Người dân được lợi khi thành lập Cộng đồng ASEAN

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

ASEAN đang tiến gần đến mốc trở thành một Cộng đồng vào năm 2015. Thông tin về Cộng đồng ASEAN ngày càng thu hút sự quan tâm tìm hiểu của người dân. Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã dành cho phóng viên và các cơ quan báo chí cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

- Bộ trưởng có thể cho biết về mục tiêu và tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN?

Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Các nhà Lãnh đạo ASEAN đã nhất trí lấy ngày 31-12-2015 là mốc hình thành Cộng đồng ASEAN. Quyết định này phù hợp với Hiến chương ASEAN, trong đó nêu rõ xây dựng một Cộng đồng ASEAN “gắn kết về chính trị, liên kết về kinh tế, và cùng chia sẻ các trách nhiệm xã hội” vào năm 2015.

 

Bộ trưởng Phạm Bình Minh.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh.

Cộng đồng ASEAN dựa trên 3 trụ cột Chính trị-An ninh, Kinh tế và Văn hóa-Xã hội:

Về Chính trị-An ninh: ASEAN phối hợp hành động trên cơ sở lợi ích chung, xây dựng giá trị và chuẩn mực chung nhằm củng cố môi trường hòa bình, an ninh toàn diện, ổn định ở khu vực, ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống khác… Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý các nước ASEAN không hướng tới thiết lập một liên minh quân sự, hoặc khối phòng thủ chung.

Cho tới nay trong 157 hoạt động cụ thể của Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Chính trị-an ninh ASEAN, ASEAN đã thực hiện được 125 hoạt động và cần hoàn tất 32 hoạt động tiếp theo.

Đáng chú ý là ASEAN đã thiết lập các cơ chế đối thoại, hợp tác, các chuẩn mực ứng xử chung trong quan hệ giữa các nước, kể cả với các nước ngoài khu vực, như: Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), Tuyên bố về Ứng xử của các bên liên quan trên Biển Đông (DOC),... nhằm củng cố và duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Điều quan trọng là, các nước lớn đều coi trọng các cơ chế này của ASEAN.

Hợp tác ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh-an toàn hàng hải, thiên tai... cũng đang được đẩy mạnh.

Về kinh tế, ASEAN phấn đấu xây dựng một thị trường chung, liên kết kinh tế thành cơ sở sản xuất thống nhất như tự do hóa thương mại, đầu tư, dịch vụ, lao động, chu chuyển vốn… hỗ trợ các nước thành viên phát triển đồng đều. Tuy nhiên, ASEAN không đặt mục tiêu trở thành tổ chức siêu quốc gia như Cộng đồng châu Âu (EC), không xây dựng đồng tiền chung.

Các quy định công nhận lẫn nhau về một số tiêu chuẩn, kỹ năng nghề giúp tạo thuận lợi cho việc di chuyển lao động các ngành dịch vụ trong ASEAN như y tế, du lịch... Các chính sách về thuận lợi hóa đầu tư đang góp phần đưa ASEAN trở thành một điểm thu hút đầu tư chung, hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư bên ngoài.

Về Văn hóa-Xã hội, Cộng đồng ASEAN nhằm tạo thuận lợi cho các nước gắn kết hơn, phát triển đồng đều; đồng thời vẫn bảo tồn đa dạng văn hóa; nâng cao mức sống và phúc lợi xã hội của người dân; xây dựng các xã hội chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau; Bảo đảm phát triển bền vững.

Trong hợp tác nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, ASEAN đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như Lập Trung tâm Hỗ trợ Nhân đạo (AHA) đặt tại Jakarta, Indonesia nhằm kịp thời cung cấp hỗ trợ về vật chất cho người dân trong thiên tai, thảm họa khẩn cấp; nâng cao năng lực và hỗ trợ các nhóm đối tượng yếu thế, dễ tổn thương như người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em...; đẩy mạnh dạy nghề, tạo việc làm, tổ chức các Hội thi tay nghề ASEAN quy mô lớn định kỳ trong khu vực; hợp tác ứng phó với dịch bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS, lập quỹ dự trữ vắcxin cúm H5N1 phòng trường hợp xảy ra dịch bệnh quy mô lớn; đẩy mạnh giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa… nhằm hình thành bản sắc cộng đồng trong người dân.

Đối với Việt Nam, Đại hội Đảng XI khẳng định “chủ động, tích cực và có trách nhiệm cùng các nước xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh”. Chúng ta đang tích cực triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Đề án "Phương hướng và biện pháp Việt Nam tham gia hợp tác ASEAN đến năm 2015." Các bộ, ngành, trong đó có 3 Bộ Ngoại giao, Công Thương và Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì 3 trụ cột Cộng đồng, đã rất chủ động thúc đẩy các kế hoạch, chương trình hợp tác, lồng ghép các nội dung hợp tác vào các chương trình quốc gia, đồng thời tăng cường công tác điều phối với các bộ, ngành liên quan...

Mặc dầu vậy, công việc đặt ra cho chúng ta từ nay đến mốc 31-12-2015 còn rất nặng nề, đòi hỏi nỗ lực của không chỉ các cấp Trung ương, địa phương, mà cả sự hợp tác tích cực của người dân.

- Thưa Bộ trưởng, như vậy việc chính thức hình thành cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 sẽ có những tác động như thế nào đến các doanh nghiệp của Việt Nam?

Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Cộng đồng ASEAN ra đời mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp các nước ASEAN nói chung và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng. Đó là việc mở ra một thị trường rộng lớn hơn của 600 triệu dân, bình đẳng cho các doanh nghiệp; các doanh nghiệp có cơ hội mở rộng trao đổi thương mại, thu hút đầu tư dựa trên lợi thế của một không gian thị trường mở. Các rào cản thuế quan, phi thuế quan được tháo gỡ sẽ giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, cắt giảm chí phí nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm...

Theo một nghiên cứu của Trung tâm Đông-Tây (EWC) tại Hawaii, dự kiến các nền kinh tế ASEAN sẽ tăng 5,3% thu nhập thực tế từ việc tham gia AEC. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn có cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn hơn với các đối tác như Trung Quốc, Nhật Bàn, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zealand... (thông qua các thỏa thuận Khu vực Thương mại tự do (FTAs) riêng rẽ giữa ASEAN với các Đối tác kinh tế lớn, cũng như nỗ lực xây dựng Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP). Từ đó, doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng khu vực.

Điển hình sau 31-12-2015, hầu hết các mặt hàng nhập khẩu trong nội khối ASEAN sẽ được hưởng ưu đãi thuế quan 0%; thông qua các FTA+1 giữa ASEAN với các Đối tác, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng được hưởng ưu đãi thuế quan 0% khi xuất sang các thị trường của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Môi trường đầu tư thuận lợi sẽ giúp đẩy mạnh dòng FDI từ các nước đối tác vào ASEAN, trong đó có Việt Nam

Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi lớn, cũng có nhiều cảnh báo đối với các doanh nghiệp Việt Nam về những thách thức không nhỏ khi cộng đồng kinh tế ASEAN bắt đầu có hiệu lực. Trong đó, đáng chú ý là sức ép từ hàng hóa nhập khẩu, cạnh tranh về dịch vụ, đầu tư... của các nước ASEAN dẫn đến một số ngành/sản phẩm phải thu hẹp sản xuất, thậm chí rút khỏi thị trường.

Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải không ngừng cải thiện năng lực kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm/dịch vụ, tích cực quảng bá, xây dựng thương hiệu… Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần có các chính sách phù hợp nhằm định hướng, hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp để họ chủ động hơn nữa trong việc nắm bắt các cơ hội và vượt qua các thử thách mà tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN mang lại.

- Thưa Bộ trưởng, còn về văn hóa-xã hội, những bằng cấp trong giáo dục hay kỹ năng nghề của một quốc gia trong cộng động ASEAN có được công nhận tại các nước trong khối hay không?

Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Hiện ASEAN đang triển khai thí điểm việc công nhận bằng cấp, tín chỉ trong Mạng các trường Đại học ASEAN-AUN (gồm có 26 thành viên), sau đó sẽ mở rộng dần. Tại Việt Nam, hiện có trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và Đại học Cần Thơ đang tham gia AUN. Hình thức thử nghiệm chủ yếu là công nhận tín chỉ. Ví dụ, sinh viên của Việt Nam có thể học một số học kỳ trong nước, một số học kỳ ở nước ngoài và sau khi hoàn thành chứng chỉ sẽ được cấp bằng tốt nghiệp đại học.

Tuy nhiên, mặt bằng giáo dục-đào tạo tại các nước ASEAN hiện nay chưa đồng nhất, do vậy vẫn còn một số khó khăn trong công nhận bằng cấp, chứng chỉ giữa các nước. Chính vì vậy, ASEAN đang coi đây là một trong các ưu tiên và đang được các nước thành viên nỗ lực thúc đẩy trong tương lai gần.

- Như vậy, một cách chung nhất thì người dân được lợi gì khi Cộng đồng ASEAN trở thành hiện thực, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Khi Cộng đồng ASEAN thành hiện thực, người dân các nước ASEAN được hưởng các lợi ích chung từ những thành quả hợp tác trong các lĩnh vực chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội. Trước mắt có thể thấy một số lợi ích cụ thể như: Nhiệm vụ hàng đầu của Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN là bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực, từ đó tạo môi trường phát triển thuận lợi cho tất cả các quốc gia thành viên. Do vậy, với việc các nước ASEAN tăng cường hợp tác với nhau về mặt chính trị, an ninh, quốc phòng… trong khuôn khổ Cộng đồng Chính trị-An ninh, người dân ASEAN sẽ có một cơ hội lớn hơn được sống trong một môi trường hòa bình, hữu nghị, nơi các dân tộc Đông Nam Á đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau, hỗ trợ, thân ái với nhau, vì sự phát triển và thịnh vượng chung của khu vực.

Sự tăng cường hợp tác về quốc phòng, sự giao lưu, trao đổi, gặp gỡ thường xuyên giữa các sĩ quan các nước trong Cộng đồng ASEAN sẽ tăng cường sự hiểu biết, tin cậy giữa giới quân sự, góp phần giảm thiểu các nguy cơ xung đột.

Sự tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh của Cộng đồng, nhất là trong khuôn khổ phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, chia sẻ thông tin tình báo... góp phần giúp cho người dân có được cuộc sống an toàn hơn.

Việc ASEAN tăng cường hợp tác trong lĩnh vực nhân quyền, với việc thành lập Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về Nhân quyền (AICHR) và thông qua Tuyên bố ASEAN về nhân quyền (AHRD) đã khẳng định cam kết mạnh mẽ của các quốc gia thành viên ASEAN trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của người dân.

Về mặt kinh tế, một nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng việc thực hiện đầy đủ AEC và các hiệp định FTA ASEAN+1 vào năm 2018 sẽ giúp các nước ASEAN tăng thu nhập quốc dân thêm 4,5% so với năm 2007, tạo việc làm, giúp lương của lao động giản đơn tăng hơn 7,6%, riêng lương của lao động lành nghề có thể tăng tới 9,6%.

ASEAN cũng đang thúc đẩy việc lập Thẻ Doanh nhân ASEAN, Cổng xuất nhập cảnh ASEAN tại các cửa khẩu... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho giới doanh nhân và người dân ASEAN di chuyển dễ dàng hơn trong khu vực.

Hợp tác phát triển nguồn nhân lực, hướng tới hài hòa hóa các tiêu chuẩn về công nhận bằng cấp trong giáo dục cũng như kỹ năng nghề giữa các nước ASEAN, tạo điều kiện cho người dân, nhất là lao động có tay nghề, tự do di chuyển và tìm cơ hội việc làm thuận lợi hơn trong khu vực. Điều này rất quan trọng đối với Việt Nam, vì hàng năm chúng ta có nhiều lao động xuất khẩu ra nước ngoài.

Về mặt xã hội, hợp tác về quyền của người lao động di cư, quyền của phụ nữ, trẻ em sẽ góp phần đảm bảo quyền của các nhóm đối tượng đặc thù. Hiện nay, ASEAN đang trong quá trình xây dựng nhiều văn kiện có tính ràng buộc pháp lý nhằm thúc đẩy và bảo vệ lợi ích của các nhóm đối tượng này.

Hợp tác y tế, nhất là trong phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, HIV/AIDS… sẽ giúp người dân được bảo vệ tốt hơn trước các nguy cơ dịch bệnh lây lan.

Hợp tác về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai và ứng phó khẩn cấp sẽ giúp các nước thành viên từng bước nâng cao khả năng và năng lực thích nghi và giảm thiểu các tác động của biến đối khí hậu, ứng phó nhanh và hiệu quả hơn với thiên tai trong khu vực, bảo vệ và hỗ trợ kịp thời cho người dân trong tình huống thảm họa…

Trên đây là một số lợi ích có tác động thiết thân đối với cuộc sống nhân dân ta, từ sự an toàn trước các tệ nạn gây ra bởi tội phạm xuyên quốc gia, đến đời sống mưu sinh, làm ăn kinh tế, môi trường giáo dục học hành cho con em và nhu cầu giao lưu du lịch, tìm hiểu văn hóa. Có các lợi ích rõ ràng và có thể thấy ngay trước mắt, có những tác động trừu tượng hơn và xa hơn, song có thể khẳng định chắc chắn rằng, việc Cộng đồng ASEAN được thành lập là vì lợi ích của mỗi người dân trong Cộng đồng, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, bền vững hơn cho nhân dân các nước Đông Nam Á chúng ta.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Thanh Trúc (Theo TTXVN)

Có thể bạn quan tâm

Pleiku: Cháy nhà dân tại đường Hàn Mặc Tử

Pleiku: Cháy nhà dân tại đường Hàn Mặc Tử

(GLO)- Vào khoảng 13 giờ 20 ngày 18-4, đã xảy ra vụ cháy nhà người dân tại tổ 6, phường Trà Bá, TP. Pleiku. Công an TP. Pleiku phối hợp với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) nhanh chóng vào cuộc dập tắt đám cháy.
Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Gia Lai chúc Tết Chol Chnam Thmay tại tỉnh Ratanakiri

Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Gia Lai chúc Tết Chol Chnam Thmay tại tỉnh Ratanakiri

(GLO)- Đoàn công tác của MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội tỉnh Gia Lai do bà Phạm Thị Lan-Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh làm trưởng đoàn vừa có chuyến thăm, chúc Tết Chol Chnam Thmay chính quyền, Mặt trận và các tổ chức xã hội tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia).
Thí sinh Nguyễn Cẩm Nhung đạt giải nhất kỳ thi thứ 6 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Thí sinh Nguyễn Cẩm Nhung đạt giải nhất kỳ thi thứ 6 tìm hiểu 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

(GLO)- Ngày 15-4, Ban tổ chức Cuộc thi tìm hiểu “70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn” với chủ đề “Điện Biên Phủ và đường Hồ Chí Minh-Ý chí, trí tuệ Việt Nam” đã thông báo danh sách thí sinh đạt giải tại kỳ thi thứ 6.