Đại hội ngày ấy, niềm tin bây giờ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Rất nhiều năm đã trôi qua, song ký ức, niềm tự hào về những lần vinh dự tham dự Đại hội Đảng toàn quốc vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của các đại biểu như ông Ngô Thành, ông Nguyễn Duy Khanh. Và giờ đây, dẫu đã nghỉ hưu, thậm chí tuổi cao, sức yếu nhưng họ vẫn luôn theo sát các kỳ đại hội và đóng góp nhiều ý kiến xác đáng gửi đến đại hội.

Ký ức những lần đại hội

Nhắc lại không khí của kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV diễn ra năm 1976-Đại hội đầu tiên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ông Ngô Thành-nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, kể:  Không khí lúc đó rất hồ hởi, phấn khởi và vui tươi trước những thắng lợi của đất nước. Bấy giờ, niềm tin đều dồn vô một mối, vì có lòng tin nào lớn hơn lòng tin đánh thắng giặc Pháp, giặc Mỹ xâm lược và các ý kiến đều tập trung vào đường lối, chủ trương của Đảng dễ thống nhất. Đại hội IV đã tập trung vào các nhiệm vụ lớn: Hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế đi đôi với giữ vững an ninh-quốc phòng, chăm lo đời sống nhân dân, đồng thời xây dựng củng cố đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu mới. “Hồi đó, Đại hội kéo dài 6 ngày và đoàn đại biểu của tỉnh cũng đã đóng góp nhiều ý kiến, trong đó tập trung phản ánh tình hình Tây Nguyên sau ngày giải phóng, đời sống của nhân dân-nhất là người dân tộc thiểu số còn thấp, xã hội chậm phát triển, kinh tế yếu kém, đội ngũ cán bộ thậm chí có người còn mù chữ; tiếp đến là vấn đề an ninh trật tự… Trước tình hình đó, đoàn đại biểu đã đề nghị Đảng tập trung chỉ đạo Tây Nguyên, nhất là vùng dân tộc thiểu số để khắc phục yếu kém…”-ông Thành nói.

 

Cũng bày tỏ niềm vinh dự, tự hào khi là đại biểu tham dự Đại hội VII của Đảng (1991), ông Nguyễn Duy Khanh nhớ lại: “Đại hội diễn ra trong 3 ngày (từ 24 đến 27-6-1991) ở Hà Nội. Thời điểm đó, đất nước ta đã trải qua một nhiệm kỳ thực hiện đường lối đổi mới nên tinh thần Đại hội chủ yếu thẳng thắn nhìn lại những kết quả, hạn chế và tập trung đề ra phương hướng đổi mới trong thời gian đến. Trong đó, thực hiện đổi mới toàn diện cả về đội ngũ cán bộ và phương hướng chỉ đạo phát triển kinh tế, an ninh-quốc phòng”. Tại Đại hội VII, đoàn đại biểu của tỉnh cũng đã đề xuất nhiều ý kiến quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế-văn hóa, chính trị-xã hội của đất nước, phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân tỉnh nhà. Đoàn đại biểu của tỉnh đã nêu chủ trương của Đảng bộ tỉnh Gia Lai-Kon Tum trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế, an ninh-quốc phòng nhiệm kỳ mới. Theo đó, tiếp tục tập trung mở đường giao thông, định canh định cư, vận động nhân dân tích cực khai hoang, làm thủy lợi, trồng lúa nước để đảm bảo tự túc lương thực tại chỗ; đồng thời gắn với phát triển cây công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa như cao su, cà phê; ổn định đời sống; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, tích cực đấu tranh chống FULRO và các thế lực thù địch.

Kỳ vọng vào Đại hội

Tuy đã nghỉ hưu nhiều năm, nhưng ngày nào, ông Nguyễn Duy Khanh và ông Ngô Thành cũng quan tâm theo dõi và có nhiều ý kiến đóng góp cho việc phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh của tỉnh. Các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh và Đại hội Đảng toàn quốc được các ông theo dõi, cập nhật thông tin thường xuyên qua các phương tiện thông tin đại chúng. Tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, cả ông Ngô Thành và ông Nguyễn Duy Khanh đều mong muốn Đại hội sẽ phát huy kết quả của những kỳ đại hội trước và thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế để đề ra các biện pháp khắc phục, đồng thời xác định những nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh trong thời gian đến để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.

Kỳ vọng vào Đại hội, ông Ngô Thành bày tỏ, Đại hội sẽ tập trung vào những vấn đề mà dư luận quan tâm, đó là chống tham nhũng và xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt từ trung ương đến địa phương. “So với các kỳ đại hội trước thì lần này khâu cán bộ các cấp được Trung ương làm rất kỹ, tuy nhiên đạt kết quả đến đâu thì phải chờ sau đại hội”-ông Ngô Thành cho hay. Chia sẻ về vấn đề chống tham nhũng, ông Ngô Thành nêu quan điểm: “Theo tôi, muốn đánh mạnh vào vấn đề này, cần tập trung làm tốt khâu giáo dục đảng viên, cán bộ và nhân dân. Tiếp đến phải kiểm tra, giám sát đừng để lọt những lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, lợi ích cá nhân che giấu cho nhau; đồng thời phải xử lý nghiêm minh…”.

Còn ông Nguyễn Duy Khanh thì bày tỏ: “Mong đại hội sẽ chọn ra được đội ngũ Ban Chấp hành có tri thức, có năng lực, có phẩm chất đạo đức tốt, tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh. Qua đó, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng Tổ quốc ngày càng phát triển vững mạnh, tạo được niềm tin của nhân dân vào Đảng”.

Anh Huy-Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đặng Phan Chung tặng quà cho bà Nguyễn Thị Sự (dân công hỏa tuyến, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện). Ảnh: Vũ Chi

Thăm, tặng quà thân nhân, chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa

(GLO)- Ngày 2-5, đoàn công tác do ông Đặng Phan Chung-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà gia đình thân nhân, chiến sĩ Điện Biên trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa.