Phát triển chăn nuôi bò, thế mạnh của huyện Krông Pa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để cho ra đời đặc sản bò một nắng nổi tiếng, ngoài “vốn” nắng đặc trưng của xứ đất mệnh danh là chảo lửa, Krông Pa còn sở hữu nguồn nguyên liệu quan trọng nhất làm nên món ẩm thực độc đáo này, đó là thịt bò. Đàn bò ở Krông Pa vì thế phát triển khá mạnh. Với nhiều hộ dân, con bò có thể nói đã trở thành “đầu cơ nghiệp”, giúp dân xóa đói, giảm nghèo hiệu quả và bền vững.

Sáng khá muộn, Rchom Húa cùng với 5-7 người hàng xóm ở buôn Luk (xã Phú Cần-huyện Krông Pa) thong thả lùa đàn bò ra cánh đồng cỏ ven dòng sông Ba. Dường như đã quen với hành trình ấy, đàn bò có dễ đến vài chục con, con nào con nấy thũng thẵng đi, nối đuôi nhau nhắm thẳng cánh đồng cỏ mà tiến. Cả đoạn đường dẫn ra cánh đồng xã Phú Cần bò đi đông nghịt.

 

Phát triển bò lai là một trong những hướng đi nhằm nâng cao chất lượng đàn bò. Ảnh Lê Hòa
Phát triển bò lai là một trong những hướng đi nhằm nâng cao chất lượng đàn bò. Ảnh Lê Hòa

Rchom Húa cười vui vẻ, kể rằng: Nhà Húa hiện có 5 con bò. Lúc bắt vợ, nhà vợ cho 1 con bò cái làm vốn, giờ chúng đẻ ra được ngần ấy.

Húa tính, trung bình mỗi năm, một con bò cái sẽ sinh được cho gia đình Húa thêm một con bê con. Nếu là bê cái thì vài năm sau chúng lại sinh sản, đàn bò cứ thế mà tăng lên.

Nhà Húa có 5 sào đất ở bãi bồi sát dòng sông Ba. Đất ít, trồng mì, bắp năm được năm mất nên phải tìm kế làm thêm. Mỗi ngày đi làm rẫy, Húa lại lùa bò ra đồng, rồi kiếm chỗ gốc cây, buộc lại. Ngày rảnh rang thì lùa chúng đi kiếm những bãi cỏ ngon xanh hơn.

“Với người Jrai mình, con bò bây giờ đem lại đủ lợi ích. Vừa làm ra tiền, vừa phòng khi có việc, có con bò đem bán là có tiền ngay. Mỗi dịp cúng lễ, con bò lại giúp chủ bớt một khoản tiền mua đồ thiết đãi, mà nuôi bò thì nhàn lắm”- Húa chia sẻ.

Xuất thân từ một người làm nghề “lái bò”, hơn ai hết, anh Tô Văn Quý (khối phố 8-thị trấn Phú Túc) hiểu được giá trị của việc nuôi bò ở xứ Krông Pa này. Vốn liếng tích cóp từ việc buôn bán, anh dành dụm và đầu tư xây dựng một trang trại nuôi bò lai lớn nhất nhì vùng chảo lửa. Anh kể: “Năm 2010, gia đình tôi bỏ trên 1 tỷ đồng để mua đất lập trang trại, trồng cỏ, xây dựng chuồng trại, mua giống… với quy mô chăn nuôi chừng 40 con bò lai. Mỗi năm cho xuất chuồng một lần, sản phẩm mang đi tiêu thụ tận Đà Nẵng. Trung bình một con bò lấy thịt có giá xuất bán khoảng 40-45 triệu đồng. Trừ chi phí, tính ra kiếm vài trăm triệu đồng mỗi năm là chuyện thường”.

 

Trang trại nuôi bò lai của gia đình anh Quý. Ảnh Lê Hòa
Trang trại nuôi bò lai của gia đình anh Quý. Ảnh Lê Hòa

Anh Quý chia sẻ kinh nghiệm, nuôi bò lai có lãi khoảng gấp đôi bò cỏ. “Một con bò cỏ lớn hết “đát” chừng 300-350 kg, trong khi bò lai trung bình đạt 700-800 kg/con, có con nặng cả tấn. Tuy nhiên, nuôi bò đòi hỏi phải chịu khó đầu tư hơn về mặt kỹ thuật: cho bò ăn bổ sung thêm cỏ, tinh bột, chuồng trại phải khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát…

Có thể nói, nuôi bò là một trong những hướng đầu tư đem lại hiệu quả cao cho người nông dân ở Krông Pa. Sở hữu thế mạnh về đồng cỏ, vốn đầu tư linh động tùy theo điều kiện ban đầu của mỗi hộ và quan trọng là có thể đầu tư theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài”, lãi cao; chăn nuôi bò còn giúp người dân có thêm nguồn phân bón phục vụ việc trồng trọt nên phát triển đàn bò là một trong những mục tiêu được huyện đặc biệt chú trọng phát triển trên cả hai phương diện số lượng và chất lượng.

Theo số liệu thống kê, đến thời điểm hiện tại, tổng đàn bò huyện Krông Pa đạt khoảng 58.200 con, trong đó số lượng bò lai khoảng 7.280 con. Trong những năm qua, đặc biệt là từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện đã hỗ trợ trên 600 con bò lai giống cho các hộ thuộc diện khó khăn để chăn nuôi, phát triển sản xuất. Song song với đó, công tác tiêm phòng-chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng đàn bò cũng được tích cực triển khai.

Tuy nhiên, việc phát triển đàn bò ở huyện Krông Pa hiện cũng còn gặp không ít khó khăn, tỷ lệ bò lai trong tổng đàn còn quá thấp, tốc độ tăng trưởng đàn bò chưa đạt kế hoạch, mục tiêu đề ra dù giá thịt bò thương phẩm luôn ổn định, thậm chí có tăng. Bên cạnh đó, đồng cỏ chăn nuôi ngày càng bị thu hẹp, trong khi người dân chưa chú trọng tới việc trồng thêm nguồn cỏ phục vụ chăn nuôi, chỉ dựa vào nguồn thức ăn tự nhiên; tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong thời gian qua cũng gây áp lực không nhỏ đến việc phát triển đàn bò.

Ông Đinh Xuân Duyên- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Pa, cho biết: “Phát triển đàn bò, đặc biệt là nâng cao tỷ lệ đàn bò lai là một trong những mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của huyện. Đây là một trong những hướng sản xuất phù hợp với điều kiện, tập quán sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân có thể xóa đói, giảm nghèo bền vững và quan trọng là có tiềm năng phát triển trong tương lai”.

Lê Hòa

Có thể bạn quan tâm

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

Đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ diện tích mía còn lại trước ngày 10-5

(GLO)- Ủy ban Nhân dân huyện Kbang vừa có công văn đề nghị Nhà máy đường An Khê, UBND các xã: Đak Hlơ, Tơ Tung, Kông Bờ La, Kông Lơng Khơng, Nghĩa An, Lơ Ku, Krong, xã Đông và thị trấn Kbang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch và tiêu thụ hết diện tích mía còn lại trên địa bàn trước ngày 10-5-2024.