Gọi chim yến bay về thung lũng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi mặt trời dần khuất sau dãy núi Jú cũng là lúc hàng trăm cặp chim yến từ xa bay về chao liệng rồi chui vào trú ngụ trên tầng cao nhất của ngôi nhà. Âm thanh của đồng loại từ chiếc loa trên nóc nhà phát ra như gọi mời các “đôi uyên ương” nhà yến trở về tổ ấm quen thuộc của chúng ở phố thị Ayun Pa.

“Nhà chim yến” đầu tiên ở Tây Nguyên

Phải đến khi được tận mắt chứng kiến hàng trăm con chim yến chao liệng trên bầu trời rồi chui vào trú ngụ trong tầng cao nhất ngôi nhà của ông bà Toàn-Lan ở thị xã Ayun Pa thì tôi mới thật sự tin là ở Tây Nguyên vẫn nuôi được yến. Bởi từ lâu loài chim yến vốn sống ở đảo xa, trên các vách đá cheo leo. Chỉ một số vùng ven biển dọc Duyên hải miền Trung và Nam bộ là có người xây đảo nhân tạo hoặc làm nhà dẫn dụ chim yến về làm tổ. Đã có nhiều người kiếm tiền tỷ nhờ nuôi chim yến.

 

Ông Toàn trước căn nhà nuôi chim yến. Ảnh: Đức Phương
Ông Toàn trước căn nhà nuôi chim yến. Ảnh: Đức Phương

Loài chim yến sinh sống ở độ cao 500 mét trở xuống so với mặt nước biển. “Vậy mà ít ai nghĩ ở thị xã Ayun Pa với độ cao gần 600 mét so với mặt biển vẫn nuôi được chim yến. Từ năm 2010 trở về trước khắp vùng Tây Nguyên chưa có ai nuôi chim yến, mô hình của tôi là lần đầu tiên đấy!”-ông Toàn vui vẻ nói.

Cơ duyên với nghề nuôi chim Yến của ông Toàn chợt đến trong một lần tình cờ ghé vào tham quan nhà nuôi yến của người bạn ở TP. Hồ Chí Minh. Thấy cách làm hay, ông Toàn nghĩ ở thị xã Ayun Pa quê mình cũng có thể nuôi được yến. Thấy thế người bạn động viên ông và đích thân vận chuyển máy móc thiết bị lên Ayun Pa giúp phát âm thanh dò tìm nguồn chim yến. Sau nhiều ngày dò tìm khắp nơi ở thung lũng Ayun Pa mà không có kết quả, cuối cùng trong một buổi chiều chạng vạng khi dừng chân dưới những rặng dừa ở phường Đoàn Kết thì có được mấy cặp chim yến bay về chao liệng như đón chào.

Nhận tín hiệu vui lại sẵn có mảnh đất trống trong vườn nhà ở tổ 6, phường Đoàn Kết, ông Toàn bàn với vợ xây dựng ngôi nhà hai tầng rộng 5 mét, dài 20 mét, cao 14 mét để mời gọi yến về. Trên vách tường cao có chừa các lỗ nhỏ đủ chỗ cho 2 con chim yến bay vào cùng lúc và đặc biệt là lỗ không quá rộng để ngăn ngừa chim cú-một loài chim mà yến rất sợ, có thể chui vào. Nhà yến đáp ứng các yêu cầu về độ rộng rãi, thoáng mát, đủ độ cao để chim yến bay về chao liệng vài vòng trước khi chui vào tổ. Ông Toàn đặt mua các thiết bị phát âm thanh mời gọi chim yến từ nước ngoài gửi về để lắp ráp. Thêm hệ thống dẫn nước phun sương để giữ độ ẩm luôn đạt trên 85% là môi trường thích hợp với chim yến. Tháng 8-2010, ngôi nhà nuôi chim yến đầu tiên ở Tây Nguyên được hoàn thành đưa vào sử dụng với kinh phí trên 700 triệu đồng, có thể chứa được 4.000 cặp yến.

Thời gian đầu mới có được vài cặp yến về làm tổ trú ngụ. Nhưng 2 năm sau thì đã có hơn 500 cặp chim yến về định cư và đẻ được nhiều lứa yến non. Sẵn đà thuận lợi, vợi chồng ông Toàn mua thêm một căn nhà hai tầng cách đó gần 1 cây số rồi xây thêm tầng thượng để làm nhà nuôi yến, còn tầng dưới làm nơi ở, sinh hoạt của gia đình. Đến nay sau 5 năm, cả 2 nhà nuôi chim yến của ông Toàn đã có đến gần 1.000 cặp chim yến bay về trú ngụ, làm tổ.  
   
Thêm cơ hội thành tỷ phú

 

Tổ yến-“lộc trời ban” là thành quả mà ông Toàn hái được. Ảnh: Đức Phương
Tổ yến-“lộc trời ban” là thành quả mà ông Toàn hái được. Ảnh: Đức Phương

Đặc tính chim yến sống theo bầy nhưng lại có cặp, có đôi, rất thủy chung. Lũ chim đi kiếm ăn theo bầy nhưng đến tối bay về tổ thì mỗi cặp “vợ chồng” nhà yến lại ai về nhà nấy, không chung chạ với nhau. Một khi chim yến đã chọn nhà nào để làm tổ định cư thì gần như suốt đời chúng sẽ ở đó mà không chuyển đi nơi khác, kể cả khi con người lấy tổ của chúng đi thì chúng vẫn bay về đeo bám vào đúng vị trí đó để tiết nước bọt dựng nên tổ mới; ngoại trừ trường hợp môi trường sống bị ô nhiễm.    

Chim yến chỉ ăn các sinh vật phù du trên trời vì vậy nuôi chim yến không phải tiêu tốn thức ăn như các loài gia cầm khác. Chỉ cần tốn chi phí xây dựng nhà nuôi yến ban đầu, rồi sẽ thu hoạch tổ yến đến cả trăm năm sau.

Chim yến là loài rất siêng năng, cứ mỗi sáng khi bình minh ló dạng thì đàn yến bay đi tìm mồi và đến lúc mặt trời dần khuất sau dãy núi thì chúng lại bay về tổ. Bán kính kiếm ăn của chim thường trên 100 cây số, nhưng tối đến các đôi chim yến theo âm thanh tiếng nhạc phát ra vẫn biết đường bay về tổ ấm của mình.

Thường mỗi cặp “vợ chồng” nhà yến cứ sau 4 tháng thì đẻ được một lứa 2 trứng rồi thay nhau ấp nở thành yến con. Chim yến khi đã ra ràng sẽ chuyển ra ở riêng, chúng chọn cho mình một vách tường gần đấy để đu bám và làm tổ. Chừng 10 đến 12 tháng tuổi, chim yến trưởng thành sẽ tự chọn cho mình một bạn tình để chung sống đến trọn đời. Vì thế các nhà nuôi yến cũng không vội thu hoạch tổ yến trong vài năm đầu khi mới nuôi. Theo đà sinh nở mỗi năm ba lứa, đàn yến sẽ tăng lên rất nhanh. Khi đàn yến đã lên khoảng 3-4 ngàn cặp, việc khai thác tổ được đẩy nhanh, vừa kích thích chúng làm tổ, vừa hạn chế yến sinh nở.

Mô hình nhà yến của ông Toàn bước đầu đã cho thu hoạch, mỗi lạng chừng 10- 12 tổ yến bán giá hơn 2,5 triệu đồng. Tiếng lành đồn xa, gần đây đã có thêm nhiều người ở thung lũng Ayun Pa và các huyện Krông Pa, Kbang, thị xã An Khê… tìm đến ông Toàn để học hỏi cách nuôi chim yến. Như một duyên phận, hễ ai đến, ông Toàn cũng sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm và bí quyết của mình. Bởi như ông nói: “Sống xởi lởi thì trời mới cho. Nghề nuôi chim yến cũng như vớt lộc của trời vậy”.

Từ mô hình nuôi chim yến thành công đầu tiên của vợ chồng ông Toàn, đến nay, chỉ tính riêng ở thị xã Ayun Pa đã có 7 gia đình xây nhà nuôi chim yến. Nghề nuôi chim yến đang mở ra một cơ hội trở thành tỷ phú cho nhiều người có đam mê dõi theo cánh chim yến trong nắng ấm Xuân về. 

Đức Phương

Có thể bạn quan tâm