Chư Pưh: Chăm lo phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Là huyện mới được thành lập, có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh của tỉnh với tuyến đường huyết mạch quốc lộ 14 chạy qua và là địa bàn của nhiều dân tộc anh em sinh sống, trong những năm qua, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn là mục tiêu quan trọng hàng đầu được các cấp, các ngành huyện Chư Pưh quan tâm.
 

  Một góc khu trung tâm hành chính huyện Chư Pưh. Ảnh: Hải Lê
Một góc khu trung tâm hành chính huyện Chư Pưh. Ảnh: Hải Lê

Huyện Chư Pưh hiện có 59 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số với 6.295 hộ và 37.421 nhân khẩu (chiếm hơn 54% dân số toàn huyện). Trong đó, dân tộc Jrai có 34.917 khẩu (chiếm 93,31%), Bahnar 900 khẩu (chiếm 2,4%), Tày 725 khẩu (chiếm 1,94%)… Thu nhập bình quân cuối năm 2013 đạt khoảng 15,87 triệu đồng/người/năm. Nhìn chung, đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số chiếm 86,71% tổng số hộ nghèo cả huyện. Trên cơ sở đó, huyện xác định đẩy mạnh phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ cấp bách và cần thiết, cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, làm cơ sở và tiền đề để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Từ khi thành lập huyện đến nay, các tầng lớp nhân dân trong huyện luôn đoàn kết, tập hợp chặt chẽ; đồng bào các dân tộc luôn nêu cao ý chí tự lực tự cường, vượt qua khó khăn thách thức, vươn lên đạt những thành tựu quan trọng trong sự nghiệp đổi mới của huyện nhà. Trong công tác xóa đói, giảm nghèo, huyện đã cho 4.620 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay với tổng dư nợ vốn vay đạt 61,296 tỷ đồng; cho vay 1.524 lượt học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo với tổng kinh phí 11,624 tỷ đồng. Ngoài ra, còn tổ chức đào tạo nghề ngắn hạn cho 259 học viên thuộc diện hộ nghèo, thực hiện chính sách miễn giảm học phí và các khoản đóng góp cho 2.413 em (kinh phí gần 1,750 tỷ đồng); hỗ trợ tiền điện cho 9.398 lượt hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 3,151 tỷ đồng… Nhờ có sự quan tâm hỗ trợ, tính đến cuối năm 2013, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 16,01%, giảm 14,88% so với năm 2010 khi thành lập huyện.

Song song với công tác xóa đói, giảm nghèo, các chương trình mục tiêu như: xây dựng nông thôn mới, công tác y tế, văn hóa, giáo dục… cũng được đặt biệt chú trọng. Cụ thể, đã có gần 143.631 lượt người dân tộc thiểu số đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế của huyện; thực hiện cấp 150.191 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (trong đó đồng bào dân tộc thiểu số 129.930 lượt thẻ, chiếm 86,51% số người nghèo). Về giáo dục-đào tạo, năm học 2013-2014 toàn huyện có 33 trường ở cả 4 cấp học với 637 lớp, 19.040 học sinh. Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện đã được thành lập và đi vào hoạt động với 211 em học sinh đang theo học. Con em đồng bào dân tộc thiểu số được huyện đặc biệt quan tâm, cử tuyển đi đào tạo ở các trường đại học, cao đẳng. Từ năm 2010 đến nay, huyện đã xét chọn và đề nghị 5 học sinh dân tộc thiểu số đi học đại học, cao đẳng; có 57.054 lượt học sinh, sinh viên được hỗ trợ miễn, giảm học phí theo Nghị định 49/2010 của Chính phủ…

 

Ảnh: Nguyễn Hồng
Ảnh: Nguyễn Hồng

Các chương trình: Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, già làng, trưởng thôn khó khăn, gia đình chính sách ở các xã khu vực II, III; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; chính sách cho vay vốn, nhà ở, đất sản xuất… đối với hộ dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn… được triển khai đồng bộ và kịp thời, góp phần tạo động lực cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, bà con nhân dân các dân tộc trong huyện cũng đã nêu cao tinh thần tự lực tự cường. Đến nay, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến tích cực: cơ cấu cây trồng vật nuôi chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, công tác tái định canh định cư gắn liền với tổ chức sản xuất bền vững cơ bản được giải quyết ổn định. Phong trào sản xuất giỏi ngày càng nhân rộng, công tác triển khai các chính sách hỗ trợ được thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ, xuất phát từ nhu cầu của người dân; công tác phối hợp, lồng ghép các nguồn lực trên một địa bàn được triển khai đồng bộ đã góp phần làm tăng thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống một cách đáng kể.

Trong thời gian đến, nhằm tiếp tục tạo động lực giúp đẩy mạnh kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển, tạo tiền đề giữ vững an ninh-chính trị địa phương, huyện sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản sau: Tiếp tục nâng cao nhận thức công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước; tăng cường công tác nắm tình hình để tham mưu, đề xuất, xử lý những vấn đề nảy sinh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phát huy tốt dân chủ ở cơ sở…; đẩy mạnh việc xây dựng và nhân rộng mô hình tiên tiến về phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện các chính sách dân tộc, chuyển giao khoa học vào sản xuất… Để làm được điều đó cần có sự quan tâm đầu tư của các cấp, các ngành trung ương và địa phương, đặc biệt là sự chung tay góp sức của toàn thể nhân dân các dân tộc trong huyện.

Lê Quang Thái
Phó Chủ tịch UBND huyện

Có thể bạn quan tâm