Đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XII

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 28-1-2016 tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.510 đại biểu đại diện cho hơn 4,5 triệu đảng viên. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đồng thời, tại Đại hội này, Đảng sẽ tổ chức đánh giá kết quả lãnh đạo và phát triển đất nước sau 30 năm đổi mới, quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011-2015) và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước trong giai đoạn 2016-2020.
 

  Nhiều tuyến đường ở Hà Nội được chỉnh trang để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.  Ảnh: K.N.B
Nhiều tuyến đường ở Hà Nội được chỉnh trang để chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Tính đến cuối tháng 11-2015, Tiểu ban văn kiện đã tiếp thu hơn 26 triệu lượt ý kiến đóng góp của đại hội đảng bộ các cấp, các đại biểu Quốc hội; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, cán bộ, đảng viên và nhân dân; kiều bào ta ở nước ngoài vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng. Đây thật sự là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thể hiện tinh thần dân chủ ngày càng cao trong Đảng, trong nhân dân và xã hội; phát huy được tâm huyết, trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia vào quá trình hoạch định đường lối, chủ trương và chính sách lớn cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, bên cạnh các ý kiến tâm huyết đóng góp vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII, thì cũng có không ít các quan điểm sai trái, thù địch cố ý khoét sâu vào những mặt hạn chế, những khuyết điểm để gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ trong Đảng. Tình hình đó đặt ra những trách nhiệm nặng nề đối với cuộc đấu tranh tư tưởng, trong đó cuộc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch càng trở thành một trong những nhiệm vụ trọng yếu. Sau đây, xin nêu những dạng quan điểm sai trái, thù địch để có những giải pháp xử lý cụ thể và thích hợp dưới đây:

Thứ nhất, quan điểm phủ định nền tảng tư tưởng học thuyết Mác-Lênin, cho là học thuyết Mác-Lênin chỉ phù hợp với thế kỷ XIX, chỉ phù hợp với một chừng mực nào đó với trình độ, lực lượng sản xuất và văn hóa Nga, không phù hợp với thế kỷ này, với nước ta, từ đó cho rằng chủ nghĩa Mác-Lênin lỗi thời ở Việt Nam.

Thứ hai, các thế lực thù địch phủ định tư tưởng Hồ Chí Minh, cho rằng Hồ Chí Minh du nhập chủ nghĩa Mác-Lênin với học thuyết đấu tranh giai cấp gây ra cảnh “nồi da nấu thịt” suốt mấy chục năm. Cho rằng Hồ Chí Minh chỉ là người dân tộc chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm phương tiện; đưa chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam là một sai lầm lịch sử...

Thứ ba, tấn công vào đường lối của Đảng, các thế lực thù địch cho rằng không thể làm trái quy luật bỏ qua chế độ tư bản mà là phát triển chủ nghĩa tư bản dưới sự lãnh đạo của Đảng, giải quyết các vấn đề xã hội ở chừng mực nào đó, theo chủ nghĩa xã hội dân chủ. Nêu định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ không thực hiện được đại đoàn kết dân tộc, sẽ bị cô lập trên trường quốc tế, nên gác định hướng xã hội chủ nghĩa lại.

Thứ tư, các thế lực thù địch tấn công vào vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong thời kỳ đầu đổi mới xuất hiện một số ấn phẩm có nội dung phê phán, phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng. Ở nước ngoài, các nhóm phản động người Việt lưu vong, như diễn đàn, thông luận cùng với “12 điều kiến nghị của một công dân” của Bùi Tín, đã chuyển về nước đòi “đổi mới triệt để”, “cải tổ Đảng”, “xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng”.

Nhân dịp Đảng ta phát động toàn dân góp ý kiến vào Dự thảo các văn kiện của Đảng, chúng đòi xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp, đổ lỗi tình trạng khủng hoảng và đói nghèo ở nước ta là hậu quả của chính sách cai trị độc tài dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin mà Đảng Cộng sản áp đặt trên đất nước Việt Nam.

Mục tiêu của các thế lực thù địch là tập trung hướng vào nội bộ ta, tìm mọi hình thức, tinh vi hoặc trắng trợn, công khai hoặc bí mật, ráo riết làm cho nội bộ không ổn định, luôn luôn gieo rắc ngờ vực, nghi kỵ, giảm sút lòng tin hòng gây chia rẽ, lục đục nội bộ.

Theo A25 (Tổng cục An ninh-Bộ Công an) hiện nay ở bên ngoài có 52 đài phát thanh và truyền hình có chương trình Việt ngữ, mạng internet, 429 tờ báo, tạp chí, trên 40 nhà xuất bản bên ngoài tập trung tuyên truyền chống phá ta. Hàng năm có hơn 3.000 tài liệu chiến tranh tâm lý phá hoại tư tưởng, 28.000 thư ân xá quốc tế xâm nhập, tán phát qua con đường bưu điện quốc tế dưới dạng quà cáp và gần 11.000 ấn phẩm được đưa vào bằng nhiều con đường khác.

Một số đài phát thanh liên tục phát những tài liệu, các cuộc phỏng vấn những phần tử người Việt lưu vong ở nước ngoài để cắt xén, thổi phồng, xuyên tạc một số tài liệu ở trong nước đưa lên mạng đang phát tán rộng rãi trong xã hội ta nhằm gây khó khăn cho sự thống nhất về tư tưởng trong Đảng, đồng thuận trong xã hội trước thời điểm Đại hội Đảng.

Đặc biệt, hiện nay có một số bài viết được tung lên internet có nội dung tuyên truyền những quan điểm phản động, cực đoan. Chính số đối tượng ở trong nước, những phần tử bất hảo nói trên đã tham gia cộng tác viết bài, cung cấp thông tin, gửi thư kiến nghị đưa lên mạng gây ảnh hưởng xấu. Ngoài ra, còn có một số văn nghệ sĩ, nhà báo, các nhà hoạt động chính trị, xã hội người ngoại quốc, ở nước ngoài đã đến Việt Nam do không có những thông tin chính xác, đầy đủ, bị người Việt phản động lưu vong tuyên truyền, lôi kéo cung cấp thông tin bịa đặt, phá hoại Việt Nam.

Từ trước đến nay, Đảng ta, nhân dân ta luôn mong muốn một không khí hòa bình để xây dựng một cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc nhưng các thế lực thù địch không để chúng ta yên. Vì vậy, đấu tranh chống quan điểm sai trái như một nhiệm vụ tất yếu chúng ta cần làm và nhất định phải làm thật tốt. Để thực hiện được điều đó, cần nhận rõ các dạng quan điểm sai trái để có những đối sách phù hợp. Yêu cầu chung nhất của việc đấu tranh chống quan điểm sai trái chính là làm tốt công tác tư tưởng trong Đảng và toàn dân bằng cách tuyên truyền, tổ chức, giáo dục hướng tới sự thống nhất tư tưởng và thống nhất hành động trong toàn xã hội.

ThS. Đỗ Văn Hòa

Có thể bạn quan tâm

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đặng Phan Chung tặng quà cho bà Nguyễn Thị Sự (dân công hỏa tuyến, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện). Ảnh: Vũ Chi

Thăm, tặng quà thân nhân, chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa

(GLO)- Ngày 2-5, đoàn công tác do ông Đặng Phan Chung-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà gia đình thân nhân, chiến sĩ Điện Biên trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa.