Bao giờ trung tâm huyện Ia Pa phát triển?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ia Pa là một trong những huyện nghèo nhất tỉnh Gia Lai nhưng có kiểu “chơi hoang” hiếm thấy: Hơn 1.200 lô đất cấp cho cán bộ, công chức, viên chức từ mấy năm nay chỉ dành cho… cỏ mọc!
Trung tâm huyện vắng dân
Huyện Ia Pa nằm ở phía Đông Nam tỉnh, được thành lập cách đây 8 năm. Nhưng kể từ ngày thành lập, ngay cả trung tâm huyện vẫn còn là nơi heo hút đối với một trung tâm hành chính-dân cư. Nhiều người nói vui đây chỉ là trung tâm… cán bộ, bởi quanh thị trấn Kim Tân chỉ có những tòa nhà của các cơ quan hành chính. Nhiều người nơi khác về đây trong những ngày này được “thưởng thức” cái nóng mùa khô bỏng rát bởi thị trấn tọa lạc ngay đỉnh đèo Kim Tân.
 Nhìn quanh thị trấn Kim Tân chỉ có các cơ quan hành chính. Ảnh: N.G
Nhìn quanh thị trấn Kim Tân chỉ có các cơ quan hành chính. Ảnh: N.G
Trung tâm huyện được quy hoạch theo đô thị loại V với quy mô cụ thể như sau: Năm 2007-2010 có từ 4.000 dân và đến năm 2015 có 5.000-8.000 dân…; quy mô sử dụng đất đến năm 2015 từ 300 ha đến 350 ha. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, chính quyền tỉnh, huyện đã lập và đồng ý với phương án giao đất cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân để xây dựng nhà ở và cho thuê đối với doanh nghiệp. Và để cụ thể hóa những phương án, kế hoạch dài hơi trên, công tác giao đất có thu tiền cũng được triển khai.

Nhưng hiện khu vực trung tâm của huyện Ia Pa cũng chỉ có trên dưới vài chục hộ dân. Những hộ này chủ yếu là kinh doanh cà phê giải khát, cơm bụi… phục vụ nhu cầu thiết yếu cho cán bộ, công chức ở đây. Đa số dân ở đây vốn định cư từ trước, họ chỉ được “lên” dân thị trấn khi đất đai của họ được quy hoạch. Đêm xuống, khu vực này hoang vắng hơn khi có nhiều khu đất bỏ không, mọc đầy cỏ dại. Trên 10 tuyến đường được đầu tư bài bản cũng vắng chân người.
Nhiều cán bộ, công chức có nhà ở thị xã Ayun Pa hoặc huyện Phú Thiện, nên chỉ chờ hết ngày làm việc là họ lại trở về cùng gia đình. Anh Nguyễn Văn H.-một hộ dân buôn bán ở đây nói: “Ngày càng thấy vắng, huống gì đêm. Nhiều năm rồi mà số hộ nhập tịch vào đây chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cán bộ, công chức ở đây khi được hỏi chừng nào cất nhà trên phần đất được cấp đều lắc đầu nguầy nguậy”… Một cán bộ của huyện này cho biết một trong những nguyên nhân chính khiến nhiều hộ được cấp đất ở đây nhưng không muốn xây nhà là do thiếu nước sinh hoạt (báo Gia Lai đã thông tin). Nhưng nếu nguyên do chỉ có vậy, có lẽ vấn đề không khó giải quyết!
Đất cấp chỉ để cỏ dại mọc
Trong thời gian từ năm 2004-2008, cấp thẩm quyền của huyện này đã giao đất thu tiền 1.207 lô cho cán bộ, công chức đang công tác tại 56 cơ quan, ban ngành trên địa bàn huyện. Ngoài ra, cán bộ công chức 9 xã, hộ gia đình, cá nhân thuộc diện thu hồi đất giải phóng mặt bằng để lấy đất xây dựng trung tâm huyện cũng được giao đất theo dạng trên. Trong số này, đất giao cho cán bộ, công chức của huyện nhiều nhất với gần 700 lô, nằm tập trung hai bên 12 tuyến đường chính của huyện Ia Pa. Tiền thu mỗi lô dao động từ 18 triệu đồng/lô đến 45 triệu đồng/lô với diện tích mỗi lô là 150 m2.
Báo cáo của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ia Pa cho biết: Hiện các đối tượng giao đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ năm 2005 đến nay, đơn vị đã thông báo đến các đối tượng được cấp đất tiến hành nhận bàn giao mặt bằng để xây dựng nhà ở nhằm đẩy nhanh tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng khu trung tâm huyện. Tuy nhiên, sau khi nhận mặt bằng, các đối tượng chưa xây nhà vì trung tâm huyện chưa có nước cung cấp đến các tuyến đường quy hoạch khu dân cư (!?). Mặt khác, các tuyến đường quy hoạch để giao đất mới chỉ san ủi cục bộ. Một số tuyến đường chưa có hệ thống thoát nước dẫn đến tình trạng xói lở nhiều sau mùa mưa bão. Hiện khu trung tâm huyện mới có 5/12 tuyến đường được rải nhựa bán thâm nhập, nhưng cũng chưa có hệ thống cấp nước.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa- ông Hồ Văn Quang nói: “Khu trung tâm có hệ thống đường ống nhưng đã cũ và khi bơm nước từ nhà máy nước về thì bị bể liên tục. Huyện đã đề nghị cấp trên ghi vốn năm 2010 đầu tư thêm 800 triệu đồng để hoàn thiện hệ thống ống dẫn. Còn đối với các đối tượng giao đất nhưng chưa xây nhà, chính quyền cũng có vận động, có thuyết phục nhưng cũng chỉ dừng lại ở đây vì họ đã làm đầy đủ nghĩa vụ nộp thuế cho nhà nước”.
Theo chúng tôi, nhiều cán bộ công chức của huyện những tưởng khi xây dựng khu trung tâm huyện sẽ có cơn sốt đất nên đổ xô vào xin cấp đất ngõ hầu kiếm lời chênh lệch. Đất đã được cấp nhưng nhà cửa chả thấy đâu, khu trung tâm vẫn hiu quạnh bóng dân, đất đai ở đây theo đó cũng chẳng ai dòm ngó. Vậy là vỡ mộng! Về Ia Pa mới tận thấy huyện nghèo mà “chơi sang” khi đất đang mặc nhiên để cỏ dại xâm lấn.
Trần Hiếu- Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

Gia Lai tiết kiệm điện mùa nắng nóng

(GLO)- Để đảm bảo cung ứng điện trong thời điểm nắng nóng kéo dài, ngành Điện Gia Lai đang tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đồng thời kêu gọi khách hàng thực hành tiết kiệm và sử dụng điện an toàn, hiệu quả.
Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

Việt Nam nhập khẩu phân bón Trung Quốc nhiều nhất

(GLO)- Qúy I-2024, Việt Nam nhập khẩu phân bón của Trung Quốc nhiều nhất, chiếm gần 42% trong tổng lượng phân bón Việt Nam nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác như Nga, Đông Nam Á, thị trường FTA RCE, thị trường FTA CPTTP.
Nói chuyện con tằm

Nói chuyện con tằm

(GLO)- Thời nhỏ ở quê, tôi rất mê con tằm. Cái “con sâu” ăn lá dâu một cách ngon lành, rồi hóa thân một cách kỳ diệu.