Kông Phum ngày ấy...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngay trước mặt trụ sở xã Lơ Ku (huyện Kbang, Gia Lai) là núi Phum, đồng bào Bahnar thường gọi là Kông Phum. Thời chiến tranh, nơi đây có khá nhiều câu chuyện lý thú.

 

Già làng Đinh Khiêm, ở làng Tơ Tưng, có một thời từng làm dân công và du kích ở xã Lơ Ku hoạt động ở vùng này. Tuy tuổi cao nhưng ông khá nhanh nhẹn, ông thuộc từng chi tiết của con đường mòn.

Theo chân ông đến nơi bộ đội đóng quân trước đây, đường đi dốc dựng ngược và sau vài ba lần nghỉ mới lên được bãi đất bằng. Nơi đây có nhiều suối cạn chạy quanh như những giao thông hào. Ông giới thiệu khu vực dân làng tản cư, lò rèn của cách mạng, nơi chiếu phim, doanh trại bộ đội, trạm xá, khu vực sản xuất... Hiện tại vẫn còn dấu tích của những căn hầm đã sập, một vài vỏ lon sữa bò cũ, tút đạn... Con suối Kơ Mir là nơi bộ đội lấy nước sinh hoạt. Ông Khiêm nhớ lại: “Tôi vào du kích từ năm 1964. Hồi đó, chuyển đạn giúp C2 đóng quân tại đây”.

Ông Nguyễn Kỳ, quê Quảng Ngãi, theo cách mạng tham gia làm dân công lò rèn. Ông phải lòng cô gái Bahnar và đã trở thành người dân của làng Drang. Ông Kỳ kể: “Hồi đó, có 20 công nhân ở tại Kông Phum, làm rèn để phục vụ cho dân, cho Huyện đội, Tỉnh đội và bộ đội C2. Phải đốt than ban đêm vì máy bay tuần tra đi liên tù tì, nó đánh liên tục. Có lúc đang đốt than phải bỏ chạy, rồi đốt trở lại mới có than kịp phục vụ cho dân, cho bộ đội. Chủ yếu là rèn cuốc xẻng, dao rựa phục vụ sản xuất nuôi quân và một số vũ khí thô sơ”.

Khu vực sản xuất của căn cứ rộng hàng chục ha, nay trở thành nương rẫy. Cũng từ nguồn lương thực này đã cung cấp cho bộ đội chiến đấu. Bộ đội đặc công C2 chuyên làm nhiệm vụ tấn công các điểm đóng quân và sân bay dã chiến của Mỹ-ngụy, nhằm làm rối loạn công tác chuẩn bị của chúng trong các đợt tiến công đường 19 hay Sân bay Tân Tạo của quân ta.

Ông Đinh A Ngoi, làng Tơ Pơng, hồi đó mới 12-13 tuổi, thường ra xem trực thăng. Ông kể, năm 1967-1968, trực thăng Mỹ đổ quân xuống, một là ở Ka Toi, hai là cánh đồng Lơ Vir. Chúng đóng chỗ Lơ Vir gần một tháng sau đó, nó truy lùng gắt gao bộ đội C2, lò rèn, bên suối Cọp để đánh nhau, sau đó rút gọi xe, trực thăng đến
chở đi.

Có những lần kế hoạch tác chiến chuẩn bị cho trận đánh của bộ đội C2 bị lộ, do khó khăn trong lúc hành quân không thể mang theo được tài liệu bí mật, buộc ta phải cất giấu bằng cách chôn sâu vào đất. Một bằng chứng là vào cuối năm 2007, trẻ chăn trâu đã tìm thấy 1 thùng đạn cạnh gốc cây bằng lăng, bên trong đựng toàn bộ hồ sơ trận đánh như bản đồ, sơ đồ, quyết định trận đánh của sở chỉ huy…

Kông Phum khá cao, mà địa hình hiểm trở, nhưng trên núi cao vẫn có suối, thành ra thuận tiện cho việc đóng quân của bộ đội ta và là nơi di tản của đồng bào lúc bấy giờ. Còn chuyện suối Kơ Mir sau này gọi là suối Cọp, vì nhiều người nhìn thấy vết chân cọp bên bờ suối, rồi những tay thợ săn đã từng lùng tìm, nhưng không lần nào gặp.

Xa xa trong mờ sương, Kông Phum hiện lên thật hùng vĩ.

Như Hướng

Có thể bạn quan tâm