Cơ hội nào cho sinh viên thất nghiệp?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Rất nhiều hoài bão nhưng ra trường lại không có việc làm, hoặc phải làm việc trái ngành nghề đào tạo là thực trạng khắc nghiệt mà rất nhiều sinh viên phải đối mặt hiện nay. Không ít cử nhân, kỹ sư mất 4-5 năm đào tạo thì nay phải làm những công việc lao động phổ thông để khỏi phải thất nghiệp.

Bên ly cà phê vỉa hè, chàng kỹ sư điện Lê Văn Thành (thôn 1, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) giãi bày rất thực lòng mà cũng rất chua chát: “Nói thật chị đừng cười, sau 2 năm kiến thức đã rơi vãi, giờ em chỉ mong tìm được việc làm gì đó kiếm được nhiều tiền thôi!”.

Ngành “hot” vẫn thất nghiệp

 

Tốt nghiệp ngành Chế biến mủ cao su từ năm 2010 nhưng không tìm được việc làm phù hợp nên em Bùi Thị Bích Hiền phải học thêm văn bằng 2. Ảnh: P.D
Tốt nghiệp ngành Chế biến mủ cao su từ năm 2010 nhưng không tìm được việc làm phù hợp nên em Bùi Thị Bích Hiền phải học thêm văn bằng 2 và làm thêm công việc bán quần áo để có thu nhập. Ảnh: P.D

Lê Văn Thành tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Điện-Trường Đại học Quy Nhơn năm 2011. Vì một vài lý do, tháng 11-2011, Thành mới được cấp bằng tốt nghiệp (muộn vài tháng so với bạn bè cùng lứa), do đó bị trễ 1 kỳ thi tuyển vào Công ty Điện lực Gia Lai. Kỳ thi tiếp theo thì… rớt. Liên tiếp nộp hồ sơ vào các công ty thủy điện trên địa bàn tỉnh nhưng bặt vô âm tín. “Em lên UBND xã công chứng giấy tờ làm hồ sơ nhiều đến mức cán bộ một cửa quen mặt luôn”- Thành kể.

Vậy nhưng cơ hội việc làm vẫn hết sức xa vời, dù ngành học Kỹ thuật Điện phù hợp với nhu cầu địa phương. Phương án nộp hồ sơ xin việc vào các công ty tư nhân về xây lắp điện, thủy điện cũng từng xuất hiện trong suy nghĩ của Thành, nhưng chứng kiến nhiều bạn bè làm tại các công ty này bị nợ lương hàng tháng trời do những khó khăn chung về kinh tế nên Thành cũng không dám mạo hiểm.

Sau đó, chàng kỹ sư trẻ xin được một chân đóng gói điều ở Công ty Olam (Khu Công nghiệp Trà Đa). Được một thời gian, thấy công việc không phù hợp nên nghỉ, làm “thợ đụng”, làm bảng quảng cáo, cửa sắt, thu nhập bấp bênh, ngày nhiều nhất chỉ được 150.000 đồng. “Ra trường không được làm đúng chuyên ngành đào tạo cũng buồn chứ, hơn nữa em vừa ra trường đã cưới vợ, sinh con nên càng khó khăn hơn”-Thành bộc bạch. Sau nhiều tháng lăn lộn với đủ loại công việc, hiện Thành đã xin được việc làm ở Công ty Chuyển phát nhanh Kerry TTC-Chi nhánh Gia Lai, chuyên giao nhận bưu phẩm, “lương cứng 3 triệu đồng/tháng, “chạy” được nhiều thì ăn thêm hoa hồng. Được cái có đầy đủ các chế độ, kể cả bảo hiểm”.

Nói về bạn bè cùng lứa đang phải bon chen trong cuộc mưu sinh, Thành kể: Ngành học càng “ngon” thì càng khó xin việc vì ai cũng muốn xin vào. “Em có người bạn ở Phú Yên học ngành Hóa dầu-Đại học Quy Nhơn, ra trường không tìm được việc làm, vào TP. Hồ Chí Minh phụ hồ chán rồi về quê phụ gia đình làm nông. Nhiều người tốt nghiệp ngành Sư phạm, không tìm được việc làm nên đành… đi học Cao học để tìm cơ hội tốt hơn sau này”.

Em Bùi Thị Bích Hiền, xã Diên Phú, TP. Pleiku cũng cùng chung cảnh ngộ khi ra trường từ năm 2010 nhưng không xin được công việc phù hợp. Lẽ ra, ở địa bàn có đến 4 công ty cao su đứng chân như Gia Lai, chưa kể một số công ty đa ngành khác, thì ngành học Chế biến mủ cao su (hệ trung cấp, Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su-Bình Phước) mà Hiền theo học phải rất “hot”.

Vậy nhưng, thực tế, các đơn vị này không có biên chế, không cần nhân viên hợp đồng, nếu có tuyển thì chỉ tuyển công nhân. Hiền nuối tiếc kể: Sau khi ra trường, em có để lại số điện thoại liên lạc để khi thầy cô liên hệ được với công ty tuyển người sẽ gọi. Vừa về Gia Lai được 1 tuần thì thầy cô gọi xuống Bình Phước vì có việc làm phù hợp. Nhưng do hoàn cảnh ba mất sớm, chị gái đi làm xa, chỉ còn mẹ ở nhà, lại hy vọng có cơ hội việc làm ở Gia Lai nên em từ chối, “tới giờ thì coi như bỏ lỡ 1 cơ hội rồi”- Hiền nói.

Mất vài tháng thất nghiệp. Với Hiền, “khoảng thời gian này buồn lắm. Nhìn bạn bè cùng xóm đi làm về mỗi chiều lại thấy chạnh lòng”. Mòn mỏi vì những ngày dài không có việc làm, Hiền bèn xin đi bán vé máy bay. Sau đó, thấy công việc bấp bênh, cô quyết định đăng ký học ngành Kế toán doanh nghiệp do Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Kon Tum phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Nguyễn Văn Trỗi (Đà Nẵng) mở. Tranh thủ dịp hè, Hiền xin làm nhân viên bán hàng ở một shop quần áo trên đường Đinh Tiên Hoàng-TP. Pleiku để kiếm thêm tiền trang trải cho cuộc sống.

Thêm 1 kênh tìm việc

Trò chuyện cùng P.V, ông Lê Hạnh-Giám đốc Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội), phân tích những lý do chính yếu khiến sinh viên ra trường khó tìm được việc làm: Suốt nhiều năm liền, học sinh đăng ký ồ ạt vào học các ngành Kế toán, Tài chính, Công nghệ thông tin… Đến nay thì các ngành nghề này đã bão hòa trong thị trường lao động, tạo ra một mâu thuẫn lớn giữa cung và cầu. Ngoài ra, trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, nhiều công ty, đơn vị, doanh nghiệp không còn tuyển người nhiều như trước, thậm chí còn cho nghỉ bớt.

Ông Nguyễn Xuân Thời- Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tư vấn-Giới thiệu Việc làm (Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh) cũng cho biết: Đa số người tìm việc ở Trung tâm là sinh viên mới ra trường, số sinh viên tốt nghiệp ngành Kế toán, Tài chính rất nhiều, chiếm đến 7/10 hồ sơ, kế đó là Quản trị kinh doanh.

Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% sinh viên ra trường làm đúng ngành nghề vì không doanh nghiệp nào dám tuyển sinh viên mới ra trường, chưa có kinh nghiệm để làm kế toán, tài chính; do đó nên đa số các em bắt đầu bằng những công việc như bán hàng, thu ngân để có thêm kinh nghiệm. “Không phải các em không đủ trình độ mà vì không có việc làm phù hợp”- ông Thời chia sẻ. Ngoài ra, ông Thời cho biết thêm: Trước kia, trung bình mỗi tuần Trung tâm tiếp ít nhất 5-7 doanh nghiệp nhờ làm cầu nối với sinh viên mới ra trường, nhưng nay cả tháng mới có chừng đó doanh nghiệp tìm đến với Trung tâm. Số lượng tuyển cũng rất ít, chỉ 1-2 người, chủ yếu là tuyển công nhân. Trước kia còn có doanh nghiệp ngoài tỉnh tìm người ở Gia Lai, nay thì hoàn toàn vắng bóng.

Tuy nhiên, vẫn còn một hy vọng cho sinh viên trong thời buổi khó khăn hiện nay, đó là Sàn giao dịch việc làm trực thuộc Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh (50 Sư Vạn Hạnh, TP. Pleiku), hoạt động mỗi tháng 1 lần vào ngày 10 hàng tháng. Đến nay, Sàn giao dịch việc làm đã qua 4 phiên hoạt động. Đây là cơ hội để doanh nghiệp và sinh viên trực tiếp gặp nhau, trao đổi những thông tin về việc làm, phỏng vấn…, nhờ đó sinh viên có thể tìm được công việc thích hợp một cách dễ dàng hơn. “Trước kia, với hồ sơ của sinh viên này chúng tôi sẽ không giới thiệu với doanh nghiệp kia và ngược lại, nhưng nay, qua sàn giao dịch việc làm, doanh nghiệp lại có thể tuyển sinh viên đó”- ông Thời nêu thêm một kênh tìm việc hiệu quả đối với sinh viên đang tìm việc.

Phương Duyên

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội trao quà Tết cho công nhân lao động khó khăn tỉnh Gia Lai

(GLO)- Chiều 12-1, tại Hội trường 19-5 huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai), đồng chí Y Thanh Hà Niê Kđăm-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã về thăm và trao quà Tết cho 100 công nhân, lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc tại 2 huyện Chư Prông, Đức Cơ và Công ty Quang Đức.
Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

Krông Pa tổ chức Xuân đoàn kết-Tết yêu thương

(GLO)- Sáng 12-1, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Xuân đoàn kết-Tết yêu thương“ nhằm tạo khí thế vui tươi, đầm ấm nhân dịp Tết Quý Mão 2023 và chia sẻ khó khăn với hội viên phụ nữ nghèo trên địa bàn.
Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

Làm giàu nhờ ý chí và nghị lực

(GLO)- Đó là anh Cao Thanh Bình, dân tộc Chứt, ở làng Mơ Nú (xã Ia Kênh, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai). Từ người làm thuê, 20 năm sau, anh trở nên giàu có. Không chỉ nỗ lực làm giàu cho bản thân, anh còn góp phần lan tỏa hình ảnh sống tích cực, tham gia giải quyết việc làm tại địa phương.
Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

Trao quà Tết của Thường trực Ban Bí thư cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Gia Lai

(GLO)- Sáng 10-1, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Gia Lai, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh tổ chức Chương trình trao quà Tết Quý Mão 2023 của Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, Tổng LĐLĐ Việt Nam đến 200 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh và trao tặng kinh phí hỗ trợ 22 nhà “Mái ấm Công đoàn“ cho đoàn viên khó khăn về nhà ở.
SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

SOS Gia Lai sẵn sàng hỗ trợ người dân

(GLO)- Sau 2 năm hoạt động, Câu lạc bộ (CLB) Hỗ trợ giao thông SOS Gia Lai đã được công nhận là CLB trực thuộc Hội Chữ thập đỏ tỉnh. Đây là sự động viên, khích lệ kịp thời và tiếp thêm nguồn động lực để các thành viên tiếp tục chung tay hỗ trợ cộng đồng.
Phố núi ngày đầu năm

Phố núi ngày đầu năm

(GLO)- Phố núi Pleiku bước vào ngày đầu tiên của năm mới 2023 trong tiết trời trong lành, thoáng đãng. Không khí đông đúc, tất bật của những ngày thường dường như được thay bằng bức tranh yên bình với hình ảnh người người vui xuân và kỳ vọng vào những điều tốt đẹp. Phóng viên Báo Gia Lai điện tử đã ghi lại những khoảnh khắc này trong ngày đầu năm.