Tăng cường xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để đảm bảo trật tự an toàn giao thông trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2017, một trong những chuyên đề trọng tâm được Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh tập trung triển khai là tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm quy định về nồng độ cồn…

Một trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý.                                   Ảnh: L.A
Một trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý. Ảnh: L.A

Gần đến Tết Nguyên đán, mật độ người và phương tiện tham gia giao thông càng tăng cao. Đây cũng là thời gian mà các gia đình, cơ quan, doanh nghiệp thường tổ chức gặp mặt tất niên cuối năm nên tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu bia gia tăng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn. Nhằm ngăn ngừa các vụ vi phạm về nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ, qua đó giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông, Công an tỉnh đã mở đợt cao điểm xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn trong những tháng cuối năm 2016, Tết Nguyên đán Đinh Dậu và lễ hội đầu Xuân năm 2017.
 

Đại úy Nguyễn Thành Chung-Tổ trưởng Tổ xử lý chuyên đề vi phạm nồng độ cồn, Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh cho biết: “Nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong dịp lễ, tết, Tổ xử lý chuyên đề về vi phạm nồng độ sẽ thường xuyên kiểm tra đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường trọng điểm và vào khung giờ “nóng”. Dù trong quá trình làm việc, một số trường hợp có thái độ không chấp hành, không hài lòng với việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng Cảnh sát Giao thông nhưng vì sự an toàn của người dân khi tham gia giao thông, chúng tôi sẽ cương quyết xử lý những trường hợp vi phạm…”.

Sau hơn 2 tháng ra quân, tổ xử lý chuyên đề vi phạm nồng độ cồn của Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh đã phát hiện và xử phạt hơn 250 trường hợp vi phạm với số tiền hơn 700 triệu đồng. Theo đánh giá, từ khi Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt có hiệu lực (1-8-2016), trong đó nhóm lỗi vi phạm về nồng độ cồn được điều chỉnh tăng nặng thì ý thức của nhiều người dân đã có sự chuyển biến. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn vẫn luôn gặp nhiều khó khăn. Bởi lẽ, khi đã uống rượu bia, đặc biệt là uống quá nhiều, nhiều người không làm chủ được hành vi dẫn đến việc gây rối, không hợp tác với lực lượng chức năng. Điều này chúng tôi tận mắt được chứng kiến trong lần theo chân tổ xử lý chuyên đề vi phạm nồng độ cồn của Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh trên tuyến đường Lê Duẩn (TP. Pleiku) vào cuối tháng 12-2016. Trong quá trình kiểm tra, tổ xử lý yêu cầu dừng các phương tiện, đặc biệt là các loại xe ô tô con, xe máy để tiến hành đo nồng độ cồn. Trong số đó, không ít người đã say xỉn nhưng vẫn luôn cho rằng mình còn… tỉnh táo. Điển hình như trường hợp tài xế xe ô tô BKS 81A-091.XX. Khi biết tổ xử lý yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn, người đàn ông này đã không xuống xe mà đóng cửa rồi lấy nước suối uống liên tục để giảm mùi rượu bia trong người. Dù được các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát Giao thông yêu cầu xuống xe, thổi vào máy kiểm tra nồng độ cồn nhưng tài xế này vẫn đóng cửa và rút điện thoại nhờ “trợ giúp từ người thân”. Trước sự cương quyết của tổ xử lý, người đàn ông này phải thổi vào máy kiểm tra nồng độ cồn. Kết quả đo được là 0,495 mg/1 lít khí thở. Chỉ đến lúc này, người đàn ông trên mới thừa nhận mình vi phạm và lý giải là có người mời nên có uống vài ly...

Mặc dù theo thống kê, trong năm 2016, toàn tỉnh chỉ có 9/214 vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia, nhưng thời điểm cuối năm luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất trật tự an toàn giao thông, tai nạn giao thông do lỗi vi phạm này. Để giảm thiểu những điều đáng tiếc do tai nạn giao thông gây ra, thời gian tới, lực lượng Cảnh sát Giao thông trên toàn tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là những người vi phạm nồng độ cồn, bảo đảm cho nhân dân đi lại thuận tiện, an toàn trong các ngày lễ, Tết.

 Hạ Vy

Có thể bạn quan tâm

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.
Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.