Khổ vì nhãn hiệu bị... dùng chung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong xu thế hội nhập kinh tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã sớm đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho các sản phẩm của mình. Điều này cũng đồng nghĩa nhãn hiệu đăng ký đã được pháp luật bảo hộ. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều nhãn hiệu dù đã đăng ký độc quyền nhưng vẫn bị xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp...

Trong khi đó các biện pháp chế tài về vấn đề này lại chưa đủ sức răn đe nên những doanh nghiệp làm ăn chân chính bỗng dưng mang... tiếng oan vẫn phải “tự bơi” để cứu mình...

Bỗng dưng... mang tiếng

Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy- Chủ doanh nghiệp Chế biến Cà phê Thanh Thủy (174 Nguyễn Viết Xuân, TP. Pleiku) cho biết: Doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 39668, (tên nhãn hiệu: Thanh Thủy) theo Quyết định số 0158/QĐ-ĐK ngày 10-1-2002 và đã gia hạn đến ngày 5-9-2020.

 

Nhãn hiệu “Thanh Thủy” đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Ảnh: Như Nguyện
Nhãn hiệu “Thanh Thủy” đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Ảnh: Như Nguyện

Mới đây, một bạn hàng hỏi chúng tôi rằng có mở chi nhánh cà phê bột Thanh Thủy nào bên Đak Lak không mà báo chí đăng tin cà phê bột nhãn hiệu Thanh Thủy, địa chỉ ở TP. Buôn Ma Thuột, phải nộp phạt 9 triệu đồng do vi phạm trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng hàng hóa, sản phẩm.

Hết sức bất ngờ về thông tin trên, doanh nghiệp đã lập tức tra cứu và phát hiện Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Thanh Thủy, sản xuất cà phê bột nhãn hiệu Thanh Thủy, địa chỉ ở TP. Buôn Ma Thuột. Nhãn hiệu Thanh Thủy đã được doanh nghiệp chúng tôi đăng ký bảo hộ thương hiệu nếu công ty trên sử dụng mà không xin phép rõ ràng đã xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.

Trước đó, sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, doanh nghiệp cũng đã phát hiện một công ty cũng tại Đak Lak sử dụng nhãn hiệu Thanh Thủy trên sản phẩm cà phê bột. Chúng tôi đã được Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tỉnh hướng dẫn làm công văn gửi Chi cục Tiêu chuẩn đo lường Chất lượng Đak Lak.

Sau đó, công ty trên gửi văn bản cho chúng tôi hứa sẽ khắc phục. Do họ chưa gây thiệt hại nào nên doanh nghiệp cũng không làm to chuyện. Nhưng vụ việc vừa qua đã ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín của chúng tôi vì sẽ có nhiều người hiểu nhầm về chất lượng sản phẩm của chúng tôi.

Bà Thủy cho biết thêm, hiện Doanh nghiệp Chế biến Cà phê Thanh Thủy chỉ có địa chỉ duy nhất tại Gia Lai, chính vì vậy quý khách hàng khi mua sản phẩm chú ý nhìn rõ địa chỉ sản xuất tại Pleiku-Gia Lai để tránh mua nhầm hàng giả, hàng nhái kém chất lượng.

Gian nan bảo vệ thương hiệu

Tại tỉnh, hiện Phòng Quản lý Chuyên ngành-Sở Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm trong việc hướng dẫn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân các trình tự, thủ tục để đăng ký nhãn hiệu hàng hóa... Sau đó, Cục Sở hữu Công nghiệp sẽ thẩm định hồ sơ và tiến hành các thủ tục cần thiết để cấp giấy chứng nhận.

Xây dựng thương hiệu đã khó nhưng bảo vệ và phát huy thương hiệu lại không phải là chuyện dễ nhất là hiện nay nhiều cơ sở không hiểu vô tình hay cố ý làm nhái ăn theo các sản phẩm có tiếng để bán sản phẩm của mình. Thậm chí, nhiều nơi nhãn hiệu giả y như nhãn hiệu thật nhưng tất nhiên là chất lượng thì thua xa. Điều nay vô hình trung đã gây bất lợi cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Tuy nhiên dễ nhận thấy rằng việc xử lý vấn đề này chưa thật sự quyết liệt và có các biện pháp chế tài chưa đủ sức răn đe, hầu như chỉ mới dừng lại ở mức hòa giải nên các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và các doanh nghiệp đã đăng ký nhãn hiệu nhưng bị xâm phạm rất gian nan trong hành trình bảo vệ thương hiệu của mình.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ, để tự bảo vệ quyền sở hữu nhãn hiệu, doanh nghiệp cần chủ động theo dõi thị trường, nếu có hành vi xâm phạm, có thể thực hiện các biện pháp sau đây: Yêu cầu tổ chức giám định về sở hữu trí tuệ (khi cần thiết) xác định nội dung xâm phạm làm cơ sở để bảo vệ quyền lợi của mình.

Doanh nghiệp có thể trực tiếp yêu cầu bên vi phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở địa phương nơi đóng trụ sở của bên vi phạm như Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ, Quản lý Thị trường... áp dụng các biện pháp ngăn chặn hành vi xâm phạm và xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Trường hợp vi phạm ở mức cao, gây thiệt hại lớn thì doanh nghiệp có thể khởi kiện ra Tòa án nơi bên vi phạm đóng trụ sở để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình...

Trở lại chuyện của Doanh nghiệp Chế biến Cà phê Thanh Thủy, bà Thủy cho biết: Sẽ rất gian nan trong hành trình bảo vệ thương hiệu nhưng nếu không làm rõ thì doanh nghiệp sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, sắp tới đích thân bà sẽ sang Đak Lak thu thập thêm các bằng chứng cần thiết để khi cần có thể khởi kiện ra Tòa án dân sự để bảo vệ thương hiệu của mình...

Như Ý-Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm

Dựa vào dân để giữ rừng

Dựa vào dân để giữ rừng

(GLO)- Thời gian qua, các địa phương, đơn vị chủ rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã đẩy mạnh triển khai công tác giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và cá nhân sống gần rừng.
Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

(GLO)- 

Bên cạnh nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn tại Lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui năm 2024 được UBND huyện Phú Thiện tổ chức trong dịp lễ 30-4 và 1-5, Phiên chợ nông sản cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản vật đặc trưng của địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh.