Ép giá nông sản: Chuyện dài trên những cánh đồng…

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ép giá nông sản lâu nay vẫn là câu chuyện muôn thuở. Dù thời đại công nghệ thông tin ngồi đâu người ta cũng có thể nắm bắt được giá cả, cập nhật đến từng giờ, từng ngày nhưng ép giá vẫn là căn bệnh chưa có thuốc chữa và tư thương ngày càng có những biến tấu tinh vi hơn để ép giá nông dân.

Giá tại ruộng và thị trường: Một trời một vực

Với những người trồng mía, phải mất 10 tháng đến một năm mới đến kỳ thu hoạch, nông dân phải lo từ “a tới z” các chi phí vật tư, công sức chăm sóc, đồng thời phải gánh chịu mọi nguy cơ thất thu có thể xảy ra. Tuy nhiên, giá mía thu mua tại ruộng của thương lái đối với sản phẩm mía của bà con chỉ khoảng một nửa so với giá thu mua tại nhà máy. Một nửa còn lại rơi vào chi phí dành cho tư thương: thu gom, vận chuyển và bán mía cho nhà máy. Thiệt thòi là thế song người trồng mía nếu muốn phá vỡ những quy tắc này, tức là tự sản xuất và tự tiêu thụ sẽ bị “xử ép” đủ đường, không dễ gì bán được mía trực tiếp cho nhà máy.

 

    Nông dân xã Ia Lâu thu hoạch mì. Ảnh: L.H
Nông dân xã Ia Lâu thu hoạch mì. Ảnh: L.H

Hiện đang là thời kỳ cao điểm mùa thu hoạch mía niên vụ 2015-2016 tại các huyện phía Đông tỉnh. Nhìn vào giá thu mua tại nhà máy cho sản phẩm mía nguyên liệu đạt 10 chữ đường là 1.000 đồng/kg nhưng tại các cánh đồng mía, giá mía nông dân bán cho các đại lý chỉ dao động quanh mức 500 đồng/kg. Một ha mía cho năng suất trung bình 60-70 tấn, nông dân chỉ thu về 30 triệu đồng đến 35 triệu đồng chưa trừ chi phí đầu tư, chăm sóc và công cán trong suốt một năm trời ròng rã. Phần chênh lệch còn lại tư thương hưởng lợi sau khi trừ đi các chi phí liên quan như: nhân công chặt mía, phí vận chuyển (phần này tư thương vẫn được hưởng hỗ trợ từ nhà máy)… Sự chênh lệch quá lớn giữa giá mía thu gom tại ruộng và giá bán thực tế cho nhà máy khiến rất nhiều nông dân bức xúc, song chẳng có cách nào thay đổi được những “luật bất thành văn” trên đồng ruộng này. “Chúng tôi phải chịu tất cả các khoản đầu tư để cho ra sản phẩm nhưng khi bán lại chỉ được phân nửa giá trị thực của nó, thiệt thòi lắm! Nếu không bán qua đại lý, nông dân chúng tôi sẽ bị làm khó đủ kiểu, từ kéo dài thời gian chặt mía, chờ cân… Chờ lâu, mía khô hết, hao hụt trọng lượng rất nhiều. Cứ xoay vòng vậy nên thành cái “luật”, nông dân chịu thiệt giá để bán qua đại lý cho bớt mệt”-ông Nguyễn Văn Bạn (thôn An Hòa, xã Phú An, huyện Đak Pơ) chia sẻ nỗi khổ của người nông dân bị tư thương ép giá mía.

Không có nhà máy thu mua đặt mức giá công khai để so sánh như cây mía, người làm nghề trồng rau củ phải chấp nhận mức giá cả được gọi chung chung là thị trường thì việc ép giá càng diễn ra gay gắt hơn. Mức giá thu mua tại ruộng luôn thấp hơn rất nhiều lần so với giá rau củ được bán ra thị trường, tới tay người tiêu dùng. Với những mặt hàng này, chuyện tư thương bắt tay nhau “làm giá”, “ép giá” nông dân là chuyện không mấy khó khăn. Thực tế trong những ngày này, nếu về các vùng trồng bí đỏ tại Kông Chro, Kbang, Đak Pơ… bà con đang đau đầu, bởi giá bí đỏ tư thương thu mua tại ruộng rất thấp, chỉ 3.000 đồng đến 3.500 đồng/kg bí tuyển và giảm xuống một nửa đối với bí loại 2. Nhưng thực tế tại tất cả các điểm bán rau củ ở các chợ, giá bán bí đỏ ngay tại thị xã An Khê hay xa hơn là TP. Pleiku, dao động từ 8.000 đồng đến 10.000 đồng/kg. Với các loại rau củ khác, mức độ chênh lệch giá giữa mua gom ở ruộng tới tay người tiêu dùng luôn ở mức gấp ba, thậm chí cao hơn…

Đã bị xử ép còn chịu ơn

Với những người nông dân khó khăn về vốn thì chuyện ép giá còn trắng trợn hơn thông qua hình thức vay vốn ngoài-một trong những hình thức tín dụng đen với lãi suất rất cao (dao động 3-5%). Người nông dân chỉ lấy công làm lời khi chấp nhận rủi ro vay vốn đầu tư tính theo “lãi ngoài” và chỉ khi được mùa, được giá mới mong dư ra chút đỉnh. Nếu thất thu, kém giá coi như vụ ấy làm không công cho đại lý. Thực tế đã từng có không ít trường hợp nông dân làm quần quật vài tháng, tới vụ thu hoạch tính ra vẫn còn… nợ tiền đầu tư của đại lý, tức là lỗ cả công liền vốn.

Đơn cử như trường hợp của anh Đinh Minh Hoàng (xã Ia Lâu, huyện Chư Prông). Vì hai vợ chồng tay trắng từ miền Bắc vào Gia Lai lập nghiệp nên cuộc sống rất khó khăn. Thiếu vốn, vợ chồng anh chấp nhận ký nợ đầu tư của các đại lý phân bón trên địa bàn. “Chúng tôi mua chịu phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… sẽ luôn phải chịu mức giá cao hơn người khác mua trả tiền liền. Kèm vào đó, các đại lý lại tính tiếp phần lãi suất, thường thì 3-5%/tháng. Vụ mì vừa qua, 4 ha mì của nhà tôi phải mua chịu tổng cộng 70 triệu đồng tiền phân bón, thuốc, chi phí cày bừa… Tới vụ thu hoạch, tính ra tôi đã mất hơn 25 triệu đồng tiền lãi trong vòng một năm. Kèm theo đó, đại lý bắt buộc phải bán lại nông sản cho họ. Giá mì thu mua của đại lý luôn thấp hơn 2-3 giá so với các điểm thu gom khác. Chúng tôi vất vả nhưng chỉ còng lưng làm giàu cho đại lý thôi. Biết vậy nhưng nghèo, thiếu vốn nên đành phải chịu”-anh Hoàng nói.

“Bao giờ nông dân hết cảnh ép giá?” có lẽ vẫn là câu hỏi lớn chưa có lời đáp. Thiết nghĩ, để cân đối lại mức chênh lệch này lại không thể chỉ một vài người làm được, càng không thể chỉ trông chờ từ phía duy nhất người nông dân mà nhất thiết phải có sự tham gia quản lý và điều tiết của chính quyền, ngành chức năng, nhà máy, tư thương và người nông dân.

 Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Gồng mình chống hạn

Gồng mình chống hạn

(GLO)- Nắng nóng kéo dài khiến nhiều công trình thủy lợi, ao hồ, đập dâng, sông suối trên địa bàn tỉnh Gia Lai cạn nước. Tình trạng này khiến nhiều diện tích cây trồng, nhất là cây công nghiệp dài ngày đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước tưới, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng vườn cây.

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.