Quản lý giết mổ và vận chuyển gia súc, gia cầm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Theo báo cáo của Chi cục Thú y Gia Lai, toàn tỉnh hiện có 219 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đều do tư nhân quản lý. Chỉ 4 địa phương có lò giết mổ gia súc tập trung là các huyện: Krông Pa, Đức Cơ, Ia Grai, Chư Sê và 2 cơ sở giết mổ gia cầm tại TP. Pleiku và huyện Đak Đoa, còn lại đều chưa được cấp phép. Theo thống kê sơ bộ, TP. Pleiku mỗi đêm giết mổ khoảng 600 con heo, bò. Trung tâm Thương mại Pleiku mỗi ngày tiêu thụ 5-7 tấn thịt tươi, lượng thịt còn lại được phân tán khắp các chợ nhỏ và được chở đến phục vụ các địa bàn vùng sâu, vùng xa.
 

Một lò mổ tập trung.
Một lò mổ tập trung.

Quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trong sản xuất hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập. Hầu hết các chợ trên địa bàn tỉnh, công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Nhiều chủ hàng mang gia cầm sống đến bày bán ở các chợ, khách hàng có nhu cầu chủ hàng sẽ giết mổ ngay tại chỗ, không tuân theo quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm, lông gia cầm, chất thải, nội tạng chất đống, bốc mùi hôi tanh. Nước thải chảy tràn xuống chợ, gây mất vệ sinh môi trường và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch... Trong khi đó, người tiêu dùng không khắt khe yêu cầu kiểm dịch, vẫn chấp nhận sử dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, không được các cơ quan chức năng kiểm soát, chứng nhận.

Trên địa bàn TP. Pleiku vẫn còn một số hộ kinh doanh, buôn bán, vận chuyển gia súc chưa khai báo và làm kiểm dịch vận chuyển theo quy định, gây khó khăn cho công tác kiểm dịch và tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Các chủ cơ sở giết mổ thường tìm cách trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng, tổ chức giết mổ vào ban đêm, luôn đóng kín cửa ra vào. Sử dụng xe gắn máy chuyên chở thịt nên rất khó phát hiện, bắt giữ tận gốc.

Để đảm bảo không xảy ra tình trạng thực phẩm bẩn tràn ra thị trường, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, ngành Thú y đang siết chặt công tác kiểm tra, tăng cường quản lý, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại những cơ sở giết mổ nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm trong khâu bán lẻ tại các chợ, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người kinh doanh và người tiêu dùng chỉ sử dụng các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm có dấu kiểm soát giết mổ của cơ quan chức năng. Ông Dương Ngọc Thanh-Chi cục phó Chi cục Thú y Gia Lai cho biết: “Ngay từ đầu năm 2016 chúng tôi đã thực hiện nhiều cuộc kiểm tra nhắc nhở và áp dụng hình thức xử phạt đối với cơ sở, lò mổ vi phạm. Trong khoảng thời gian cao điểm nhân dân chuẩn bị đón Tết Nguyên đán, Chi cục Thú y đã phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng-chống tội phạm về Môi trường; thực hiện triển khai kiểm tra, xử lý việc bơm nước vào gia súc, thịt gia súc trên địa bàn.

Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm

Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.
Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.