Mang Yang: Cần giải quyết thấu tình đạt lý khi dân xây kè bảo vệ đất… chính quyền phạt!

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- “Tôi viết đơn này trong tình trạng vô cùng lo lắng và cấp bách vì đã sắp đến mùa mưa, kè mới chỉ được gia đình tôi xây một đoạn ngắn thì bị ngăn cản, tiền bạc công sức gia đình tôi bỏ ra không được Nhà nước ghi nhận. Đơn khiếu nại gửi lên UBND huyện đã nửa năm mà không được trả lời thỏa đáng. Kính mong các cấp có thẩm quyền và Báo Gia Lai cử cán bộ xuống tận nơi để điều tra sát thực, lắng nghe người dân chúng tôi nói, nếu thật sự sai gia đình tôi sẵn sàng chịu phạt theo quy định của pháp luật…”-đó là một phần nội dung trong đơn khiếu nại của bà Huỳnh Thị Tuyết, cư trú tại số nhà 252, đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Kon Dỡng, huyện Mang Yang, gửi đến Báo Gia Lai, vì bà cho rằng lãnh đạo thị trấn và UBND huyện đã xử ép gia đình chỉ vì việc xây dựng bờ kè để bảo vệ diện tích đất của mình đang ngày một bị xói mòn, sạt lở ảnh hưởng đến tính mạng.

Bức xúc, xây dựng không phép

Theo nội dung đơn khiếu nại của bà Tuyết, mỗi khi vào mùa mưa, vị trí lô đất nơi gia đình bà Tuyết đang sở hữu nằm ở vùng trũng, do vậy khi có mưa lớn thì lượng nước từ nhiều ngả đường tại ngã ba thị trấn Kon Dỡng lại đổ về cống thoát nước nằm bên cạnh khu đất của gia đình. Do thị trấn chưa xây dựng hệ thống cống dẫn thoát nước qua đất của dân nên lượng nước tập trung tại đây đổ hết xuống phần đất nông nghiệp của gia đình bà Tuyết, nghiêm trọng hơn trong thời gian gần đây nước bắt đầu đổ xoáy tạo hàm ếch làm sạt lở khu đất nơi gia đình đang sinh sống, mưu sinh, gây nứt tường. Để bảo vệ tài sản và tính mạng của gia đình, bà Tuyết báo với cơ quan có trách nhiệm đến khảo sát, xây dựng kè cống thì nhận được câu trả lời miệng “gia đình tự khắc phục”, ngoài ra bà còn làm đơn xin phép xây dựng kè giữ đất gửi lên các phòng ban của thị trấn từ tháng 11-2012 nhưng không thấy phản hồi. Trong quá trình chờ đợi, gia đình bà Tuyết đã bỏ ra số tiền vài trăm triệu đồng mua vật liệu, thuê người xây dựng bờ kè giữ đất và tài sản trên đất.
 

Miệng cống thoát nước quá lớn làm cho khu đất ở của bà Tuyết bị sạt lở. Ảnh: Nguyễn Giác
Miệng cống thoát nước quá lớn làm cho khu đất ở của bà Tuyết bị sạt lở. Ảnh: Nguyễn Giác

Qua thực tế ghi nhận, nơi bà Tuyết xây dựng bờ kè và vị trí cống thoát nước, điều cảm nhận đầu tiên chính là độ dốc từ mặt đường đến đáy bờ kè là rất cao gần chục mét; kích cỡ của miệng cống rất lớn với 2 tầng thoát và tất cả 2 miệng cống này khi có nước đều đổ về khu vực đất được bà Tuyết cho là thuộc sở hữu của gia đình. Ngoài những điểm được bà Tuyết bỏ tiền của gia cố để đất không còn sạt lở thì ở cuối đoạn cống có nhiều điểm hố tạo hàm ếch rất rộng làm trơ ra những bộ rễ cây, đây là hậu quả của những cơn mưa lớn đổ nước như thác xuống khu vực sau miệng cống bởi không hề có đường dẫn nào được tạo ra sau công trình lắp đặt cống thoát nước.   

Bà Tuyết nói: Gia đình tôi sinh sống tại khu đất này đã 21 năm, từ ngày địa phương khảo sát lắp đặt hệ thống cống thoát nước 2 tầng ngay bên cạnh lô đất của gia đình tôi, xong công trình thì không hề có hệ thống kè, kênh dẫn mà để nước chảy xoáy tự do vào lô đất nơi gia đình tôi đang sở hữu làm xói mòn, sạt lở đất nghiêm trọng mỗi khi mùa mưa đến. Xin các cấp xây dựng, làm sở hữu không thấy nói năng gì, nóng lòng, tôi mới xây kè, khi xây thì có cán bộ đến cho rằng chúng tôi xây dựng trái phép, phạt tiền, buộc tháo dỡ và nhiều lần hạch sách, ép gia đình chúng tôi phải phá bỏ đi công sức, tiền bạc của mình. Chuyện xây dựng trên đất nhà tôi thì có gì là sai mà có phải tôi xây dựng công trình nhà đâu? Tôi xây dựng bờ kè để nước thoát dễ hơn, giữ đất không bị sạt lở mà cũng bị cấm là thế nào?-bà Tuyết bức xúc.
 

Khu vực bờ kè gia đình bà Tuyết xây để bảo vệ đất được cho là vi phạm. Ảnh: Nguyễn Giác
Khu vực bờ kè gia đình bà Tuyết xây để bảo vệ đất được cho là vi phạm. Ảnh: Nguyễn Giác

Chính quyền không dại gì mà làm sai?

Bởi cho rằng, mình xây dựng kè để bảo vệ giữ đất và chống xói mòn, sạt lở ảnh hưởng đến sinh hoạt, tính mạng của gia đình và người thân là đúng nên vợ chồng bà Tuyết không đồng thuận với thông báo về việc tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị do UBND thị trấn Kon Dỡng ra quyết định. Sau 3 lần gửi thông báo nhưng bà Tuyết không thực hiện, lúc này, cấp cao hơn là UBND huyện, cụ thể là ông Nguyễn Như Phi-Chủ tịch UBND huyện Mang Yang, ngày 11-4-2013 ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng đối với hộ ông Lâm Sanh Hòa (chồng bà Tuyết), hình thức xử phạt hành chính 10 triệu đồng, vì xây dựng công trình bờ kè trong khu vực bảo vệ an toàn hệ thống thoát nước trái quy định?

Dân chưa thực hiện quyết định trên, ngày 25-4-2013, Chủ tịch UBND huyện này lại ra tiếp Văn bản số 170/UBND-KT gửi Điện lực huyện Mang Yang yêu cầu ngừng cung cấp điện hộ Lâm Sanh Hòa. Trong văn bản này, huyện lưu ý “Giao UBND thị trấn Kon Dỡng thông báo đến các hộ lân cận, nếu hộ dân nào cho phép ông Lâm Sanh Hòa mắc điện nhờ thì UBND huyện sẽ chỉ đạo ngừng cung cấp điện hộ dân đó”!?

Bức xúc về vấn đề này, bà Tuyết cho rằng: Tôi thấy trong việc làm này chính quyền đã bắt ép gia đình tôi; riêng công ty điện tôi có vi phạm trong sử dụng điện, hay không đóng tiền điện sao lại cắt điện? Tôi đóng tiền nộp phạt nhưng trong lòng còn vô cùng bức xúc.
 

Huyện sẽ tiếp tục phạt và buộc phá dỡ phần tường bà Tuyết xây lên để chống trộm? Ảnh: Nguyễn Giác
Huyện sẽ tiếp tục phạt và buộc phá dỡ phần tường bà Tuyết xây lên để chống trộm? Ảnh: Nguyễn Giác

Ghi nhận và đưa những ý kiến cùng với bức xúc của người dân đến lãnh đạo huyện thì P.V nhận được câu trả lời quả quyết từ Chủ tịch UBND huyện Mang Yang-ông Nguyễn Như Phi: “bã (bà Tuyết- PV) là quá sai, chính quyền không dại gì mà đi làm tầm bậy”.

Lý giải về cách giải quyết của huyện, ông Phi nói: Nơi bà Tuyết đổ đất, xây dựng kè nằm ngoài diện tích được cấp bìa đỏ, không báo với chính quyền địa phương mà tự coi phần đất đó là của mình tự ý xây dựng, không hợp tác với các cán bộ trong việc xử lý xây dựng trái phép để làm bờ kè và tỏ ra khó chịu. Nơi bà Tuyết xây kè nằm trên diện tích đất đang được Nhà nước quản lý, còn việc làm kè cho nước chảy cũng phải có đơn vị tư vấn đo đạc chứ không thể muốn là xây.

Khi đặt vấn đề tại sao Nhà nước không tiếp tục làm kênh dẫn hay đường cống để không ảnh hưởng đến đất của người dân thì Chủ tịch UBND huyện cho rằng: Đây là bức xúc của người dân, không ai bức xúc sao chính quyền biết được, nếu có nhu cầu phải báo cáo làm theo tuần tự. Ngoài đơn xin xây dựng sau khi huyện tiến hành xử lý, xử phạt thì huyện không nhận được đơn thư nào khác để xin xây kè như bà Tuyết khiếu kiện. Còn việc cắt điện cũng căn cứ theo Nghị định hướng dẫn đây là biện pháp phụ do hộ dân không chấp hành nộp phạt.

Đất “nở” chính quyền không biết?

Liên quan trong vụ việc trên, nằm cạnh 2 bên cửa xả của hệ thống cống thoát nước là lô đất của ông Nguyễn Văn Thành đã được công nhận cấp quyền sử dụng đất, còn lô đất của gia đình bà Tuyết-ông Hòa thì lại bị “ngâm” không cấp sổ. Sự tréo ngoe trên vẫn chưa hết, mà ngay trên lô đất ông Thành đang sở hữu được nhiều người gọi là đất “thần” bởi mảnh đất này biết “nở” để tăng thêm diện tích đất mà không một cấp chính quyền nào tại địa phương hay biết? Nếu không có chuyện bà Tuyết bức xúc đệ đơn.

Tìm hiểu rõ hơn, được biết, khi xây dựng hệ thống cống thoát gia đình bà Tuyết có tự nguyện hiến 5 mét mặt tiền trong diện tích đất của mình để xây dựng cống, sau khi xây xong thì còn lại 3 mét không làm gì, do vậy bà Tuyết cũng đã cho đổ đất, đá xây dựng móng để kè bảo vệ đất ở và xây dựng nhà để xe, nhưng phía huyện cho rằng đã xây dựng trái phép yêu cầu hộ tự tháo dỡ nếu ông Hòa không chấp hành thì tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt theo đúng quy định. Riêng đối với hộ ông Thành, mảnh đất ông đang sở hữu ban đầu được cho là chỉ có 6 mét mặt tiền nhưng không hiểu lô đất tự “nở” thật, hay mua, xin của ai mà lô đất này đã rộng thêm đến 9,3 mét?

Một cán bộ Phòng Thanh tra huyện cho biết: Qua tìm hiểu, thanh tra phát hiện hộ ông Thành trong việc cấp sổ chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật; kiểm tra, thẩm định thấy có những giấy tờ đã sửa chữa. Chúng tôi đã mời ông Thành đến làm việc thì giấy được cấp là 9,3 mét, nhưng xác định lại thì ông Thành khai nhận “thành thật” chỉ có 7 mét (không phải là 6 mét-P.V). Việc sửa chữa đã đưa đi giám định từ cơ quan Công an, họ đưa máy móc tinh vi nhưng cũng chỉ biết có sửa chữa chứ không biết sửa từ số nào sang số nào?

Không chỉ hồ sơ được sửa tinh vi khiến cho cán bộ “mờ mắt” không nhận ra để lấn chiếm đất, mà ông Thành “thật” này còn tính nới thêm vài mét ngang để khu đất của mình vươn thêm ra ngoài hệ thống cống, tăng thêm diện tích sử dụng nhưng bị “điểm chỉ” rồi buộc phải bỏ dang dở.
 

1
Vị trí lô đất nhà ông Thành nói lấn chiếm thêm nhưng chính quyền không biết. Ảnh: Nguyễn Giác

Với những gì được nêu trên, một bên được cho là “thành thật” lại có những hành vi “mờ ám” chỉnh sửa giấy tờ, lập khống để công nhận đất, qua mắt cả huyện để cơi nới mở rộng nhà; còn một bên hiến đất cho việc xây dựng cống thoát nước, tự bỏ tiền làm kè dẫn nước không để xói mòn, sạt lở đất cho gia đình và một số hộ dân lân cận thì được cho là vi phạm, buộc phải thu hồi đất, phá bỏ các công trình xây dựng được huyện gọi là trái phép. Vậy đây phải chăng đã là cách xử lý công bằng?

Ông Nguyễn Như Phi-Chủ tịch UBND phân giải: Có nhiều cách giải quyết, nếu ông Thành có nhà khác để ở thì tôi buộc phải đập chỗ đó, còn đây không còn mảnh đất cắm dùi (9,3 mét ngang, một lô bán xe máy, một bán nước giải khát và kinh doanh karaoke-P.V) thì Hội đồng cấp đất của huyện sẽ tính toán thu tiền đất chỗ này theo giá thị trường trong số 196 m2 dư ra. Chứ giờ đập thì họ ở chỗ nào. Còn với hộ bà Tuyết, nơi đã xây dựng nhà để xe không phải là nhà kiên cố, bà Tuyết có đến 23 mét đất mặt tiền, bà có rất nhiều đất ở. Nếu đập đất bà Tuyết vi phạm phải đập diện tích đất chiếm dụng của hộ ông Thành, vậy đó là cào bằng chứ không phải công bằng.

Không dừng lại ở việc lý giải trên mà ông Chủ tịch huyện Mang Yang liên tục nhấn mạnh về việc hộ bà Tuyết có nhiều đất, nhiều lô mặt đường. Mất chỗ để xe thì bà Tuyết vẫn còn nơi để xe. Ngoài ra, lãnh đạo huyện còn đưa ra cách xử lý người đã “lừa” cả hệ thống chính quyền với ý rằng: Chắc chắn huyện sẽ kiểm tra chỗ ông Thành nếu không có lô đất nào buộc phải để tồn tại, thu tiền sử dụng đất theo giá thị trường bởi vị trí nhà ông Thành đã xây dựng không ảnh hưởng đến dòng chảy… Tôi xử lý hướng này là mang tính nhân văn, đạo đức!?

Trong vụ việc này của huyện, từ cưỡng chế, cắt điện, xử phạt, thu hồi, buộc tháo dỡ công trình đã xây dựng đối với bà Tuyết, còn hộ ông Thành qua mặt chính quyền, lừa đảo các ngành chức năng mở rộng diện tích đất để rồi coi như chuyện đã rồi, cho thanh lý! Với cách xử lý trên của chính quyền huyện Mang Yang thật sự đã công tâm, hay bên xoa, bên đạp? Rất cần có sự giải quyết thấu đáo hơn của chính quyền và hàng xóm có thêm tình láng giềng điều này cũng đúng với lời ông cha đã nói “bán bà con xa, mua láng giềng gần”.
 

Điều 42. Xử phạt hành vi vi phạm các quy định về khai thác, sử dụng hệ thống thoát nước, khoản 4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với tổ chức, cá nhân có  một trong các hành vi sau đây:  … điểm d, Xây dựng các loại công trình trên bờ, trên mặt nước, dưới mặt nước trong khu vực bảo vệ an toàn hệ thống thoát nước trái quy định.

Nếu xét theo Điều 42 quy định trong Nghị định số 23/2009/ NĐ-CP ngày 27-2-2009 như trên thì việc gia đình bà Tuyết xây dựng bờ kè trên phần đất của mình là đúng và công trình xây dựng trên của bà Tuyết không tác động, khai thác hay sử dụng gì đến hệ thống thoát nước của công trình cống thoát của huyện xây dựng. Mặt khác, theo câu từ “khai thác, sử dụng hệ thống thoát nước” thì điều này có thể hiểu nếu hộ gia đình đặt hệ thống thoát nước vào cống thoát, hay sử dụng hệ thống cống này để tư lợi cho cá nhân. Còn với trường hợp của bà Tuyết, thay vì Nhà nước không đầu tư, xây dựng đường dẫn nước sau cống làm sạt lở đất, thì gia đình bà tự bỏ kinh phí với vài trăm triệu đồng để tạo dòng chảy thuận lợi ngang qua đất. Với những việc làm trên của gia đình bà Tuyết được cho là sai, vậy những căn cứ của các cấp chính quyền trong việc cưỡng chế, xử phạt, cắt điện… vậy phải chăng là đúng? mức phạt cuối khung trong quy định này là thế nào? Điều này rất cần sự xác minh cụ thể của các cấp có thẩm quyền theo như đơn khiếu nại của bà Tuyết.

Bên cạnh đó, về lô đất “thần” của ông Nguyễn Văn Thành và cách giải quyết theo “luật” của huyện được cho là “công bằng” thì những chuyện mà huyện dự định làm tiếp cho lô đất “nở” này là đúng hay sai? và sự công bằng này có hay không đối với công dân Huỳnh Thị Tuyết?

Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

Thầy Tô Ngọc Thanh với văn hóa dân gian Gia Lai-Kon Tum

(GLO)- Tôi gọi ông là thầy. Thật ra tôi chưa thật sự xứng đáng. Cả nước, những tiến sĩ đã từng học và được ông hướng dẫn làm các đề tài luận án mới được vinh dự gọi ông bằng thầy-một người thầy lớn trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa dân gian đồng bào các dân tộc Việt Nam.