Nuôi gà Đông Tảo thu lãi lớn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chưa đầy 2 năm nuôi gà Đông Tảo, ông Đinh Công Chấn (thôn Tung Chrêr, xã Ia Dreng, huyện Chư Pưh) đã xuất bán hàng trăm con gà thương phẩm,  thu lợi trên 200 triệu đồng.

Chúng tôi đến thăm mô hình nuôi gà Đông Tảo của ông Chấn khi ông đang vệ sinh khoảnh sân vườn rộng chừng 350 m2. Trong vườn, đàn gà hơn 400 con của gia đình ông đang lần tìm thức ăn dưới các gốc cây. Ông Chấn bảo, gà Đông Tảo nếu nuôi nhốt trong chuồng theo hình thức công nghiệp thì ít dịch bệnh hơn và nhanh lớn hơn nhưng chất lượng thịt sẽ không ngon. Vì vậy, ông chọn nuôi theo hình thức thả vườn. “Nuôi theo hình thức thả vườn sẽ vất vả vì gà dễ mắc bệnh nhưng bù lại chất lượng thịt ngon,  đầu ra sản phẩm sẽ dễ hơn”-ông Chấn chia sẻ.

 

Ông Chấn giới thiệu về giống gà giúp gia đình ông thu lãi trên 200 triệu đồng chỉ sau 20 tháng nuôi.                                                                                               Ảnh: H.T
Ông Chấn giới thiệu về giống gà giúp gia đình ông thu lãi trên 200 triệu đồng chỉ sau 20 tháng nuôi. Ảnh: H.T

Về lý do chọn nuôi gà Đông Tảo, ông Chấn cho biết, trước đây, thu nhập của gia đình ông chủ yếu từ trồng hồ tiêu. Đầu năm 2016, sau chuyến thăm người thân tại tỉnh Đồng Nai, thấy mô hình nuôi gà Đông Tảo tại đây cho hiệu quả kinh tế cao, ông về bàn với vợ nuôi thử. Ông Chấn tâm sự: “Gia đình tôi có quỹ đất rộng, thức ăn cho gà cũng dễ kiếm nên khi đưa vấn đề này ra bàn, vợ tôi đồng ý ngay. Sau đó, tôi mang 20 triệu đồng quay lại Đồng Nai học tập kinh nghiệm và mua 50 con gà giống về nuôi. Đến nay, đàn gà đã phát triển lên hơn 400 con. Sau khi xuất bán một số gà thương phẩm, gia đình thu lãi trên 200 triệu đồng”.

Để có được thành quả này, ông Chấn đã phải trải qua rất nhiều vất vả, nhất là lúc mới nuôi, dù được người thân hướng dẫn khá kỹ nhưng đàn gà của ông vẫn hay bị nhiễm bệnh. Sau khi lên mạng internet học hỏi thêm và áp dụng một số kinh nghiệm hay trong quá trình chăm sóc nên đàn gà của gia đình ông phát triển khỏe mạnh.  Theo ông Chấn, chăm giống gà này như chăm con mọn, phải chú ý thường xuyên các biểu hiện từ ăn đến ngủ để phát hiện và điều trị kịp thời dịch bệnh nhằm tránh lây lan, gây hao hụt đàn gà.

Cũng theo ông Chấn, gà phải cho ăn đảm bảo 3 bữa/ngày và thức ăn phải có nhiều chất xơ thì chất lượng thịt mới ngon. “Nuôi gà Đông Tảo chỉ nên cho gà ăn cám công nghiệp khi còn nhỏ để gà có sức và nhanh lớn. Khi gà đã cứng cáp thì phải cho ăn nhiều chất xơ như chuối, cám gạo, bột bắp để giữ được độ giòn, ngọt của thịt. Ngoài ra, gà Đông Tảo nên nuôi hơn 1 năm rồi mới xuất bán để đảm bảo chất lượng thịt”-ông Chấn phân tích.

Ngoài bán gà thương phẩm, hiện tại, gia đình ông Chấn cũng đã xuất bán được một số gà giống cho các hộ chăn nuôi trong huyện. Đặc biệt, giá gà thương phẩm và gà giống trên thị trường khá cao, gà thịt 200.000-300.000 đồng/kg, gà giống  80.000-100.000 đồng/con nên gia đình cũng nhanh có lãi. Ông Chấn đang dự định mở rộng quy mô chăn nuôi loại gà này, trong đó, sẽ chú ý đến việc xuất bán gà giống. “Tuy giống gà này đẻ trứng ít hơn gà ta và tỷ lệ ấp chỉ đạt 60-70%, song thị trường gà giống trên địa bàn huyện vẫn còn rộng mở. Do đó, gia đình sẽ tiếp tục nuôi gà đẻ trứng để cung cấp nguồn giống ra thị trường”-ông Chấn cho hay.

Trao đổi với P.V,  bà Nguyễn Thị Vân-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Dreng, cho biết: Hiện nay, trên địa bàn xã chưa có ai xây dựng mô hình nuôi gà Đông Tảo với quy mô lớn và có hiệu quả như ông Chấn. Qua tìm hiểu, nguồn vốn đầu tư cho mô hình này thấp nhưng hiệu quả kinh tế khá cao. Vì vậy, Hội Nông dân xã đã tổ chức cho các hội viên, nông dân trong xã đến học hỏi kỹ thuật nuôi gà Đông Tảo của gia đình ông Chấn để áp dụng nhằm tăng thêm thu nhập. Thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ khuyến khích các hội viên, nông dân trên địa bàn nuôi gà Đông Tảo để liên kết với nhau cung cấp gà giống cũng như gà thương phẩm ra thị trường trong và ngoài tỉnh.

Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai từng bước thực hiện xã hội hóa nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp

Gia Lai từng bước thực hiện xã hội hóa nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp

(GLO)- Lần đầu tiên chủ trương xã hội hóa nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp (CCN) được thực hiện ở Gia Lai. Đây là một trong những điểm nhấn nổi bật để từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng các CCN trên địa bàn, từ đó đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm đa dạng hóa sản phẩm công nghiệp của địa phương.

Người dân đến làm thủ tục hành chính tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính công của UBND TP. Pleiku. Ảnh Hà Duy

Công bố danh mục 1 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư

(GLO)- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai Trương Hải Long vừa ký ban hành Quyết định số 164/QĐ-UBND công bố danh mục 1 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh.
“Tiếp sức” cho doanh nghiệp phát triển

“Tiếp sức” cho doanh nghiệp phát triển

(GLO)- Hàng loạt hoạt động hỗ trợ được tỉnh Gia Lai triển khai thời gian qua đã tiếp thêm niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh. Đi kèm với đó, số doanh nghiệp thành lập mới cũng như hoạt động trở lại ngày càng nhiều.
Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

(GLO)- Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP. Hà Nội và đơn vị liên quan chỉ đạo, thông báo các chủ dự án nộp hơn 57,3 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.
Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.