Lâm Ðồng phát triển nền nông nghiệp hiện đại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lâm Ðồng là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ, tạo đột phá trong sản xuất, thúc đẩy nông nghiệp trở thành ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Trong thời gian tới, tỉnh Lâm Ðồng xác định tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất NNCNC hàng đầu cả nước.

Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng.
Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lan tỏa mạnh mẽ trên địa bàn tỉnh Lâm Ðồng.
Những nhà nông thế hệ mới
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên, đất đai và nguồn nhân lực, cách đây hơn 15 năm, tỉnh Lâm Ðồng xác định NNCNC là khâu đột phá để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ðánh giá thành tựu thời gian qua, Bí thư Tỉnh ủy Trần Ðức Quận khẳng định: Với phương châm "doanh nghiệp làm nòng cốt, ứng dụng khoa học - công nghệ là điều kiện tiên quyết để phát triển; xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu để bảo hộ quyền lợi người sản xuất và tạo niềm tin cho người tiêu dùng; nông dân đóng vai trò chủ thể và là nhân tố quyết định" đã khích lệ và tạo điều kiện cho nông dân ứng dụng khoa học - công nghệ, phát triển nông nghiệp và đã hình thành lớp "nông dân thế hệ mới" năng động, sáng tạo, làm giàu từ nông nghiệp.
Ðà Lạt những ngày cuối năm, tiết trời khá lạnh, nhưng không gian trong trang trại hoa lan YSA Orchid của anh Phan Thanh Sang lại khá ấm áp. Ðó là nhờ ứng dụng công nghệ cao với hệ thống nhà kính, nhà lưới cùng hệ thống điều hòa nhiệt độ, độ ẩm tự động cảm biến... Hiện anh Sang đang sở hữu ba khu trang trại trồng lan theo công nghệ cao tại TP Ðà Lạt, huyện Ðơn Dương (Lâm Ðồng) và tỉnh Ninh Thuận, với tổng diện tích hơn 10 ha, doanh thu hằng năm hơn 60 tỷ đồng. Phan Thanh Sang (36 tuổi), được xem là "thủ lĩnh" trong lớp thanh niên khởi nghiệp của tỉnh Lâm Ðồng, là một trong mười gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2015 và đang đảm nhiệm Chủ tịch Hiệp hội hoa Ðà Lạt, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Lâm Ðồng.
Ðể có được cơ ngơi như hôm nay, Sang đã phải cố gắng và nỗ lực rất nhiều. Năm 2007, tốt nghiệp đại học, anh Sang mạnh dạn vay vốn đầu tư phòng thí nghiệm lai tạo giống hoa lan. Khi chất lượng hoa lan đã được thị trường đánh giá cao, anh tiếp tục xây dựng thương hiệu YSA Orchid. Ðến nay, Phan Thanh Sang đã lai tạo hơn 300 giống lan các loại và YSA Orchid đã trở thành thương hiệu nổi tiếng trên thị trường trong nước và xuất khẩu. "Chúng tôi đang mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng phòng thí nghiệm chuyên lai tạo, nghiên cứu và bảo tồn các giống hoa lan quý. Sau khi phát triển ổn định, "phủ sóng" thị trường trong nước, YSA Orchid sẽ đẩy mạnh xuất khẩu, trước tiên là khu vực Ðông - Nam Á", anh Sang chia sẻ.
Lâm Ðồng đã và đang trở thành miền đất hứa với những người chọn khởi nghiệp bằng nghề nông, vươn lên làm giàu từ nông nghiệp. Cùng trang lứa với Phan Thanh Sang, thạc sĩ Nguyễn Ðức Huy, Giám đốc Hợp tác xã Thủy canh Việt (phường 9, TP Ðà Lạt), cũng là tấm gương khởi nghiệp đáng trân trọng. Trang trại của gia đình anh nằm bên sườn đồi, ngay cửa ngõ vào TP Ðà Lạt. Trong khu nhà kính hiện đại là những luống cà chua trĩu quả. Toàn bộ khu vườn không nhìn thấy đất, vì được phủ kín bằng màng chất dẻo, nước và chất dinh dưỡng được nhỏ giọt vào từng gốc cây. Huy cho biết: "Giờ tất cả các khâu tưới nước, bón phân đều được điều khiển tự động. Lao động chỉ việc nhặt lá, chăm sóc cây".
Năm 2013, Nguyễn Ðức Huy tốt nghiệp thạc sĩ sinh học thực vật tại TP Hồ Chí Minh và quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Anh nhận thấy lĩnh vực nông nghiệp ở Ðà Lạt đang là cơ hội để những người trẻ dấn thân. Con đường khởi nghiệp cũng lắm chông gai, qua bao lần thất bại vì sản xuất phụ thuộc quá lớn vào điều kiện tự nhiên. Huy quyết định viết phần mềm điều khiển riêng cho khu vườn của mình. "Hệ thống in-tơ-nét kết nối vạn vật (IoT) chỉ là một phần, quan trọng nhất hiện giờ là máy tự quyết định, dựa trên kho dữ liệu về thời tiết, độ ẩm, nhiệt độ, sinh trưởng của cây… Từ đó, phần mềm sẽ đánh giá, so sánh với dữ liệu hiện có để đưa ra quyết định. Hệ thống dựa trên dữ liệu để đưa ra dự đoán sự xuất hiện sâu bệnh và có thể phòng bệnh ngay từ đầu", Huy chia sẻ kinh nghiệm rút ra sau quá trình miệt mài nghiên cứu và thử nghiệm.
Với quyết tâm thay đổi diện mạo nông thôn, phát triển nền nông nghiệp toàn diện, hiện đại, thời gian qua, tỉnh Lâm Ðồng đã có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ nông dân đi "du học" mô hình kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất. Doanh nhân Nguyễn Hồng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại nông sản Phong Thúy (huyện Ðức Trọng) là một trong những trường hợp được đào tạo như thế. Chúng tôi từng tiếp cận trang trại của ông Phong với những sản phẩm công nghệ đã được ông "Việt hóa" từ công nghệ của Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa. Sau một thời gian "du học" những nơi này, nông dân Nguyễn Hồng Phong đã liên hệ, vận động nhiều nông hộ quanh vùng tham gia liên kết sản xuất, chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Mới đây, trở lại trang trại Phong Thúy, chúng tôi ngỡ ngàng trước những công nghệ, thiết bị nông nghiệp đang áp dụng tại đây. Ðến nay, Công ty Phong Thúy đã phát triển quy mô sản xuất rau VietGAP hơn 130 ha, trong đó 75 ha liên kết ổn định với 30 nông hộ, tổ hợp tác và hợp tác xã; doanh thu bình quân 800 triệu đồng/ha/năm.
Việc tiếp cận và từng bước làm chủ khoa học - công nghệ, thay đổi nếp nghĩ đến cách làm đã giúp hình thành một thế hệ nông dân kiểu mới trên cao nguyên Lâm Ðồng. Giờ đây, những chủ vườn như anh Phan Thanh Sang, Nguyễn Ðức Huy, ông Nguyễn Hồng Phong và hàng chục chủ trang trại, nhà nông khác đã ứng dụng IoT trong sản xuất, có thể yên tâm vừa ngồi uống cà-phê, vừa giao dịch khách hàng, xuất ngoại tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường và mở điện thoại thông minh để nắm thông tin của trang trại, như nhiệt độ, độ ẩm, dinh dưỡng, ánh sáng…
Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại
Qua thực tiễn tại Lâm Ðồng, có thể thấy, đầu tư phát triển NNCNC đã đem lại lợi nhuận lớn, hiệu quả kinh tế cao hơn sản xuất thông thường từ 30 đến 50%. Ðây là sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy làm kinh tế nông nghiệp của doanh nghiệp và nông dân, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và những hình mẫu sản xuất NNCNC tại địa phương. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Văn Châu cho biết, hằng năm, địa phương đều dành khoảng 80% kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học lĩnh vực nông nghiệp. 5 năm gần đây, tỉnh đã phê duyệt 11 chương trình, đề án hỗ trợ phát triển sản xuất, với tổng kinh phí 108 tỷ đồng; lồng ghép hơn 20.000 tỷ đồng nguồn vốn từ T.Ư và các chương trình dự án tài trợ, viện trợ để tạo nguồn lực phát triển nông nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cũng đã chủ động tìm hiểu, nhập khẩu, thử nghiệm và nhân rộng công nghệ hiện đại của các nước châu Âu, I-xra-en, Thái-lan, Nhật Bản...
Theo đánh giá của UBND tỉnh Lâm Ðồng, triển khai thực hiện hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 05 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại, năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh bình quân đạt 180 triệu đồng/ha; có 10 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp công nghệ cao và 165 chuỗi liên kết với 200 doanh nghiệp, hợp tác xã với 17 nghìn hộ dân. Ðến nay, diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Lâm Ðồng đạt hơn 60.000 ha, chiếm 20% diện tích canh tác; giá trị sản xuất bình quân đạt 400 triệu đồng/ha và chiếm 40% giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Diện tích ứng dụng công nghệ IoT trong canh tác cây trồng hơn 235 ha, nhiều mô hình đạt doanh thu hơn 3 tỷ đồng/ha/năm. Toàn tỉnh đã quy hoạch 18 vùng sản xuất NNCNC, tổng diện tích gần 4.000 ha; hình thành 51 cơ sở nuôi cấy mô, sản lượng 45 triệu cây giống các loại, phục vụ sản xuất và xuất khẩu; 21 nông sản được cấp nhãn hiệu.
Hiện Lâm Ðồng đang phối hợp với tổ chức JICA (Nhật Bản), thực hiện Dự án phát triển nông nghiệp theo hướng tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp; thiết lập quan hệ với 21 quốc gia, vùng lãnh thổ và 12 tổ chức quốc tế, sáu địa phương nước ngoài cùng triển khai các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp. Ðây là cơ hội để ngành nông nghiệp tỉnh tiếp tục "cất cánh" trong giai đoạn mới.
Theo tiến sĩ Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Ðồng, thời gian qua, địa phương đã triển khai ứng dụng nhiều công nghệ thông minh trong nông nghiệp, như công nghệ nhân giống invitro, IoT, đèn LED, công nghệ GIS thông minh quản lý và dự báo sâu bệnh, truy xuất nguồn gốc điện tử, sử dụng tinh phân biệt giới tính để phối giống bò sữa… nhằm tận dụng lợi thế, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, có thương hiệu và chất lượng cao. Nhiều trang trại tại Lâm Ðồng đã thiết kế đồng bộ, bảo đảm yêu cầu kỹ thuật về hệ thống cắt nắng, dinh dưỡng; ca-mê-ra ghi hình cây trồng, giám sát quy trình chăm sóc, phát triển của cây; hệ thống tự động phân tích dữ liệu môi trường, đưa ra cảnh báo… "Ứng dụng IoT là công nghệ cốt lõi, cần và đủ. Thực tế tại Lâm Ðồng cho thấy, hạ tầng cung ứng công nghệ và quản trị doanh nghiệp IoT đã được tiếp cận khá tốt. Ðây là cơ sở quan trọng để chúng ta trở thành một trong những quốc gia thành công trong nông nghiệp thông minh những năm tới", tiến sĩ Phạm S cho biết.
Trên cơ sở thành tựu đạt được, Lâm Ðồng định hướng tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng đa ngành, bền vững và hiện đại; là trung tâm nghiên cứu, sản xuất NNCNC tầm quốc gia và quốc tế. Trong đó, tập trung đẩy mạnh nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp thông minh. Mục tiêu đến năm 2025, toàn tỉnh có 25% diện tích ứng dụng công nghệ cao, trong đó có 600 ha nông nghiệp thông minh và 2.000 ha nông nghiệp hữu cơ; có 1.600 doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp, 500 hợp tác xã nông nghiệp; xây dựng 230 chuỗi liên kết với 35 nghìn nông hộ; đẩy mạnh chương trình OCOP, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản.
Bài và ảnh: MAI VĂN BẢO (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm