Những bước đi… không mỏi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Công ty Cao su Chư Prông (Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN) là đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Giám đốc Công ty này, ông Phan Sỹ Bình cứ nhắc đi, nhắc lại nhiều lần: “Phấn đấu được là một đơn vị anh hùng đã là khó lắm rồi, nhưng giữ vững danh hiệu này càng khó hơn”. Thực sự, tôi cũng rất hiểu ông Bình-một người đã có tới 34 năm gắn bó với cây cao su trên vùng đất Tây Nguyên. Ông cũng là những người bổ những nhát cuốc đầu tiên trên vùng đất này để trồng cao su, vì thế cũng đã nếm đủ mùi gian nan, vất vả và nay cũng chẳng còn ngại gì vất vả, gian nan…

Dây chuyền chế biến mủ ở Công ty Cao su Chư Prông. Ảnh: Đức Thanh
Dây chuyền chế biến mủ ở Công ty Cao su Chư Prông. Ảnh: Đức Thanh

Là chỗ thân tình từ lâu, nên thỉnh thoảng tôi vẫn ghé Công ty Cao su Chư Prông, nhưng rất hiếm khi được gặp ông Bình. Là Giám đốc nhưng ít thấy ông Bình ở Văn phòng Công ty mà có lẽ, thời gian làm việc chủ yếu ở ngoài lô cao su với anh em công nhân, thậm chí sang tận Campuchia để kiểm tra tình hình đầu tư sản xuất bên đó.

Thực ra, với diện tích cao su hiện có  6.971 ha, trong đó có 5.564 ha đã cho khai thác, sản lượng mủ khô năm 2009 đạt 7.600 tấn, 121 ha cà phê, 1 xí nghiệp chế biến phôi gỗ dùng nguyên liệu là cây cao su già thanh lý, mỗi năm sản xuất hơn 4.500 m3, 1 xí nghiệp chế biến mủ cao su… đã cho doanh thu 268 tỉ đồng, lợi nhuận là 85 tỉ đồng, đủ để ổn định cuộc sống cho hơn 2.500 lao động, trong đó khoảng 40% là người dân tộc thiểu số ở 60 làng thuộc 15/20 xã, thị trấn trong toàn huyện với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/ tháng. Nói như vậy để thấy rằng, nếu chấp nhận thực tại thì Công ty Cao su Chư Prông vẫn có thể ung dung được rồi, khỏi tính toán đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh làm gì cho thêm vất vả! Nhưng làm kinh tế, nhiều khi lại không chỉ vì… kinh tế. Sản xuất, kinh doanh thì đương nhiên, lợi nhuận là quan trọng, nhưng với Công ty Cao su Chư Prông thì lợi nhuận chỉ là một phần. Cũng đã có lần, tôi nghe ông Phan Sỹ Bình nói đến những điều này. Ông bảo: Là doanh nghiệp nhà nước, đứng chân trên vùng biên giới, bên cạnh việc lo ổn định việc làm, đời sống cho nhân dân thì còn phải làm nhiệm vụ góp phần giữ vững trật tự xã hội và quốc phòng-an ninh.

Nói đúng ra, tất tần tật các xã, thị trấn trong toàn huyện Chư Prông đều là xã biên giới cả, nhưng năm ngoái, Công ty đã mở rộng đầu tư trồng cao su lên Ia Mơr- một xã có đường biên giới chung với Campuchia và ở đó tất cả mọi thứ đều quá thiếu thốn, khó khăn, kể cả đường giao thông. Ngay như ông Nguyễn Văn Tươi-Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Ia Mơr cũng nửa mừng, nửa lo. Mừng là vì có dự án trồng cao su ở Ia Mơr, dường như đã có lối thoát trong việc lo cơm áo cho dân. Ông Tươi tâm sự: Tôi có mặt ở Đồn Biên phòng Ia Mơr từ năm 1992 đến nay, mọi sướng khổ của dân xã Ia Mơr tôi đều hiểu cả. Tôi vẫn hưởng lương và mọi chế độ của một sĩ quan, mang cấp hàm Đại úy, thuộc Đồn Biên phòng 729, nhưng được tăng cường về xã này từ tháng 4-2008, giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã. Cũng đã nhiều lần, nhiều năm xã vận động nhân dân nuôi con gì, trồng cây này, cây kia, cụ thể là điều, mì… nhưng rốt cuộc không thành công, phần thì năng suất cây trồng thấp, phần thì đường sá xa lắc, mùa mưa lầy lội, khó vận chuyển sản phẩm đến nơi tiêu thụ. Nếu có vận chuyển được thì chi phí quá cao, không còn lợi nhuận, nên nhiều năm nay xã chưa có định hướng rõ ràng, trồng cây gì, nuôi con gì để phát triển kinh tế một cách ổn định, nâng dần đời sống cho nhân dân. Mọi người đều trăn trở, lo cho đời sống nhân dân đấy nhưng làm được không dễ, sau bao nhiêu năm giải phóng rồi mà người dân xã Ia Mơr vẫn nghèo! Nhà nước có phương án đưa cao su vào trồng, nhân dân phấn khởi, năm đầu gần 100 lao động là thanh niên có việc làm, tăng thu nhập, có mấy người làm nghề buôn bán, săn bắn vất vả, bỏ nghề hết để xin vào làm cao su, lãnh đạo xã có phần yên tâm.

Theo như kế hoạch, thì ở Ia Mơr sẽ trồng vài ngàn ha cao su, nếu kết quả tốt thì Đảng ủy xã sẽ có nghị quyết, định hướng phát triển mới. Lãnh đạo xã cũng đang hy vọng vào doanh nghiệp, cùng hỗ trợ nhau để lo cho đời sống nhân dân khá lên… Nhưng lo thì cũng lo lắm, đường sá thì xa mà dân xã Ia Mơr cũng đã bao giờ biết trồng cao su đâu, liệu họ có chịu làm và làm nổi không. Nhưng có lẽ nỗi lo của ông Tươi bây giờ đã bớt đi nhiều rồi, người dân Ia Mơr được Công ty Cao su Chư Prông về tận nơi hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cao su, rất nhiều người đã biết làm và làm tốt. Tỉnh cũng dự kiến giao 3.000 ha đất cho Công ty Cao su Chư Prông để trồng cao su tại Ia Mơr và năm 2008, đã trồng gần 300 ha; năm 2009, trồng 550 ha; sang năm 2010, Công ty cũng dự kiến sẽ trồng 1.500 ha và như thế sẽ có thêm gần ngàn lao động có việc làm ổn định. Cái lý của việc này, một phần chính cũng là để cho nhân dân có đời sống ngày một ấm no hơn và vùng biên ngày thêm yên bình.

Vườn ươm giống cao su của Công ty. Ảnh: Đức Thanh
Vườn ươm giống cao su của Công ty. Ảnh: Đức Thanh

…Cứ tưởng sự nỗ lực của Công ty Cao su Chư Prông trong năm qua như thế cũng là đủ, nhưng khi được Phó Bí thư Đảng bộ Công ty Cao su Chư Prông, ông Lương Văn Quý thông báo: Năm 2009, Công ty đã đầu tư hơn 100 tỉ đồng xây dựng trung tâm y tế, tuyến đường nhựa từ Công ty đi xã Thanh An, xây dựng dây chuyền chế biến mủ Latex để chăm lo tốt hơn cho đời sống cán bộ, công nhân, nhân dân trong vùng; phục vụ nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thì quả thật cũng lại gây bất ngờ với tôi. Năm nay, giá bán mủ cao su thất thường, lúc thấp, lúc cao nhưng hầu như là thấp hơn nhiều năm qua do khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhu cầu trên thị trường thế giới giảm, nhưng với Công ty Cao su Chư Prông vẫn đủ lực để đầu tư lớn như thế. Riêng về dây chuyền chế biến mủ Latex, được Công ty đầu tư 50 tỉ đồng với công nghệ hiện đại của Đức, công suất 3.000 tấn/năm. Đây là dây chuyền đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên, đầu năm 2010 sẽ đi vào hoạt động làm tăng giá trị sản phẩm lên 30% và cung cấp nguyên liệu cao cấp cho thị trường thế giới sản xuất dụng cụ dùng trong y tế, lốp máy bay…

Trong chuyến thăm và làm việc với Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND… tỉnh Gia Lai hồi giữa tháng 12-2009, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh cũng nhấn mạnh rằng: Với tiềm năng sẵn có về đất đai, khí hậu và hướng đi đúng, nhất định Gia Lai sẽ là tỉnh giàu có. Bởi vì, Gia Lai đã hình thành được những vùng cây chuyên canh, tập trung rất lớn như cà phê, tiêu, cao su… và cây cao su đã được coi là cây rừng với nhiều chức năng, không chỉ là cây kinh tế, mà còn có khả năng che phủ đất, chống xói mòn. Phát triển cây cao su tới đâu là lo cho dân có cuộc sống ổn định tới đó, giải quyết tốt vấn đề về cơ sở hạ tầng. Trong những năm tới, Gia Lai cần ưu tiên diện tích để tiếp tục trồng cây cao su.

Về việc sang Campuchia trồng mới cao su, có lần tôi đã hỏi ông Phan Sỹ Bình, đi hơn trăm cây số để trồng cao su liệu có quá vất vả và còn những vấn đề phức tạp khác như chế biến sản phẩm, sử dụng lao động…? Ông Bình cũng hỏi lại tôi ngay rằng, thế ông bảo trồng cao su có khi nào sung sướng không? Thế rồi ông Bình phân tích: Nói thế thôi, là doanh nghiệp, khó cũng phải làm, miễn là bên cạnh cái khó là cơ hội. Đã là doanh nghiệp thì việc mở rộng quy mô là điều đương nhiên cần làm. Ở trong nước, hiện nay việc mở rộng diện tích cao su là điều quá khó, không phải là hết đất, nhưng đất trồng cao su không manh mún được. Với cây trồng khác, vài chục ha đất là lý tưởng, nhưng với cao su phải là hàng trăm, hàng ngàn ha, nhưng lại phải liền canh, không thể trồng kiểu da báo. Việc trồng cao su ở bên Campuchia đúng là khó khăn thật, vừa xa lại phải vận động, hướng dẫn nhân dân bên đó kỹ thuật trồng, chăm sóc cao su trong điều kiện ngôn ngữ bất đồng, nhưng bù lại điều kiện thổ nhưỡng, đất đai, khí hậu bên Campuchia rất phù hợp với việc trồng cao su với quy mô lớn và nhiều khả năng sẽ cho năng suất cao khi khai thác.

Đến đây tôi cũng chợt nhớ lại câu nói của ông Bình… giữ vững được danh hiệu anh hùng là rất khó. Và những lo toan, tính toán để mở rộng sản xuất kinh doanh nhằm mang lại hiệu quả nhiều mặt cả về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh là những bước đi… không mỏi của Công ty Cao su Chư Prông trên chặng đường dài phát triển.   

Hoàng Anh Phượng




Có thể bạn quan tâm