Rừng phòng hộ Ia Rsai lại bị tàn phá

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT đã thành lập đoàn kiểm tra tình trạng phá rừng tại tiểu khu 1307 và 1325, lâm phần do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Rsai quản lý. Đoàn đã có Báo cáo số 290/BC-SNN ngày 24-12-2015 gửi UBND tỉnh để chỉ đạo xử lý (Báo Gia Lai đã phản ánh). Tuy nhiên, mới đây phóng viên Báo Gia Lai đã quay trở lại rừng Ia Rsai và phát hiện thêm 1 vụ phá rừng nghiêm trọng tại tiểu khu 1321.


Cách trụ sở UBND xã Ia Rsai (huyện Krông Pa) chừng ba chục cây số, rừng tại tiểu khu 1321, lâm phần do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ia Rsai quản lý đang bị lâm tặc ngang nhiên “xẻ thịt” như một “công trường gỗ”. Để vào được tiểu khu 1321, phóng viên đã phải nhờ người dẫn đường đi bộ hơn 2 giờ đồng hồ tính từ bìa rừng, vượt qua 8 con suối và nhiều con dốc trơn trượt, đường mòn ngoằn ngoèo. Trên đường đi gặp nhiều xe máy độ chế chở gỗ lao ra. Càng gần tiểu khu, bột cưa, cành, bìa, ngọn cây gỗ đã ố màu bị bỏ lại rải rác hai bên đường mòn.
 

Gốc cây to mới chặt hạ. Ảnh: Đ.P
Gốc cây to mới chặt hạ. Ảnh: Đ.P

Đi sâu thêm 1 km, vỏ bìa, mùn cưa rải một màu vàng-gỗ vừa bị xẻ hộp-nằm chồng nhau, vương vãi khắp nơi, tiếng máy cưa lốc vang vọng. Tại vùng lõi tiểu khu 1321, hàng chục lóng gỗ hộp dài 3-4 mét, rộng 60-80 cm nằm lăn lóc dưới suối. Thấy người lạ xuất hiện, đám lâm tặc xách cưa lốc lẩn vào rừng, một người đàn ông trung niên nán lại nhìn dò xét rồi bỏ đi. Nhiều gốc cây 1-2 người ôm bị cưa lốc phạt ngang. Những cây gỗ lớn dài chừng 7 mét chưa bị xẻ phách nằm ngã rạp dưới đất. Nhiều khúc gỗ xẻ thành hộp chưa kịp đưa đi đã chuyển màu nâu, nằm xen lẫn với hộp gỗ màu vàng mới bị chặt hạ. Gỗ bị chặt hạ trải dài theo một khúc suối Thác Trắng, chủ yếu là gỗ sao. Nhiều vỏ can xăng (loại 20 lít), thùng đựng dầu nhớt dùng cho cưa lốc nằm lăn lóc dưới nền đất.

Cách bãi gỗ trên chừng một cây số là khu lán trại của lâm tặc dựng lên để phục vụ việc phá rừng lâu dài. Lán được phủ bằng nhiều tấm bạt, bên ngoài giăng đầy áo quần. Nồi niêu xoong chảo, cưa lốc, xăng dầu, dao rựa được trang bị đầy đủ. Trong lán, 8 chiếc võng đã móc sẵn, 3 người phụ nữ nằm đong đưa, thấy động họ nhanh chóng lẩn mất hút vào rừng. Theo người dẫn đường cho biết, phụ nữ ở đây vừa kiêm nấu ăn, vừa vận chuyển gỗ.

Cách lán khoảng 30 mét, một bãi tập kết gỗ với nhiều lóng, khúc gỗ và xe máy. Trên một thân cây gỗ có đánh dấu “L1, K7, 1321”-người dẫn đường giải thích là: lô 1, khoảnh 7, tiểu khu 1321.

Sau khi ghi lại cảnh phá rừng, trên đường ra, phóng viên bám theo hai chiếc xe máy độ chế chở đầy gỗ lao ra phía bìa rừng. Hai lâm tặc cho biết, họ từ Phú Yên lên Gia Lai “làm gỗ”, cứ hai ngày làm một chuyến, bỏ túi 15-20 triệu đồng/tháng.

Nhận thông tin từ báo chí, Chủ tịch UBND huyện Krông Pa, ông Tô Văn Chánh tỏ ra bất ngờ khi hàng loạt văn bản chỉ đạo bảo vệ rừng do chính quyền phát đi trước đó nhưng không hiểu sao rừng vẫn bị tàn phá như thế?

Báo cáo số 1343/UBND-NC ngày 30-10-2015 của UBND huyện Krông Pa nhận định: “Thời điểm hiện nay trên địa bàn các xã: Ia Rsai, Uar, Chư Drăng, Ia Rmok, Ia Mlah, nạn khai thác lâm sản diễn ra rầm rộ, ngang nhiên. Khoảng thời gian vào buổi tối không khó để bắt gặp từng đoàn xe mô tô độ chế chở gỗ nối đuôi nhau chạy về các khu dân cư để bán cho các “đầu nậu” gom hàng để xuất bán ra khỏi địa phương. Tuy nhiên, lực lượng chức năng hầu như không thấy xuất hiện…”.

Chủ tịch UBND huyện Krông Pa cho biết sẽ lập một đoàn kiểm tra tình hình phá rừng tại tiểu khu 1321 như thông tin mà phóng viên vừa cung cấp.

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

Krông Pa tổ chức ngày hội “Sách-Hành trang trí thức”

(GLO)- Hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam, Ngày Sách và bản quyền thế giới, sáng 22-4, Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (thị trấn Phú Túc) tổ chức Ngày hội đọc sách năm 2024 với chủ đề “Sách-Hành trang trí thức”.
Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

Ẩn họa từ hàng rong trước cổng trường

(GLO)- Tại khu vực xung quanh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn tỉnh Gia Lai, nhất là ở TP. Pleiku có nhiều hàng rong, hàng quán vỉa hè bán đồ ăn uống không có nhãn mác, nguồn gốc. Thực tế này luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm.

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

Ông ba Bông “vác tù và hàng tổng”

(GLO)- “Cứ việc gì đem lại lợi ích cho bà con thì làm thôi”-một câu nói nhẹ tênh nhưng thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với cộng đồng của ông Trần Đình Bông (thôn 3, xã Nam Yang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai).
Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

Vượt lên khiếm khuyết để tỏa sáng

(GLO)- Trong cuộc sống có rất nhiều người sinh ra và lớn lên khi không may bị khiếm khuyết một phần của cơ thể, dù vậy, họ không chấp nhận phó mặc cho số phận mà nỗ lực vươn lên và tỏa sáng giữa đời thường.