Trên đường Trường Sơn Đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngôi nhà san sát nối tiếp nhau, những cánh đồng mía bạt ngàn… là cảm nhận của chúng tôi trên hành trình đường Trường Sơn Đông-con đường nối những bờ vui hứa hẹn đem sức sống mới, tương lai mới cho người dân đang sinh sống, gắn bó với mảnh đất nơi đại ngàn.

Ảnh: Quang Tấn
Ảnh: Quang Tấn

Sắc Xuân đang về trên đường Trường Sơn Đông. Con đường nối trung tâm huyện Kbang với các xã nằm trên địa bàn trọng yếu, sau khi được nâng cấp đã đem lại diện mạo mới thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển.

Đường Trường Sơn Đông đoạn qua Kbang xuyên suốt chiều dài của huyện qua 6 xã, thị trấn với tổng chiều dài 86 km. Trong đó, Sơn Lang là một trong những xã hưởng lợi nhiều nhất kể từ khi con đường được nâng cấp đưa vào sử dụng. Việc lưu thông, giao thương với bên ngoài trở nên thuận lợi hơn. Với chiều dài 32 km đi qua tất cả 11 thôn, làng trên địa bàn, con đường thật sự là “điểm nhấn” quan trọng giúp kinh tế-xã hội Sơn Lang phát triển.

Ông Nguyễn Đậu Nguyên-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, nguyên là Phó Chủ tịch xã Sơn Lang cho biết: “Trước đây, đường chưa nâng cấp, ghồ ghề, quanh co khúc khuỷu, những ngày mưa nhiều thì đường gần như bị tê liệt hoàn toàn… Hoạt động giao thương, buôn bán với bên ngoài càng khó khăn, nông sản bị thương lái ép giá, dù chỉ cách thị trấn chưa đầy 30 km. Nhưng bây giờ bà con Sơn Lang được đi trên con đường trải nhựa phẳng lỳ với 2 làn đường ô tô. Nhờ đó, việc làm ăn, phát triển kinh tế của bà con ngày càng khấm khá. Từ một xã với tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức cao (trên 70%), nay tỷ lệ hộ nghèo của Sơn Lang chỉ còn khoảng 45%”.

 

Con đường đã mở ra vùng đất tiềm năng lớn  cho phát triển cây mía. Ảnh: Quang Tấn
Con đường đã mở ra vùng đất tiềm năng lớn cho phát triển cây mía. Ảnh: Quang Tấn

Tương tự, Xuân này hàng ngàn hộ dân tại các xã Krong, Tơ Tung (huyện Kbang); xã An Trung, Chơ Long (huyện Kông Chro); Pờ Tó, Kim Tân (Ia Pa)… đón Xuân Ttrong niềm phấn khởi nhờ những đổi thay tích cực về mặt kinh tế, diện mạo nông thôn đổi thay từ khi con đường Trường Sơn Đông được đưa vào sử dụng. Băng qua những cánh đồng mía bát ngát trải dài hai bên con đường, chúng tôi dừng chân tại một xã mà trước đây được xem là một trong những xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của huyện Kông Chro là xã Chơ Long. Diện mạo Chơ Long bây giờ đã thay đổi quá nhiều. Không còn phải oằn mình đi trên con đường ghồ ghề đất đá, trơn trượt. Giao thương thuận lợi đã tạo cú hích lớn để Chơ Long chuyển mình, nông thôn thay đổi, sản xuất phát triển, hộ nghèo giảm mạnh…
 

Theo thiết kế, đường Trường Sơn Đông có tổng chiều dài 671 km, xuyên qua 7 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên (Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đak Lak, Lâm Đồng), từ Km 0 nối với đường Hồ Chí Minh tại thị trấn Mỹ Thạnh, huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam) đến Km 671 nối với tỉnh lộ 722 tại xã Đưng K’nớ (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng). Toàn tuyến có 125 cầu các loại, 2 đường đôi và 2 hầm giao thông với tổng kinh phí hơn 10 ngàn tỷ đồng. Đường Trường Sơn Đông hoàn thành sẽ đi qua 53 xã, thị trấn thuộc 18 huyện của 7 tỉnh miền Trung-Tây Nguyên với tổng số dân được hưởng lợi gần 10 triệu người.

Đường Trường Sơn Đông có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội đối với các địa phương có đường đi qua. Đặc biệt, tiềm năng du lịch và các dịch vụ liên quan tại các địa danh lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng trên địa bàn như Làng kháng chiến Stơr-quê hương Anh hùng Núp, di tích lịch sử Tây Sơn Thượng đạo, Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh… nếu khai thác hiệu quả sẽ thúc đẩy kinh tế các địa phương phát triển mạnh. 

Quang Tấn

Có thể bạn quan tâm

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

(GLO)- 

Bên cạnh nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn tại Lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui năm 2024 được UBND huyện Phú Thiện tổ chức trong dịp lễ 30-4 và 1-5, Phiên chợ nông sản cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản vật đặc trưng của địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh.