Gia Lai: Khó triển khai đồng bộ chủ trương tái canh cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Lãi suất vay cao, thời gian thu hồi vốn kéo dài-từ khi trồng mới đến thu hoạch là 5-6 năm nên đời sống của người dân trong thời gian này sẽ bị ảnh hưởng. Đây chính là lý do khiến các nông hộ đắn đo, cân nhắc việc “trẻ hóa vườn cà phê”.

Tây Nguyên được xem là thủ phủ của cây cà phê. Bên cạnh những mảnh đất bạt ngàn thứ cây này như Lâm Đồng, Đak Lak... thì cà phê cũng được đánh giá là cây chủ lực của tỉnh Gia Lai. Được trồng sau năm 1995, đến nay, tổng diện tích cà phê của tỉnh ta khoảng 78.000 ha.

 

Vườn cà phê tái canh của ông Nguyễn Văn Cừ ước đạt năng suất 18 đến 20 tấn/ha. Ảnh: Tú Uyên
Vườn cà phê tái canh của ông Nguyễn Văn Cừ ước đạt năng suất 18 đến 20 tấn/ha. Ảnh: Tú Uyên

Trong đó, có gần 76.000 ha đưa vào kinh doanh. Do trước đây, người nông dân trồng cà phê còn thiếu thốn về nguồn vốn và chất lượng cây giống nên một số vườn cây tuổi đời chưa đến 20 năm nhưng khả năng sinh trưởng kém, năng suất thấp, cho chất lượng hạt thấp. Toàn tỉnh có khoảng 2.084 ha cà phê cần tái canh trong giai đoạn 2013-2015 này. Trong đó, các doanh nghiệp có 1.032 ha; các nông hộ có 1.052 ha cà phê tái canh.

Giai đoạn 2013-2015, Gia Lai đã cùng các tỉnh thành khác triển khai chương trình trẻ hóa vườn cà phê già cỗi. Tái canh cà phê là chủ trương lớn của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã dành sẵn 12.000 tỷ đồng để phục vụ chương trình này. Chủ trương được các doanh nghiệp và người dân đồng tình ủng hộ. Cụ thể, trong thời gian qua, một số doanh nghiệp cà phê trực thuộc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam đã tiến hành khảo sát, quy hoạch lại, trồng thí điểm và tiến tới trồng tái canh đối với những vườn cây cà phê già cỗi có tuổi đời trên 20 năm và những vườn cây có năng suất thấp. Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) Gia Lai đóng vai trò là người “đỡ đầu” cho chủ trương này tại tỉnh nhà.

 

Ông Phan Tiến Thu-Giám đốc Ngân hàng Agribank-Chi nhánh Gia Lai cho biết: “Tổng dư nợ ngân hàng cho vay ngành cà phê đến nay là 1.770 tỷ đồng, chiếm 20,3% trên tổng dư nợ cho vay của cả ngân hàng. Qua thống kê, tổng nhu cầu vốn cho tái canh cà phê giai đoạn 2013-2015 là 306 tỷ đồng. Trong năm 2013 đã giải ngân 25 tỷ đồng cho 262 ha cà phê thuộc Công ty Cà phê Ia Sao I và Công ty Cà phê Ia Grai”. Dự án cho vay tái canh cà phê của khách hàng có đề xuất trung bình 130 triệu đồng/ha. Agribank-Chi nhánh Gia Lai có đủ nguồn vốn cung cấp cho các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh vay tái canh vườn cà phê. Tuy nhiên, ngoài 2 doanh nghiệp kinh doanh cà phê kể trên mới chỉ có 2 hộ nông dân vay cho mục đích này. Từ tháng 11-2013, Ngân hàng đã giải ngân 650 triệu đồng cho 2 nông hộ với tổng diện tích cà phê là 7,3 ha. Lãi suất vay 10,5%/năm, thời hạn vay 3 năm. Là một trong số ít người mạnh dạn phá bỏ vườn cây trồng mới, ông Nguyễn Văn Cừ, ngụ tổ 8, xã Biển Hồ, chia sẻ: “ 4,3 ha cà phê nhà tôi đã tái canh từ 2 năm về trước. Song, trước khi có chủ trương cho vay này, gia đình tôi chỉ vay vốn Ngân hàng trả theo từng năm. Như vậy rủi ro cho người nông dân là rất cao vì không có tiềm lực để chi trả. Trước đây cứ tưởng mất trắng vườn cà phê vì không có vốn đầu tư. Nay, cây cà phê tái canh dự tính cho năng suất từ 18 đến 20 tấn/ha. Có cây phát triển tốt cho đến 35 tấn/ha”.

Lý giải cho tiến độ vay tái canh chậm, người dân không mấy mặn mà với chủ trương này là vì lãi suất vay cao, thời gian thu hồi vốn kéo dài. Theo quy trình tái canh của Bộ Nông nghiệp và PTNT thì thời gian phá bỏ để cải tạo đất 1-2 năm, 3-4 năm mới thu bói. Từ khi trồng mới đến thu hoạch là 5-6 năm nên đời sống của người dân trong thời gian này sẽ bị ảnh hưởng. Đây cũng chính là lý do dẫn đến các nông hộ đắn đo, cân nhắc việc tái canh cà phê.

Bên cạnh đó, công tác thông tin, phổ biến nội dung chương trình và điều tra khảo sát nhu cầu thực tế tái canh theo từng doanh nghiệp và nông hộ đóng vai trò quan trọng không kém. Do vậy, cần sớm khắc phục những hạn chế nêu trên để chủ trương lớn này sớm được triển khai đồng bộ, để vườn cây trong tương lai được đảm bảo năng suất, chất lượng vượt trội. Không thể phủ nhận việc phát triển diện tích cà phê trong thời gian qua đã đem lại lợi ích cho sự phát triển kinh tế-xã hội tại tỉnh Gia Lai. Hàng năm, loại cây này giúp giải quyết việc làm, cải thiện đời sống cho người dân, tạo thu nhập cho các doanh nghiệp và một số ngành nghề phụ trợ liên quan cùng phát triển. Từ đó, củng cố nguồn thu ngân sách nhà nước. Mặc dù vậy, cây cà phê cũng như các cây trồng khác đều có chu kỳ sống và phục hồi sinh trưởng. Liệu người dân có đủ nguồn lực và can đảm chờ đợi ngần ấy năm dẫu biết loại cây này sẽ cho năng suất cao.

Tú Uyên

Có thể bạn quan tâm

Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

(GLO)- 

Bên cạnh nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn tại Lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui năm 2024 được UBND huyện Phú Thiện tổ chức trong dịp lễ 30-4 và 1-5, Phiên chợ nông sản cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản vật đặc trưng của địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh.