Lâm Đồng: Du khách phản ứng việc bán vé tham quan cây thông cô đơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Nhiều du khách tỏ ra bất ngờ, khó chịu khi lối vào “cây thông cô đơn”, địa điểm check in của giới trẻ bị một đơn vị lập chốt, thu tiền. Lý do đây là cảnh quan tự nhiên, không hề có sự đầu tư hay cung cấp dịch vụ du lịch nào.
Thu phí vào... rừng?
Từ Tết Nguyên Đán đến nay, nhiều du khách khi đến TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) tỏ ra khá bất ngờ và khó chịu khi phải mua vé tham quan địa điểm “cây thông cô đơn” (thuộc tiểu khu 112A, xã Lát, huyện Lạc Dương) để check in.
“Cây thông cô đơn” được xem là một nơi sống ảo của nhiều khách tham quan, nhất là các bạn trẻ khi đến Đà Lạt du lịch. Được biết địa điểm này do nhiều nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh phong cảnh tại Đà Lạt và TP.Hồ Chí Minh phát hiện hàng chục năm nay và trở nên nổi tiếng khi những bức ảnh được tung lên mạng xã hội.
"Cây thông cô đơn", một điểm check in được nhiều bạn trẻ quan tâm khi đến Đà Lạt. Ảnh: Văn Long.
Tuy nhiên Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà đã phối hợp với Công ty Cổ phần Dịch vụ Lâm An lập chốt chặn, thu phí tham quan với giá 40 ngàn đồng/người lớn và 20 ngàn đồng/trẻ em mỗi lần vào địa điểm này tham quan.
Đặc biệt, sau khi mua vé, tất cả du khách đều phải lựa chọn ngồi xe tự chế của đơn vị này hoặc đi bộ vào “cây thông cô đơn”. Theo ông Nguyễn Thanh Việt – Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Lâm An, yêu cầu khách tham quan để lại xe trên bãi, rồi di chuyển đến “cây thông cô đơn” nhằm tránh xả rác, đảm bảo an toàn cho du khách. Thế nhưng ông cũng thừa nhận rằng phương tiện xe vận chuyển hành khách của đơn vị chưa hề có đăng kiểm của cơ quan chức năng.
Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà đã phối hợp với Công ty Lâm An lập chốt, bán vé tham quan. Ảnh: Văn Long.
Nhóm du khách của bạn Văn Đình Khôi, đến từ TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Việc có đơn vị lập chốt bán vé tham quan vào “cây thông cô đơn” là khó chấp nhận được, đặc biệt địa điểm này là tự nhiên, họ không có sự đầu tư, cung cấp dịch vụ du lịch gì nên rất phi lý”.
Cùng quan điểm với Văn Đình Khôi, bạn Nguyễn Trường Giang bấm bụng mua chiếc vé khi vượt 300 cây số từ TP. Hồ Chí Minh lên nói: “Nếu đơn vị này thu phí tham quan thì họ phải đầu tư cảnh quan, tôn tạo, làm đẹp… cho địa điểm. Đằng này, “cây thông cô đơn” là một địa điểm tự nhiên mà họ lại rào cổng thu phí, tôi cảm thấy rất hụt hẫng và bất ngờ khi biết thông tin này”.
Lãnh đạo huyện Lạc Dương nói gì?
Làm việc với PV, ông Nguyễn Lương Minh – Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà cho biết, “cây thông cô đơn” thuộc địa phận của vườn nên việc đơn vị phối hợp với Công ty Lâm An bán vé thu tiền là hoàn toàn hợp lý. Bên cạnh đó, đơn vị đã kê khai cụ thể giá vé từ Sở Tài chính và Cục Thuế tỉnh.
Theo đó Công ty Lâm An sẽ nhận được 20% lợi nhuận từ việc bán vé và có trách nhiệm tổ chức các dịch vụ cắm trại, cung cấp nước uống, thức ăn khi khách có nhu cầu.
Chiếc vé tham quan địa điểm "cây thông cô đơn". Ảnh: Văn Long.
Bác bỏ khẳng định của ông Nguyễn Lương Minh, UBND huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) khẳng định địa điểm nói trên thuộc Khu du lịch quốc gia Đankia – Suối Vàng, nên “cây thông cô đơn” thuộc sự quản lý của UBND huyện Lạc Dương. Chính vì vậy, huyện không đồng ý việc Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà tổ chức các tuyến du lịch tại địa điểm trên.
Ông Lê Chí Quang Minh – Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết: “Đơn vị đã có thông báo số 113 ngày 23.1 đến Ban giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà về việc đề nghị dừng hoạt động du lịch tại khu vực trên. Tuy nhiên đến nay các đơn vị này vẫn tiếp tục hoạt động, vì vậy chúng tôi đã giao Phòng Văn hóa – Thông tin huyện kiểm tra cụ thể và có báo cáo trong thời gian tới”.
Nhiều du khách tỏ ra bất ngờ và khó chịu khi phải mua vé tham quan một địa điểm tự nhiên. Ảnh: Văn Long.
Ông Minh nhấn mạnh rằng, UBND huyện không hề có chủ trương đóng cửa rừng tại khu vực có “cây thông cô đơn”. Bên cạnh đó, huyện cũng ủng hộ các đơn vị khai thác du lịch, tuy nhiên phải có phương án, tạo ra sản phẩm cụ thể, đặc biệt phải có các đơn vị chức năng thẩm định.
Văn Long (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Nghề rèn của người Mạ

Nghề rèn của người Mạ

Đời sống của người Mạ luôn gắn với núi rừng, nương rẫy. Để đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất, các nghề thủ công truyền thống ra đời, trong đó có nghề rèn.