Hạ độ cao mặt ruộng: Lợi bất cập hại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, một số hộ dân tự ý dùng máy móc để hạ độ cao mặt ruộng, sau đó bán lớp đất mặt này cho những người có nhu cầu. Việc hạ độ cao mặt ruộng có thể là lợi trước mắt nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất.
Hạ độ cao mặt ruộng để sản xuất hay bán đất?
Có mặt tại cánh đồng làng Piơm (thị trấn Đak Đoa), chúng tôi thấy người dân thuê máy múc cào hạ thấp độ cao mặt ruộng. Nhiều thửa ruộng bị đào sâu 30-40 cm làm lộ ra lớp đất sét. Toàn bộ lớp đất mặt sau đó được đưa lên xe ô tô tải chở về hướng TP. Pleiku. 
Sau khi tiếp nhận thông tin từ P.V, ông Nguyễn Trọng Thành-Chủ tịch UBND thị trấn Đak Đoa đã trực tiếp đến cánh đồng làng Piơm kiểm tra và phát hiện 13 thửa ruộng đã bị múc đất bề mặt. Ông Thành cho biết: Ủy ban nhân dân thị trấn không có kế hoạch hạ độ cao mặt ruộng. Còn việc một số chủ ruộng lén lút thuê máy múc đến hạ độ cao rồi tận dụng nguồn đất đó đem đi bán là có sự cấu kết với nhau. Để nghiêm cấm hành vi lợi dụng hạ độ cao mặt ruộng để bán đất, UBND thị trấn chỉ đạo cán bộ địa chính cắm bảng tuyên truyền, nếu chủ ruộng nào tiếp tục vi phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tại cánh đồng Ia Kdăm 1 (xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa) cũng xuất hiện tình trạng người dân thuê máy múc để hạ độ cao mặt ruộng. Bà Rmah H’Ploanh-Chủ tịch UBND xã-thông tin: Xã có tiếp nhận một đơn xin phép hạ độ cao mặt ruộng của ông Ramah Phong ở làng Ia Kdăm 1, có xác nhận của Trưởng thôn. Tuy nhiên, thay vì thực hiện đúng cam kết, chủ máy múc sau đó đã lợi dụng vận chuyển đất đến xã Chư Mố bán cho hộ ông Nay Túy với giá 350.000 đồng/xe.
Nhiều thửa ruộng tại cánh đồng làng Piơm (thị trấn Đak Đoa) bị lấy đi phần đất mặt. Ảnh: H.P
Nhiều thửa ruộng tại cánh đồng làng Piơm (thị trấn Đak Đoa) bị lấy đi phần đất mặt. Ảnh: H.P
Theo bà H’Ploanh, người dân viện lý do ruộng cao không dẫn nước được để gieo sạ lúa 2 vụ nên xã cũng tạo điều kiện giúp bà con hạ nền mặt ruộng. Xã cũng triển khai làm một số tuyến đường nông thôn mới nhưng trên địa bàn không có mỏ đất nên nhà thầu có xin phép lấy đất từ một số chân ruộng cao để làm công trình. Khi xin phép, họ cam kết không vận chuyển đất ra khỏi địa bàn. Tuy nhiên, xã không giám sát được. Vì vậy mà họ lén lút chở qua xã Chư Mố bán. Đây là hành vi vi phạm pháp luật. 
Tương tự, tại cánh đồng buôn Tang (xã Phú Cần, huyện Krông Pa), việc hạ độ cao mặt ruộng cũng diễn ra khá công khai. Ông Ksor Krung cho biết, gia đình ông có 3 sào đất lúa liền kề, trong đó có 2 sào đã được hạ độ cao từ năm trước, năm nay tiếp tục hạ độ cao 1 sào còn lại. “Ruộng nhà mình ở vị trí cao khó dẫn nước tưới nên lấy đất hạ mặt bằng là để thuận lợi trong sản xuất. Mình chỉ lấy một lớp đất mặt bên trên nên sẽ không ảnh hưởng và cũng không cần xin phép. Chủ máy múc thấy thuận tiện thì múc đất hạ mặt ruộng, còn chở đi đâu thì mình không biết, nếu có bán thì họ cho mình ít tiền”-ông Krung nói.
Lợi trước mắt, hại lâu dài
Nhận định về tình trạng nhiều người dân hạ độ cao mặt ruộng để thuận lợi trong việc sản xuất, Chủ tịch UBND thị trấn Đak Đoa cho biết: “Tầng đất mặt rất quan trọng để trồng lúa vì chứa nhiều dưỡng chất. Việc khai thác lớp đất mặt sẽ ảnh hưởng đến độ phì nhiêu của đất, cây lúa kém phát triển, giảm năng suất. Trong khi đó, theo các quy định của pháp luật về đất đai, tài nguyên khoáng sản thì hoạt động khai thác, hạ mặt bằng đất ruộng phải có sự đồng ý của cơ quan thẩm quyền”.
Theo ông Thành, thời gian tới, UBND thị trấn Đak Đoa sẽ tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các trường hợp tự ý cải tạo mặt ruộng để lấy đất. Đồng thời, thị trấn tổ chức tuyên truyền cho các hộ dân hiểu những hệ lụy của việc lấy đi lớp đất mặt ruộng vì sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng.
UBND thị trấn Đak Đoa đã cắm biển cấm đào, múc, vận chuyển đất trái phép tại cách đồng Piơm. Ảnh: Hà Phương
UBND thị trấn Đak Đoa đã cắm biển cấm đào, múc, vận chuyển đất trái phép tại cách đồng Piơm. Ảnh: Hà Phương
Còn ông Đinh Xuân Duyên-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Pa thì đánh giá: “Việc bán lớp đất mặt ruộng sẽ giảm đi tầng đất phù sa canh tác (30-50 cm), ảnh hưởng đến độ màu mỡ của đất, giảm nguồn dinh dưỡng của cây. Trong khi đó, chi phí đầu tư bổ sung lại dinh dưỡng cho đất cao hơn 2-3 lần so với các thửa ruộng không bị khai thác lớp đất mặt. Do đó, người dân không nên bỏ đi lớp đất mặt ruộng. Nếu vì điều kiện canh tác ở khu vực đất gò cao buộc phải hạ thấp để giữ nước thì cần chú ý đến việc san gạt mặt bằng cho tốt, không nên bỏ đi phần lớp đất mặt ruộng; đồng thời tăng cường bón phân hữu cơ để trả lại độ phì nhiêu cho đất”.
KHÁNH PHONG

Có thể bạn quan tâm

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

Thu tiền tỷ từ cà phê chất lượng cao

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với vùng cao nguyên đất đỏ, ông Huỳnh Đức Xuyến (320 Nguyễn Huệ, thị trấn Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã trải qua bao thăng trầm cùng cây cà phê. Chính từ sự kiên trì cùng với việc chọn hướng đi phù hợp, ông đã nhận được “quả ngọt” từ loại cây công nghiệp này.

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.