Ông lang già ở đông Trường Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- ở làng Đồng Tâm (xã Tơ Tung, huyện Kbang) có ông lang già Lưu Văn Bình-một người dân tộc Sán Dìu nổi danh suốt mấy chục năm qua khi chữa khỏi nhiều bệnh nan y từ phương thuốc nam bí truyền.

Từ tượng đài chiến thắng Đak Pơ rẽ vào đường Trường Sơn Đông huyền thoại, đi chừng 8 km nhìn về tay phải sẽ thấy một ngôi làng với nhiều nhà ngói đỏ nằm dựa lưng vào dãy núi Sân Bay. Nhà của thầy thuốc già ở trong ngôi làng dựa vào núi này. Ngôi nhà nhỏ khá giản dị, luôn thoảng hương thơm của dược liệu.

Chuyện từ chiến trường

 

Ở tuổi 79, ông Bình vẫn lên rừng tìm cây thuốc quý chữa bệnh cho mọi người và luôn sống lạc quan. Ảnh: Hoàng Ngọc
Ở tuổi 79, ông Bình vẫn lên rừng tìm cây thuốc quý chữa bệnh cho mọi người và luôn sống lạc quan.
Ảnh: Hoàng Ngọc

Không vội vã khi nói về những phương thuốc nam mà ông dùng để chữa bệnh cho hàng ngàn người suốt mấy chục năm qua, ông bắt đầu câu chuyện từ cái chân phải bị bắn nát xương trong một trận đánh: “Tôi cầm súng suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhưng đánh nhau nhiều nhất có lẽ là trên các chiến trường Tây Nguyên: đánh trận Plei Me lẫy lừng năm 1964-1965, đánh trận Buôn Ma Thuột năm 1968, đánh lớn trong trận Đak Tô-Tân Cảnh năm 1972… Trong trận đánh Đak Tô, tôi bị bắn nát xương ống chân phải, nhiều phần thịt hoại tử. Các bác sĩ nói tôi phải cưa chân mới giữ được tính mạng nhưng tôi xin được giữ lại phần thân thể của mình để tự chữa trị. Ngày ngày, anh em đồng đội cõng tôi vào rừng, tôi chỉ cây thuốc nào thì lấy cây ấy mang về, giã nát, sao nóng và bó vào phần chân gãy nát ấy. Sau đúng một tháng, tôi đi lại được. Tuy nhiên, phần bàn chân cong lại như lưỡi liềm do bị co gân. Anh em lại đưa tôi vào rừng, đào gốc cây thuốc về đun sôi, kiên trì ngâm hàng ngày cộng với xoa bóp, mất thêm một tháng nữa, bàn chân tôi đi lại hoàn toàn bình thường.

Cũng trong trận Đak Tô-Tân Cảnh, Trung đội trưởng của tôi là một người Thái Bình bị bắn gãy cả hai chân. Tôi phải lấy cây le nẹp chân cho anh ấy, vào rừng lấy một số loại lá về bó lại. Đúng 7 ngày sau chúng tôi mới đưa được anh về tiền phương. Các bác sĩ sau khi kiểm tra kỹ đều nhất trí không cần phải bó bột. Một tháng sau, chân anh bình phục hẳn”. Ông Bình cho biết thêm, trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, thiếu thốn thuốc men, ông đã cứu sống nhiều đồng đội chỉ bằng lá cây rừng, đặc biệt là chống nhiễm trùng cho vết thương hở, cầm máu, gãy xương. Bản thân ông 13 lần bị thương phần lớn do ông tự chữa thương bằng các loại lá, rễ cây rừng. “Ngày ấy toàn phải dùng ăng gô để đun thuốc chứ làm gì có nồi. Chúng tôi còn cho viên cồn vào nước đun sôi để nguội thay rượu để ngâm một số thuốc uống mới có tác dụng”-ông kể.

Học thuốc nhiều hơn học chữ

Ông Bình là hậu duệ trong gia đình theo nghề thuốc nổi tiếng ở vùng núi Hà Giang-Tuyên Quang. Ông cho biết: “Mẹ tôi là thầy thuốc rất giỏi và là đời thứ ba trong nhà được truyền nghề. Tôi theo chân bà lên núi nhận mặt cây thuốc từ nhỏ. Bà dẫn tôi đi khắp các vùng rừng núi chỉ rõ công dụng từng cây thuốc, cách ghép các loại cây thảo dược cho ra những bài thuốc chữa nhiều bệnh nan y”.

 

Phương thuốc dùng cho huyết áp cao được ông kiểm tra kỹ trước khi đóng gói gửi cho bệnh nhân. Ảnh: Hoàng Ngọc
Phương thuốc dùng cho huyết áp cao được ông kiểm tra kỹ trước khi đóng gói gửi cho bệnh nhân. Ảnh: Hoàng Ngọc

Sau giải phóng, ông Bình có nhiều thời gian rong ruổi ở khắp các cánh rừng Tây Nguyên tìm cây thuốc quý. Ông nhận xét: “Ngoài Bắc có bốn mùa rõ rệt nên cây thuốc trong các cánh rừng khá phong phú. Còn rừng Tây Nguyên chỉ có hai mùa nên cây thuốc ít hơn, nhưng có nhiều loại rất “hiểm”, có tác dụng chữa bệnh rất mạnh. Công dụng chữa bệnh của cây lá trên rừng đến nay vẫn bị nhiều người nghi ngờ. Nhưng trong đời tôi chữa cho hàng ngàn người ở khắp nơi trong nước rồi, họ chỉ tìm đến tôi để trả ơn chứ chưa thấy ai trách móc gì”.

Ở tuổi 79, mỗi lần lên rừng hái thuốc với ông Bình là một lần khó. Ông nói: “Tôi chỉ đi để nhận mặt cây thuốc, còn thuê từ 2 đến 5 người đi cùng để họ cõng thuốc xuống núi hoặc đào những cây mọc sâu trong đất. Tôi lấy thuốc ở nhiều nơi, từ Kon Chiêng, Kon Thụp (huyện Mang Yang), Kon Pne (huyện Kbang),  Hà Tây, Ia Ly (huyện Chư Pah) đến cả rừng Kon Tum, Đak Lak… Gặp trường hợp khẩn cấp, tôi đi về trong ngày. Còn mỗi chuyến đi rừng ít nhất kéo dài 5-7 ngày. Có chuyến đi mấy ngày trời không lấy được gì, có khi vừa tới nơi đã gặp nhiều cây quý mang về”.

Nhiều người được ông chữa khỏi bệnh nan y đã mách nhau tìm đến vị thầy thuốc già ở tận vùng rừng núi đông Trường Sơn này ngày một đông. “Tiếng lành đồn xa”, người của Hội đông y tỉnh đã khuyên ông nên gửi một số bài thuốc bí truyền kèm với các thủ tục cần thiết để Trung ương Hội xem xét cấp bằng chứng nhận nhưng ông từ chối. “Với trình độ học vấn lớp 2, việc lấy bằng cũng không để làm gì. Tôi học chữ thì ít mà học thuốc thì nhiều, học thuốc mà cứu được người cũng là cái phúc của mình”-ông bộc bạch.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm