Tái cơ cấu ngành cao su: Vấn đề cần thiết hiện nay

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam-ông Nguyễn Văn Tân cho biết: Năm 2001, ngành cao su đã đối diện tình cảnh giá bán mủ cao su thấp, song nhờ vườn cao su phát triển tốt, sản lượng khai thác mủ đạt từ 1,5 tấn đến 1,7 tấn/ha nên còn bù đắp được. Còn hiện tại, chất lượng vườn cây cao su đã giảm, giá bán mủ thấp hơn giá thành sản xuất nên hoạt động của các công ty TNHH một thành viên cao su gặp khó khăn. Nhận định trên đặt vấn đề làm gì để cao su phát triển bền vững? Cao su được xác định là cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây trồng, lại đóng góp rất lớn vào kết quả kim ngạch xuất khẩu của địa phương nên trở thành vấn đề cấp thiết. Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo các công ty TNHH một thành viên cao su đứng chân trên địa bàn tỉnh, Binh đoàn 15 cho rằng: Tái cơ cấu ngành cao su theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững là giải pháp cần thiết.

Ảnh: Đức Thụy
Ảnh: Đức Thụy

Theo khẳng định của Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Prông-ông Phan Sỹ Bình, việc tái cơ cấu đã được Công ty thực hiện nhiều năm nay song chỉ tập trung sâu theo hướng giảm sản lượng chế biến các sản phẩm mủ cao su giá bán ra thị trường thấp, nâng sản lượng các sản phẩm có giá bán cao. Còn hiện tại phải thực hiện tái cơ cấu toàn diện từ định xuất đầu tư cho 1 ha cao su theo hướng tiết kiệm chi tiêu nhưng phải đảm bảo chất lượng, năng suất vườn cây; cải tạo vườn cây có năng suất thấp; sắp xếp lại nguồn lao động hợp lý, vì hiện tại 42% tiền bán sản phẩm cao su được dùng để chi lương cho công nhân; tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm mủ cao su; mở rộng thị trường tiêu thụ và đa dạng sản phẩm chế biến từ mủ cao su. Liên quan đến lĩnh vực chế biến mủ cao su, ông Nguyễn Quốc Khánh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Sê nhấn mạnh: Tái cơ cấu lại khâu chế biến là cần thiết. Vì hiện tại, việc chế biến sản phẩm từ mủ và gỗ cao su của các công ty TNHH một thành viên cao su đứng chân trên địa bàn tỉnh để xuất bán ra thị trường mới ở dạng thô nên giá trị gia tăng thu được là không cao. Do vậy, để thực hiện hiệu quả mục tiêu tái cơ cấu ngành cao su theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cần phải tinh chế và đa dạng các sản phẩm từ mủ và gỗ cao su mà thị trường tiêu thụ, gắn với chiến lược khai thác, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước.

Về cơ bản, các doanh nghiệp trồng cao su đứng chân trên địa bàn tỉnh đều thống nhất việc tái cơ cấu ngành cao su toàn diện từ định mức đầu tư trồng mới, sắp xếp lao động, mở rộng thị trường tiêu thụ, cải tạo vườn cây năng suất mủ đạt thấp đến chế biến sản phẩm. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả quy trình tái cơ cấu trên trong điều kiện giá mủ cao su thấp hơn giá thành sản xuất hiện nay là điều không dễ dàng. Giải pháp vượt qua khó khăn này-theo ông Phan Sỹ Bình, thì các công ty TNHH một thành viên cao su đứng chân trên địa bàn tỉnh rất cần sự hỗ trợ, chia sẻ của Nhà nước và địa phương về gánh nặng tài chính. Cụ thể, địa phương tiếp nhận mạng lưới hạ tầng cơ sở các công ty đã đầu tư để giảm bớt gánh nặng cho các đơn vị. Cơ quan có thẩm quyền xem xét có chính sách cho các công ty TNHH một thành viên cao su vay vốn ưu đãi mua tạm trữ mủ cao su chờ giá bán mủ tăng lên. Làm rõ thêm về chính sách ưu đãi, lãnh đạo các công ty TNHH một thành viên cao su: Chư Pah, Chư Sê, Binh đoàn 15 nêu kiến nghị Chính phủ xem xét ban hành chính sách cho các công ty vay vốn lãi suất 0% hoặc lãi suất thấp để giải quyết khó khăn hiện tại. Đặc biệt Chính phủ nên xem xét hình thành quỹ mua tạm trữ mủ cao su theo vòng quay 4 tháng, hoặc 6 tháng, góp phần hạn chế tình trạng “nước chảy về chỗ trũng”.

Vấn đề giãn thời hạn nộp thuế; hỗ trợ bảo hiểm cho người dân tộc thiểu số làm công nhân cao su theo hướng không phân biệt hợp đồng lao động ngắn hạn và dài hạn cũng được lãnh đạo các công ty TNHH một thành viên cao su, Binh đoàn 15 kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét và xem đó là một yếu tố cần trong quá trình thực hiện tái cơ cấu. Hệ thống ngân hàng xem xét giãn nợ các dự án vay vốn vì mục đích của vay vốn là để phục vụ cho phát triển. Vậy khi doanh nghiệp gặp khó khăn thì các ngân hàng thương mại cũng nên chia sẻ để cùng hướng tới sự phát triển bền vững. Đặc biệt, điều kiện để nâng cao giá trị gia tăng từ cây cao su cần đầu tư phát triển công nghệ chế biến gỗ và mủ cao su theo chiều sâu, tạo sự đa dạng sản phẩm cung cấp cho thị trường tiêu thụ làm cơ sở thực hiện hiệu quả mục tiêu khai thác tối đa thị trường trong nước kết hợp với thị trường ngoài nước rất cần sự tham gia của Nhà nước, bản thân Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các công ty TNHH một thành viên cao su không thể kham nổi.

Quang Văn-Nguyễn Diệp

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

(GLO)- 

Bên cạnh nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn tại Lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui năm 2024 được UBND huyện Phú Thiện tổ chức trong dịp lễ 30-4 và 1-5, Phiên chợ nông sản cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản vật đặc trưng của địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh.

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.