Nguồn vốn lớn giúp nông dân Gia Lai tái cơ cấu nông nghiệp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều cựu chiến binh, nông dân, phụ nữ đã có điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất, thực hiện thành công những mô hình kinh tế mới.
Có đất, có kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, nhưng lại thiếu vốn và khó tiếp cận các gói tín dụng. Đó là thực trạng của nhiều nông dân ở tỉnh Gia Lai. Tuy nhiên, từ khi các hội, đoàn thể tỉnh triển khai mô hình tổ vay vốn để tiếp cận những khoản vay lớn từ ngân hàng, rất nhiều cựu chiến binh, nông dân, phụ nữ đã có điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất, thực hiện thành công những mô hình kinh tế mới.
Năm 2017, thông qua tổ vay vốn của Hội cựu chiến binh huyện Chư Păh, Gia Lai, cựu chiến binh Đặng Thanh Vân (ở thị trấn Phú Hoà) mạnh dạn vay 800 triệu đồng để chuyển đổi một phần vườn cà phê sang trồng ổi, trồng xen nhiều loại cây ăn trái và đào mở rộng thêm 2 ao cá, xây dựng trại nuôi gà, nuôi heo, thực hiện mô hình vườn- ao – chuồng.

Nông dân Chư Păh tái canh cà phê.
Nông dân Chư Păh tái canh cà phê.
Tới nay 800 cây ổi của gia đình ông đã cho thu hoạch ổn định, hệ thống chuồng trại cũng phát huy hiệu quả khi giá heo và gà tăng cao. Năm nay, ông Đặng Thanh Vân tiếp tục gia hạn khoản vay để đầu tư củng cố mô hình kinh tế gia đình.
“Mấy năm gần đây nhờ chính sách của ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn cho vay nhiều nên tôi mạnh dạn đầu tư, đổ đường bê tông, chuồng trại nên chăn nuôi có hiệu quả, thu nhập tương đối ổn định”, ông Vân chia sẻ.
Ông Nguyễn Duy Cường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Chư Păh, Gia Lai cho biết, hiện nay, các hội viên cựu chiến binh của huyện tiếp cận nguồn vốn lớn từ ngân hàng thông qua hình thức tổ vay vốn. Không chỉ kết nối tốt với ngân hàng để có nguồn vốn lớn phục vụ nhu cầu mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế, tổ vay vốn còn gắn kết hỗ trợ các tổ viên sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay.

Theo ông Nguyễn Duy Cường, nhờ nguồn vốn 30 tỷ đồng từ ngân hàng mà nhiều cựu chiến binh ở huyện đã thực hiện thành công các mô hình kinh tế trang trại. “Do mức đầu tư ban đầu rất lớn nên các mô hình kinh tế cần có sự đồng hành của Ngân hàng và sự nỗ lực của hội viên cựu chiến binh. CLB cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi huyện Chư Păh hiện nay có những mô hình trang trại tốt theo hướng sinh học bền vững như sầu riêng, bơ, xen canh. Một số hội viên đang tiến tới phát triển mô hình trang trại phục vụ du lịch”, ông Cường chia sẻ.

Gia đình ông Vũ Hồng Duân tái cơ cấu đàn heo.
Gia đình ông Vũ Hồng Duân tái cơ cấu đàn heo.
Cùng với hội cựu chiến binh, hiện nay, hội nông dân và hội phụ nữ huyện Chư Păh cũng hỗ trợ hơn 1.900 hội viên thực hiện vay vốn tại ngân hàng với dư nợ hơn 183 tỷ đồng. Vay 800 triệu đồng từ ngân hàng thông qua tổ vay vốn Hội Nông dân, gia đình ông Vũ Hồng Duân (thôn 4, thị trấn Phú Hoà, Chư Păh) đã xây dựng được hệ thống trại lạnh và tái đàn thành công 500 con heo thịt.
Với trang trại thiết kế lưu thông không khí theo 1 chiều, được xử lý khử khuẩn, nhiệt độ trong trại luôn giữ ổn định cả ngày và đêm, ông đã nuôi gần 30 heo nái, tự cung cấp heo giống. Trong nửa năm trại heo đi vào hoạt động, gia đình ông Vũ Hồng Duân đã thu về lợi nhuận 1 tỷ đồng.
“Từ nguồn vốn vay 800 triệu đồng, gia đình đã quay vòng đầu tư trại lạnh, mô hình chăn nuôi khép kín, cứ heo nái đẻ giống, gia đình để lại nuôi xuất chuồng heo thịt. Năm nay gặp lúc heo được giá nên chỉ trong nửa năm gia đình đã xuất chuồng 250 con heo thịt, lợi nhuận bình quân đạt 4 triệu/con”, ông Duân cho hay.
Nguyễn Thảo/VOV-Tây Nguyên

Có thể bạn quan tâm