Cần giải pháp phát huy hết công suất thiết kế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hệ thống cấp nước tại xã Biển Hồ, công suất 30.000 m3/ngày/đêm do Công ty cổ phần Cấp nước Sài Gòn-Pleiku làm chủ đầu tư, tổng vốn 231,5 tỷ đồng chính thức phát nước kỹ thuật vào ngày 10-2-2015, sớm hơn gần 3 tháng so với lộ trình đề ra. Phóng viên Báo Gia Lai có cuộc trao đổi với Giám đốc Công ty Cấp nước Sài Gòn-Pleiku-ông Nguyễn Trường Sơn về việc phát nước kỹ thuật và kế hoạch đưa công trình cấp nước vào hoạt động.

* P.V: Ông có thể khái quát những yếu tố mang tính động lực để đưa công trình cấp nước tại xã Biển Hồ hoàn thành trước thời gian phê duyệt?

- Ông Nguyễn Trường Sơn: Theo tinh thần Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, TP. Pleiku phấn đấu trở thành đô thị loại I trước năm 2020. Tuy nhiên, hiện tại tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch trên toàn địa bàn thành phố chỉ mới ở mức xấp xỉ 35% và đang ở tình trạng nguồn nước cấp không liên tục các giờ trong ngày. Như vậy còn khoảng hơn 60% số hộ dân của thành phố đang phải sử dụng các nguồn nước từ giếng đào, giếng khoan, nước sông suối... chưa đảm bảo chất lượng, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Hơn nữa, tại một số khu vực trên địa bàn TP. Pleiku lâu nay đã xảy ra hiện tượng ô nhiễm nguồn nước ngầm trầm trọng như: nhiễm dầu tại phường Thắng Lợi, nước bị nhiễm sắt và bị đục tại khu vực tổ 7, phường Thống Nhất hay một số khu vực tại phường Yên Đổ, Diên Hồng do mật độ dân số đông đúc, phát sinh nhiều loại chất thải sinh hoạt cũng như tàn tích chiến tranh còn sót lại gây ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Thấu hiểu nhu cầu bức thiết về nước sinh hoạt hợp vệ sinh của người dân thành phố nên nhà đầu tư đã quyết tâm huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình, sớm đưa công trình vào vận hành trước thời gian gần 3 tháng như đã cam kết với lãnh đạo tỉnh.

* P.V: Về lý thuyết công suất thiết kế nhà máy nước là 30.000 m3/ngày đêm nhưng khi đưa vào vận hành thực tế liệu có phát huy hết hiệu quả công suất-thưa ông?

 

Công trình nước tại xã Biển Hồ đang được khẩn trương thi công. Ảnh: Quang Văn
Công trình nước tại xã Biển Hồ đang được khẩn trương thi công. Ảnh: Quang Văn

- Ông Nguyễn Trường Sơn: Về lý thuyết thì công suất thiết kế của dự án là 30.000 m3/ngày đêm, tuy nhiên nếu nhu cầu nước sạch trên địa bàn TP. Pleiku tăng lên nhà máy có thể chạy nâng công suất lên trên 40.000 m3/ngày đêm. Theo thỏa thuận của UBND tỉnh về lộ trình, cũng như cam kết tiếp nhận nguồn nước từ dự án trong hợp đồng mua bán sỉ nước sạch đã được ký kết giữa nhà đầu tư với Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Gia Lai thì khi dự án đi vào vận hành đầu năm 2015 công suất tiếp nhận nguồn nước sạch là 10.000 m3/ngày đêm và tăng dần đến năm 2020 là 30.000 m3/ngày đêm. Trên thực tế, do trong thời gian vừa qua, phía Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Gia Lai gặp khó khăn trong việc đầu tư mở rộng phạm vi cung cấp và phát triển mạng lưới ống phân phối nước thứ cấp, tăng rất ít số lượng đồng hồ nước đến tận những khu vực có nhiều nhu cầu sử dụng. Vì thế khả năng tiếp nhận nguồn nước sạch từ dự án xấp xỉ 4.000 m3/ngày đêm, tương đương 1/10 công suất nhà máy. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư và mục tiêu đáp ứng nhu cầu nước sạch của dự án cho nhân dân TP. Pleiku.

* P.V: Để phát huy hết công suất thiết kế của nhà máy cần những giải pháp nào?

- Ông Nguyễn Trường Sơn: Để khắc phục khó khăn trên nhằm tìm lối ra cho dự án cấp nước xã Biển Hồ phát huy hết công suất thiết kế, đáp ứng đúng mục tiêu, nhiệm vụ cung cấp nước sạch giải quyết bức thiết nhu cầu thiếu nước sạch sinh hoạt của người dân TP. Pleiku; nhà đầu tư đang khẩn trương lập và đề xuất với UBND tỉnh Gia Lai dự án “Mở rộng mạng lưới phân phối nước sạch tại TP. Pleiku”. Với phương án trên, sau khi tiến hành cổ phần hóa Công ty TNHH một thành viên Cấp nước Gia Lai thì phần vốn đầu tư cho dự án “Mở rộng mạng lưới phân phối nước sạch TP. Pleiku” sẽ là phần vốn góp của nhà đầu tư.

* P.V: Cảm ơn ông!

Quang Văn (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm

Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.