Góp phần giữ rừng và cải thiện đời sống người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau 4 năm triển khai, Gia Lai được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong việc đưa chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng vào cuộc sống. Không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình nhận khoán mà điều quan trọng hơn, chính sách này còn góp phần rất lớn trong công tác bảo vệ và phát triển rừng ở địa phương.

Giữ rừng, tạo thu nhập

Là một trong những xã có diện tích rừng tự nhiên lớn (15.494 ha), xã Chư Drăng (huyện Krông Pa) được nhận giao khoán 1.500 ha rừng. Mỗi năm, UBND xã nhận được trên 500 triệu đồng từ dịch vụ môi trường rừng (DVMTR). “Với số tiền này, chúng tôi có kinh phí để chi trả hợp đồng lao động cho các hộ nhận khoán. Nhờ chính sách chi trả DVMTR, cả xã có 5 nhóm hộ gia đình luôn có thu nhập ổn định, đời sống cải thiện, giảm số hộ nghèo. Diện tích rừng tự nhiên cũng được tăng cường bảo vệ, hạn chế trường hợp rừng bị lấn chiếm trái phép”-ông Ksor Ror-Phó Chủ tịch UBND xã, kiêm Phó ban Lâm nghiệp xã Chư Drăng, phấn khởi nói.

 

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng sẽ góp phần bảo vệ rừng tốt hơn, hạn chế các trường hợp khai thác rừng trái phép. Ảnh: Hải Lê
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng sẽ góp phần bảo vệ rừng tốt hơn, hạn chế các trường hợp khai thác rừng trái phép. Ảnh: Hải Lê

Ia Rsươm, cũng là một trong những xã có diện tích rừng tự nhiên lớn của huyện Krông Pa và là địa bàn tương đối phức tạp về tình trạng khai thác rừng trái phép do giáp ranh với thị xã Ayun Pa, từ khi triển khai thực hiện chi trả DVMTR, công tác quản lý và bảo vệ rừng đem lại hiệu quả cao hơn. Chủ tịch UBND xã Ia Rsươm-ông Chu Công Vinh cho biết: “Xã nhận giao khoán gần 2.000 ha rừng. Chúng tôi đã thành lập 9 nhóm hộ với khoảng 90 người là người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo tham gia. Chính sách chi trả DVMTR đã đem lại nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động chi trả cho người dân và lực lượng cán bộ phụ trách, mua sắm trang-thiết bị như: máy tính, xe máy, máy định vị để phục vụ công tác tuần tra, theo dõi diễn biến rừng… Có thể nói, chính sách này đã tạo ra một nguồn lực quan trọng để địa phương triển khai hiệu quả hơn việc quản lý, bảo vệ rừng tốt hơn nhờ huy động được nhiều người tham gia, tạo thu nhập cho hộ nghèo người dân tộc thiểu số”.
 

Theo thống kê của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai, tính đến hết năm 2014, nguồn thu từ DVMTR đạt hơn 209 tỷ đồng. Kế hoạch thu tiền DVMTR của tỉnh Gia Lai trong năm 2015 là 70 tỷ đồng, hiện tại đã thu được 41,7 tỷ đồng, đạt 59% so với kế hoạch.

Gia Lai có khoảng 495.614,32 ha/623.280,76 ha diện tích rừng thuộc diện cung ứng DVMTR, chiếm 79,51% diện tích rừng toàn tỉnh (tính đến hết năm 2014). Từ tháng 7-2012, Gia Lai đã triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR theo Nghị định số 99/2010 của Chính phủ. Chính sách chi trả phí DVMTR được thực hiện, các chủ rừng là tổ chức nhà nước đã tăng cường giao khoán, mở rộng diện tích khoán bảo vệ rừng. Do đó, diện tích khoán bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh đã tăng từ 38.000 ha năm 2012 lên 110.000 ha. Số hộ nhận khoán và nhóm hộ, cộng đồng dân cư tăng lên 2.881 hộ, nhóm hộ so với trước đây. Cùng với đó, sự cố cháy rừng, lấn chiếm đất rừng đã giảm đáng kể. Đặc biệt, việc giao khoán và nhận khoán quản lý bảo vệ rừng bằng các hợp đồng ký kết giữa các bên nên bà con phấn khởi. Tuy số tiền nhận khoán chưa thực sự cao song đã đem lại nguồn thu ổn định cho nhiều người, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Chia sẻ trách nhiệm giữa khai thác-bảo vệ rừng

Theo thống kê của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Gia Lai, tính đến hết năm 2014, nguồn thu từ DVMTR đạt hơn 209 tỷ đồng. Kế hoạch thu tiền DVMTR của tỉnh Gia Lai trong năm 2015 là 70 tỷ đồng, hiện tại đã thu được 41,7 tỷ đồng, đạt 59% so với kế hoạch. Đây là nguồn tài chính được tạo ra từ ngành lâm nghiệp làm giảm áp lực cho ngân sách nhà nước; đầu tư bảo đảm cho nhu cầu công tác quản lý, bảo vệ rừng. Từ nguồn quỹ đó, đã thực hiện việc chi trả tiền cho các hộ nhận khoán phụ thuộc vào lưu vực sử dụng DVMTR với mức tối thiểu là 200 ngàn đồng/ha/năm, tối đa (năm 2014) là 342 ngàn đồng/ha/năm.

Các cơ sở sử dụng DVMTR trên địa bàn tỉnh bao gồm 40 nhà máy thủy điện (trong đó có 6 nhà máy thủy điện thuộc lưu vực liên tỉnh), 2 nhà máy sản xuất nước sạch. Mức chi trả là 20 đồng/kWh điện thương phẩm và 40 đồng/m3 nước thương phẩm. Các nhà máy phải chi trả tiền bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng, điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất thủy điện và sản xuất nước sạch. Ngoài ra, để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên cho du lịch sinh thái như Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh, Kon Chư Răng, các đơn vị phải chi trả từ 1% đến 2% trên doanh thu thực hiện. Các cơ sở cung ứng DVMTR bao gồm 38 chủ rừng là tổ chức nhà nước (gồm Ban Quản lý Rừng, Vườn Quốc gia, Khu Bảo tồn Thiên nhiên, Công ty Lâm nghiệp và tổ chức nhà nước được giao rừng), 87 UBND xã và 7 chủ rừng là cộng đồng dân cư thôn.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR của tỉnh vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Ông Võ Văn Hạnh-Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Gia Lai, cho biết: “Chính sách chi trả DVMTR là một chính sách mới, các cán bộ đều mới và mỏng nên gặp nhiều khó khăn trong tìm hiểu, tiếp cận với công việc. Đối tượng phải chi trả nguồn phí này cũng rất đa dạng nên việc rà soát các đối tượng thu cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các sở, ban ngành địa phương. Ngoài ra, một số nhà máy thủy điện nhỏ trên địa bàn tỉnh lấy lý do khó khăn tài chính vẫn chưa nộp tiền chi trả phí DVMTR”.

Cũng theo ông Hạnh, một thực tế khác là tại một số nơi có nguồn thu phí DVMTR cao nhưng diện tích khoán bảo vệ lại thấp và ngược lại, nên chưa phát huy hiệu quả tối đa; mức chi trả tiền DVMTR chưa phù hợp với biến động tăng giá điện, nước tiêu dùng; công tác tuyên truyền đến các đối tượng còn hạn chế, chênh lệch đơn giá gây ảnh hưởng đến ý thức của người dân...

Hải Lê

Có thể bạn quan tâm

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.