái ao bùn mini. “Thầy cô đi đường trơn trượt té ngã bẩn quần áo, cặp sách như cơm bữa. Vào những ngày mưa lớn, nước ở suối dâng cao khiến giao thông bị cắt đứt ở khu vực xã Lơ Pang. Nhiều thầy cô không qua được suối thì phải quay lại trường, hoặc vào ở nhờ những nhà dân gần đó để chờ nước rút thì mới về được vì ở đoạn ngầm đó đã từng có người làng cố vượt qua suối rồi bị nước cuốn trôi”-thầy Thanh chia sẻ.

 

Ảnh: Văn Ngọc
Ảnh: Văn Ngọc

Hơn 13 năm gắn bó với ngôi trường này, thầy Thanh đã nếm trải đầy đủ những mùi vị của con đường. Bởi vậy, đó không phải là thách thức đủ lớn để làm nản lòng những người giáo viên vùng sâu, vùng xa này nữa. Ngược lại, họ lại phải trăn trở, phải đối mặt với chính khó khăn đến từ những học trò của mình. Cứ đến ngày mùa, các em học sinh lại bỏ học ở nhà lên rẫy theo cha mẹ. Mỗi sáng, nhìn vào lớp học và bảng sĩ số, thầy cô ai nấy buồn rười rượi. Rồi không để các em bị chậm chương trình, họ lại lặn lội băng rừng, vượt suối hàng chục km đến tận nhà để vận động các em đến trường. Gặp được các em đã khó, đưa các em trở lại trường lại càng khó hơn. Thầy Thanh kể, có cô giáo đang trên đường chở học sinh về trường thì học sinh nhảy xuống, cô ngã đau, còn trò thì chạy một mạch quay lại làng để lên rẫy, lên nương. Thầy Thanh trải lòng: “Có nhiều người nghĩ giáo viên ở Kon Chiêng tủi thân khi nhiều năm ròng chẳng biết không khí ngày 20-11 là gì, nhưng việc học sinh không đến lớp mới là điều khiến chúng tôi tủi thân nhất”.  

Không phải vận động từng em đến trường như Trường THCS Kon Chiêng, nhưng các giáo viên của Trường Mầm non Kon Chiêng lại mang nỗi khổ tâm riêng. Trong số 10 điểm làng của trường, chỉ có 2 điểm trường có nước sạch. Cô Trịnh Thị Tăng-Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Các cô giáo hàng ngày đều phải đi vài km để lấy nước giọt về để cho các em sinh hoạt. Vất vả là thế nhưng biết làm sao, bởi học trò như con mình thôi mà”. Chứng kiến những giáo viên chăm chút cho các em nhỏ từng bàn tay, từng đôi chân lấm đất đến mái tóc rối bù, trong đầu chúng tôi bỗng hiện lên câu hát “Cô giáo như mẹ hiền”… mà các em một ngày nào đó sẽ hát tặng những cô giáo của mình.

Một ngày Nhà giáo nữa lại đến, thầy và trò ở Kon Chiêng lại tất bật với những tiết mục văn nghệ vui tươi, ấm áp tình thầy trò. Ở mảnh đất nghèo khó này thì tiếng hát và những đóa dã quỳ vàng rực chính là những món quà “đặc sản” mà các em học sinh dâng lên thầy cô thay cho lời tri ân.

Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

Quân đoàn 3: Vang mãi bản hùng ca

(GLO)- Trong 49 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, Quân đoàn 3 không chỉ đóng góp quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn đứng chân.