Tấm lòng người quản giáo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đại úy Nguyễn Anh Tuấn
Đại úy Nguyễn Anh Tuấn

Hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh- Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”,  những năm qua, cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh không ngừng phấn đấu, rèn luyện, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn cuộc sống yên bình cho nhân dân. Đại úy Nguyễn Anh Tuấn- Đội phó Trại tạm giam (Công an tỉnh Gia Lai) là một điển hình.

Sau khi tốt nghiệp Đại học, Nguyễn Anh Tuấn được phân công công tác tại đơn vị Cảnh sát Trại tạm giam (Công an tỉnh). 16 năm công tác ở đơn vị, 10 năm anh làm công tác quản giáo và luôn được đồng đội quý mến, lãnh đạo đơn vị tin tưởng.

Với nhiệm vụ Đội phó phụ trách khu vực kiên giam và trực tiếp quản lý khu giam giữ các đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, anh luôn xác định rõ đây là nhiệm vụ chính trị hết sức khó khăn và phức tạp. Mỗi bị can có một hoàn cảnh và lai lịch phạm tội khác nhau. Nhiều trường hợp khi mới vào trại các đối tượng thường tỏ thái độ lì  lợm, chống đối,  không hợp tác với cơ quan điều tra, tìm cách tự sát, không chấp hành nội quy trại tạm giam, có những đối tượng bị nhiễm HIV thường xuyên quậy phá, đe dọa truyền nhiễm HIV qua các bị can khác. Do vậy, khi tiếp nhận can phạm vào khu giam do mình phụ trách, anh tiến hành ngay việc bốn biết: Biết mặt, biết tên, biết lai lịch, biết quá trình phạm tội- để làm cơ sở cho việc phân loại và quản lý, giáo dục cho phù hợp với từng đối tượng cụ thể.

Theo anh: “Để cảm hóa những người vướng vào vòng lao lý, giúp họ nhận ra lỗi lầm, ngoài việc vận dụng tốt các biện pháp nghiệp vụ, đòi hỏi ở người quản giáo phải có tấm lòng chân thành, kiên trì, khéo léo…”.  Với suy nghĩ như vậy, nhiều đêm, anh và đồng đội phải thức trắng cùng với các tù nhân, đặc biệt là đối với các tử tù. Khi biết mình bị lãnh án tù chung thân hoặc tử hình, nhiều bị can rơi vào trạng thái tâm lý khủng hoảng, chán nản, bất cần đời, thậm chí la hét, quậy phá, chửi bới cán bộ. Nguyễn Anh Tuấn- với vai trò của một giáo viên tâm lý, một cán bộ gần gũi, để bị can có thể giãi bày tâm sự. Anh động viên, phân tích, hướng thiện cho họ, khơi gợi ở họ niềm khát khao được làm người lương thiện, sống có ích cho xã hội. Anh đã giúp nhiều can phạm nhận rõ hành vi vi phạm pháp luật của mình, lập công chuộc tội, khai báo thành khẩn với cơ quan điều tra về quá trình phạm tội của mình, chấp hành tốt nội quy trại giam.

Còn nhớ, tử tù Nguyễn Phúc Công (trú tại Bình Sơn- Quảng Ngãi) đã lãnh án tử hình vào năm 2007 về hành vi sát hại dã man chính người bạn của mình. Khi Tòa tuyên án tử hình, Công tỏ ra chán nản, bỏ ăn, tìm cách tự sát. Hẳn ai theo dõi vụ án của Nguyễn Phúc Công có lẽ sẽ không thể quên được những dòng chữ sám hối của một tử tù gửi cho gia đình trước giờ ra pháp trường. Và sau những dòng chữ ấy chính là sự tác động, giúp đỡ kiên trì, bền bỉ của những cán bộ quản giáo, trong đó có Đại úy Nguyễn Anh Tuấn.

Với những thành tích đã đạt được, nhiều năm liên tục, Đại úy Nguyễn Anh Tuấn được đồng đội tín nhiệm bình chọn chiến sĩ thi đua cơ sở, được đề nghị các cấp khen thưởng trong các hoạt động phong trào Đoàn và khen thưởng nhân dịp tổng kết 10 năm công tác tạm giam, tạm giữ. Mỗi ngày trôi qua, với công việc lặng thầm của mình, Nguyễn Anh Tuấn và những cán bộ chiến sĩ Công an làm công tác quản giáo đã góp phần cải tạo, giáo dục những đối tượng phạm tội biết hướng thiện trở về với cộng đồng.

Nay Ly Hương



Có thể bạn quan tâm