Cao su rớt giá: Doanh nghiệp, hộ gia đình loay hoay tìm đầu ra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Liên tiếp trong nhiều tháng qua, giá cao su xuất khẩu rơi ở mức dưới 50 triệu đồng/tấn chỉ bằng một nữa giá của năm 2011, việc thu không đủ chi làm cho các doanh nghiệp loay hoay tìm đầu ra, nhiều hộ dân trồng cao su tiểu điền bỏ mặc vườn cây, thậm chí có hộ đã chặt hạ cây cao su chuyển hướng đầu tư mới.
 

Phát triển diện tích cây cao su cần có hướng đi hợp lý. Ảnh: Nguyễn Giác
Phát triển diện tích cây cao su cần có hướng đi hợp lý. Ảnh: Nguyễn Giác

Doanh nghiệp chủ động tìm hướng tháo gỡ

Theo thống kê từ Tập đoàn Cao su Việt Nam, đến thời điểm trung tuần tháng 9, tình hình tồn kho tại các công ty thành viên thuộc Tập đoàn lên trên 51.000 tấn, trong đó Công ty TNHH MTV cao su Chư Prông tồn khoảng 1.500 tấn, nếu đến cuối năm trừ đi các hợp đồng dài hạn số mủ cao su tồn đọng chừng 2.500 tấn; Công ty TNHH MTV cao su Chư Pah cũng đang tồn đọng gần 2.000 tấn; riêng các công ty thuộc Binh đoàn 15 tồn đọng khoảng 15 nghìn tấn...

Giá mủ cao su đang diễn biến thất thường do vậy hầu hết các đơn vị trồng cao su trên địa bàn tỉnh đều bị ảnh hưởng và đây cũng là tình hình chung cho cả khu vực Tây Nguyên - vùng nguyên liệu chiến lược của Tập đoàn cao su Việt Nam.

 

Tây Nguyên chỉ là vùng nguyên liệu. Ảnh: Nguyễn Giác
Tây Nguyên chỉ là vùng nguyên liệu. Ảnh: Nguyễn Giác

Thay vì chủ động ký kết các hợp đồng xuất khẩu dài hạn như Công ty cao su Chư Prông, thì Công ty cao su Chư Pah chỉ có các hợp đồng thời vụ và chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc, sau khi trừ đi 30% sản lượng bán cho Tập đoàn cao su Việt Nam điều này ảnh hưởng không nhỏ đến công tác sản xuất của đơn vị. Ông Siu Hoa - Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV cao su Chư Păh cho biết: Công ty đang có 10.000 ha cao su, trong đó có 6.000 ha cao su kinh doanh, khác với người dân trồng cao su tiểu điền có thể ngừng cạo mủ khi giá xuống, công ty phải “gánh” cả một đội quân trên 3.000 công nhân, nên phải tiếp tục khai thác mủ để trả lương và để đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản xuất. Đối với các công nhân khoán sản phẩm, công ty đang có kế hoạch điều chỉnh lại tiền lương cho phù hợp với giá cao su đang hạ thấp như hiện nay.

Trong lúc nhiều công ty, hộ gia đình loay hoay tìm thị trường xuất khẩu mới thay vì thụ động chờ giá tăng để cung cấp cho các thị trường truyền thống thì Công ty TNHH MTV cao su Chư Sê có những bước đi thích hợp và được cho là có hiệu quả. Ông Mai Ngọc Bình - Phó Tổng giám đốc công ty cho biết: Do lường trước được những khó khăn về giá trong năm 2012, nên công ty đã chủ động tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn. Hiện chỉ 10% lượng mủ cao su của công ty xuất sang thị trường Trung Quốc, phần còn lại ủy thác cho Tập đoàn xuất sang thị trường Châu Âu, cùng với một công ty của Hồng Kông để xuất khẩu nên giá bán của công ty luôn ổn định, thường là bằng hoặc cao hơn giá quy định của tập đoàn.

 

Tại thời điểm trung tuần tháng 9-2012 giá cao su chỉ đạt mức 52 triệu đồng/tấn so với 96 triệu đồng/ tấn cùng thời điểm năm 2011. Nhưng nhờ quỹ dự phòng 17% của năm 2011 để lại nên lương của công nhân có giảm nhưng không đáng kể. Chúng tôi luôn bảo đảm thu nhập cho người lao động để họ yên tâm làm việc. Ngoài giải pháp chủ động đầu ra, chúng tôi chú trọng đến những giải pháp làm giảm giá thành sản phẩm thông qua các giải pháp tăng cường công tác quản lý; giảm các chi phí không cần thiết và đặc biệt là áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tăng năng suất nhằm tăng lợi nhuận làm sao với mức giá hiện tại chúng tôi vẫn có lời - đó là cách làm được Công ty TNHH MTV cao su Chư Sê đưa ra khi giá cao su giảm liên tục.

Đã xuất hiện “Chặt phá - trồng mới”

Trong lúc các doanh nghiệp lớn, nhỏ tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và gồng mình lo cho lượng lớn công nhân thì nhiều hộ trồng cao su tiểu điền tại thôn 9, xã Nghĩa Hưng (Chư Pah, Gia Lai) phải đối mặt với nhiều khó khăn vì giá mủ cao su hạ thấp so với mọi năm. Thời điểm này, giá mủ khô chỉ bán được 42 nghìn đồng/kg, mủ đông ở mức 8 - 9 nghìn đồng/kg. Trong khi năm ngoái thời điểm này giá bán cũng được 27 nghìn đồng/kg, năm trước nữa giá đến 35 nghìn đồng/kg.

 

Một vườn cao su bị chặt phá. Ảnh: Nguyễn Giác
Một vườn cao su bị chặt phá. Ảnh: Nguyễn Giác

Theo ông Cao Minh Trí - một hộ dân tại thôn 9, Nghĩa Hưng đang lao đao vì giá mủ giảm: Nhà có 2 ha vừa mới mở miệng cạo từ đầu tháng tư năm nay, giá mủ quá thấp trong khi giá thuê nhân công khá cao 140 nghìn đồng/ ngày, có nơi đến 170 nghìn đồng/ngày thì không thể lấy thu để bù chi cho các khoản. Ở thôn 9 này đã có nhiều người chặt bỏ cao su để trồng cà phê, tiêu như nhà ông bà Hiền, Tài đã cạo phá 1 ha cây cao su mới mở miệng năm nay và ươm giống cho năm sau, riêng 2 ha cây cao su lâu năm mua lại trước đó thì giữ lại thu hoạch để lấy tiền trả chi phí cho trồng cây mới.
 

Trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên, diện tích cao su hiện có trên 130 ngàn ha, theo quy hoạch đến năm 2015 diện tích này tăng lên 244 ngàn ha. Riêng Gia Lai địa phương chiếm nhiều nhất với trên 75 ngàn ha và trong số này có 35 ngàn ha đã khai thác, sản lượng mủ hơn 40 ngàn tấn/năm. Diện tích cao su chủ yếu tập trung ở các công ty quốc doanh, trong đó bốn đơn vị trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam: Công ty TNHH một thành viên cao su Chư Prông, Chư Sê, Chư Pah, Mang Yang, với diện tích trên 28 ngàn ha, còn lại là diện tích của 10 đơn vị thuộc Binh đoàn 15 và một số doanh nghiệp tư nhân, hộ cá thể trồng cao su tiểu điền.

Không chỉ ở xã Nghĩa Hưng, mà một số hộ dân tại xã Nghĩa Hòa cũng đang có nhiều người phá vườn cao su, theo một người chuyên thu mua gỗ từ cây cao su cho biết: Không chỉ những vườn cây lâu năm người dân mới phá, có những vườn mới trồng được ba bốn năm, sắp thu hoạch cũng bị móc gốc để trồng cây khác.

Đến thời điểm này, khi giá cao su đang có chiều hướng giảm, thị trường xuất khẩu đang thắt chặt, nhiều hộ nông dân trồng cao su tiểu điền lúc này thay vì chờ có những chuyển biến mới về giá thì họ đã nóng lòng đưa ra quyết định táo bạo chặt bỏ cây, chuyển đổi cây trồng mới. Dẫu chưa có con số thống kê chính thức nhưng việc chặt bỏ cây cao su của người dân tại các địa phương là điều cần quan tâm bởi kinh phí đầu tư cho cây cao su hiện nay là không nhỏ.

Để trồng 1 ha cao su và chăm bón 3-4 năm nhà đầu tư bỏ ra cả trăm triệu đồng nhưng nhiều hộ đã quyết định chặt bỏ trước ngày thu hoạch. Chính việc đầu tư trồng cao su ồ ạt, đã tạo ra cuộc khủng hoảng thừa dẫn đến giá cao su giảm như hiện nay. Bài học “chặt phá - trồng mới” lại tiếp diễn ra và câu chuyện “được mùa, mất giá” nhiều khả năng sẽ xảy ra với ngành cao su trong tương lai.

Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm

Quang cảnh buổi giám sát tại huyện Kbang. Ảnh Hà Duy

Giám sát đầu tư công trung hạn và hàng năm giai đoạn 2021-2025 tại huyện Kbang

(GLO)- Ngày 15-5, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do Trưởng Ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đình Phương làm trưởng đoàn đã làm việc với Thường trực HĐND và UBND huyện Kbang về “Việc ban hành nghị quyết của HĐND cấp huyện về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm giai đoạn 2021-2025”.
Công ty Điện lực Gia Lai hướng dẫn người dân sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. Ảnh: H.D

Gia Lai: Nắng nóng, điện tiêu thụ bình quân ngày tăng 31,2%

(GLO)- Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ hệ thống điện Gia Lai (Công ty Điện lực Gia Lai), từ đầu tháng 4-2024 đến nay, công suất cực đại của phụ tải đạt 321 MW và sản lượng điện tiêu thụ bình quân ngày trên địa bàn tỉnh đạt 655,54 triệu kWh, tăng hơn 31,38% so với cùng kỳ 2023.
Người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp

Người lao động đồng hành cùng doanh nghiệp

(GLO)- Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp trong tỉnh Gia Lai vẫn luôn quan tâm chăm lo đời sống người lao động. Ở chiều ngược lại, người lao động luôn sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp để cùng nhau phát triển.