Suy nghĩ Từ đồng đất Ayun Hạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đồng đất vùng Ayun Hạ được mệnh danh là đồng bằng trên cao nguyên, nó trải dài từ Phú Thiện qua Ia Pa và vùng ngoại vi thị xã Ayun Pa ngày nay. Nếu tính trên cơ sở điều tra ban đầu khi hình thành vùng tưới của công trình thủy nông Ayun Hạ thì diện tích hữu dụng được xử lý nằm trong khoảng 13.000 ha. Đây là một vùng nông nghiệp lý tưởng vào bậc nhất của Tây Nguyên nằm trong thung lũng bằng phẳng trải dài theo con sông Ba nghiêng về phía hạ du.

Trước đây, khi chưa có công trình thủy lợi Ayun Hạ thì cả miền đất Cheo Reo rộng lớn này, nơi kiểm soát của các pơtao: Pơtao Pui, Pơtao Ia, Pơtao Angin, vẫn còn là vùng quê nghèo đói quanh năm vì nền sản xuất lạc hậu, chủ yếu dựa vào thời tiết với một ít ruộng lúa nước l vụ và nương rẫy trồng lúa cạn. Những câu chuyện xung quanh các pơtao và chiếc gươm thần để gọi gió, làm mưa là một khát vọng ngàn đời cầu cho mưa thuận gió hòa để sinh sôi hạt thóc, hạt bắp; gia súc đẻ đàn sinh đống cho người dân được ấm no, hạnh phúc. Sau ngày thống nhất đất nước, để đẩy mạnh vùng kinh tế Tây Nguyên phát triển, cùng với nhiều công trình, dự án khả thi khác, Nhà nước đã đầu tư xây dựng công trình đại thủy nông Ayun Hạ.
 

Đây là công trình không những đem lại hiệu quả kinh tế cho địa phương mà mang nhiều ý nghĩa quan trọng khác; đặc biệt là giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ổn định cuộc sống, vượt qua sự đe dọa của đói nghèo hàng năm. Điều đó đã trở thành hiện thực trong nhiều năm qua khi dòng nước Ayun Hạ chảy về tắm mát cánh đồng phì nhiêu nơi đây. Từ một vùng đất khô cằn chỉ nhờ vào những giọt nước trời ít ỏi, nay người dân đã chủ động được nguồn nước tưới quanh năm nên sản xuất 2-3 vụ/năm, năng suất tăng đến cả chục lần (đối với cây lúa: trước đây chỉ bình quân l tấn/ha, nay bình quân trên 10 tấn/ha). Có thể gọi đây là cuộc “cách mạng” trong nông nghiệp lần đầu của người Jrai  ở vùng Ayun Hạ.

Liền theo đó, nhờ sự học tập, cải tiến, đầu tư trong nông nghiệp, người nông dân đã biết áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là chú trọng khâu cải tạo giống, đa dạng hóa các loại cây trồng, đưa chăn nuôi thành mũi nhọn; đưa cơ giới hóa vào cánh đồng như máy cày, máy gieo sạ, máy tuốt lúa, rồi máy gặt đập liên hợp… Từ chỗ dùng sức người là chính, nay người nông dân bản địa đã có tích lũy và mua sắm được các công cụ máy móc giải phóng phần lớn sức lao động nông thôn, nâng cao được giá trị sản phẩm làm ra. Đó được coi là cuộc “cách mạng” trong nông nghiệp lần thứ hai đối với địa phương.

Có thể nói đạt được sự tiến bộ trong sản xuất nông nghiệp, nhất là cây lúa như hiện nay ở các địa phương: Phú Thiện, Ia Pa, Ayun Pa thời hiện tại là một bước tiến dài, nhất là đối với những cư dân Jrai, cả ngàn đời nay chỉ với phương thức canh tác phát đốt, chọc trỉa.

Tuy nhiên, đấy là chúng ta chỉ nhìn trong phạm vi hẹp; nếu bằng lòng với thành quả khiêm tốn ấy nhằm giải quyết cái nghèo đói lưu niên thì chỉ là những anh nông dân tồi, bảo thủ, thiếu tầm nhìn. Với điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, đất đai màu mỡ nhờ phù sa bồi đắp hàng năm của con sông mẹ-sông Ba hào phóng; nguồn nước tưới dồi dào, chủ động; nguồn cung ứng thông tin trong lĩnh vực nông nghiệp khá phong phú, dễ dàng; khoa học công nghệ đã tiến bộ rất nhanh và có thể áp dụng các thành tựu đó vào thực tiễn không mấy khó khăn… thì việc biến vùng đất trong vùng tưới Ayun Hạ thành cánh đồng kiểu mẫu đem lại lợi ích to lớn hơn cho người lao động là điều nằm trong tầm tay. Đổi mới tư duy trong nông nghiệp nhằm phát triển bền vững, đem lại sự giàu có cho nông dân và hiện đại hóa nông thôn là một chủ trương đúng đắn, đồng thời là xu thế tất yếu của giai đoạn hội nhập kinh tế toàn cầu.

Vấn đề đặt ra là làm gì và làm như thế nào để vùng kinh tế Ayun Hạ cất cánh? Tất nhiên cuộc “cách mạng” trong nông nghiệp lần thứ ba này trên vùng chuyên canh lúa lâu nay ở Ayun Hạ là cả chặng đường khá gian nan, nhưng không phải không làm được. Ở vùng Ayun Hạ có đầy đủ những điều kiện cơ bản cho một nền nông nghiệp phát triển. Vấn đề mấu chốt là áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất như thế nào cho hợp lý và hiệu quả. Chúng ta mạnh dạn nghĩ đến một trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ của địa phương trên cơ sở có sự đầu tư của nhà nước. Đây là nơi nghiên cứu, áp dụng cụ thể các thành tựu trong khoa học nông nghiệp cho vùng Ayun Hạ, đồng thời là nơi cung cấp thông tin cập nhật cho nông dân trong vùng.
 

Cần nghiên cứu đẩy mạnh việc sản xuất hàng hóa và xuất khẩu trên cơ sở đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi; đảm bảo các khâu chế biến, bảo quản theo công nghệ mới và tìm thị trường ổn định cho hàng nông sản. Các cơ sở khuyến nông ra sức hỗ trợ nông dân về kỹ thuật, nhất là khâu áp dụng các loại giống mới và xử lý sâu bệnh một cách thân thiện với môi trường, đảm bảo sản phẩm làm ra đạt tiêu chuẩn sạch.

Bên cạnh cần nghiên cứu tổ chức lại sản xuất cho phù hợp với phương thức làm ăn mới theo các mô hình hiện đại, có sự phân công lao động hợp lý, công bằng và minh bạch. Trong những năm tới cần nghĩ đến việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho việc canh tân nông nghiệp. Định hướng cho học sinh, sinh viên đi vào ngành nghề thiết thực và chọn lọc trong số đó cho đi đào tạo ở nước ngoài, đặc biệt là những quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến để trở về phục vụ cho địa phương. Tạo công ăn việc làm, thu hút lao động tại chỗ, đem lại thu nhập tương xứng cho mọi thành phần dân cư, khiến họ gắn bó với đồng đất quê hương, tự hào với chính bàn tay lao động nông nghiệp của mình.

Chuyện hai người Nhật sang Đà Lạt tìm thuê đất để lập “Làng thần kỳ” ở Việt Nam theo mô hình làng Karakumi-làng nông nghiệp kiểu mẫu ở tỉnh Nagano, phía tây Tokyo-Nhật Bản, khiến cho nhiều nông dân xứ Việt phải suy nghĩ. Đó là vùng đất băng tuyết 8 tháng/năm, thế nhưng họ đã lập nên kỷ lục về sự giàu có nhờ sản xuất nông nghiệp-(Tuoitreonline-29-11-2013). Cái gì đã làm nên điều kỳ diệu ấy? Tất cả là ở con người…

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.