Gặp lại những đồng đội một thời ở Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đầu giờ chiều ngày cuối tuần, tôi vừa giở tờ báo Gia Lai ra đọc thì chiếc điện thoại để trên bàn reo vang. Bật máy, tôi đã nghe tiếng nói quen thuộc: “Anh là Ngô Xuân Hòa, C3, quê ở nơi hơn một ngàn năm trước Lý Thường Kiệt đã lập phòng tuyến sông Như Nguyệt tiêu diệt quân xâm lược nhà Tống đây! Có phải Tấn, bổ sung vào tiểu đoàn ở Nam Lào? Anh vừa được Xuân báo tin nên gọi em ngay!”.

Anh Hòa ở Đại đội 3, đã hơn 40 năm nhưng tôi vẫn nhớ. Anh người to khỏe, linh hoạt và vui tính. Anh là thế hệ trước của tôi, nhập ngũ tháng 3-1967. Anh đã tham gia hàng chục trận đánh quyết liệt với quân Mỹ ở chiến trường Bắc Quảng Trị trong chiến dịch Tết Mậu Thân; tiếp đó là ở Cam Lộ, Gio Linh; rồi cùng đơn vị tham gia Chiến dịch Đường 9-Nam Lào… Trong chiến dịch Xuân-Hè 1972 ở Tây Nguyên, có một trận đánh mà anh không thể quên: Sáng 8-6-1972, tại Nghĩa Trang (Bắc thị xã Kon Tum), trung đội của anh khống chế máy bay và chi viện cho các chiến sĩ Tiểu đoàn 4 (Trung đoàn 52) đánh lui nhiều đợt tấn công của địch thì bị lộ.

 

Ông Ngô Xuân Hòa (mặc quân phục đứng giữa) cùng đồng đội trong buổi họp mặt mừng 42 năm chiến thắng 30-4 (Ảnh do nhân vật cung cấp).
Ông Ngô Xuân Hòa (mặc quân phục đứng giữa) cùng đồng đội trong buổi họp mặt mừng 42 năm chiến thắng 30-4 (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Địch cho máy bay ném bom dữ dội vào trận địa, cả hai khẩu 12,7 mm đều bị vùi lấp, sau đó bộ binh địch hò hét xông lên. Trung đội trưởng Trương Chấn và Trung đội phó Vi Văn Báo dùng súng AK và phóng lựu cùng bộ đội chiến đấu với địch. Ở vị trí  của mình, anh đang nép bên một mộ xây dùng AK bắn về phía địch thì một quả M79 của địch nổ phía trước, mảnh găm khắp người, máu xối ra ướt đẫm quần áo... Sau khi chuyển về Gia Lai, đơn vị được củng cố, anh lại cùng đơn vị chiến đấu tiêu diệt địch ở Đồn Tầm, Chư Bồ, Đức Cơ trên đường 19 Tây, ở Mỹ Thạch, Phú Nhơn trên đường 14. Do bị thương, nhiều lần sốt rét, chiến đấu liên tục trong điều kiện ăn uống kham khổ nên sức khỏe giảm sút nghiêm trọng. Cuối năm 1974, anh được về hậu phương.

Bây giờ gặp lại anh, tôi liền hỏi: “Từ ngày về, đời sống ra sao?”. “Hồi đó ra Bắc, sau khi được điều trị, an dưỡng, sức khỏe hồi phục, anh được giải quyết về mất sức. Rồi lấy vợ, lần lượt sinh được 4 đứa con. Những năm đầu phải làm lụng vất vả để nuôi các con, quá cực nhọc, dần rồi cũng qua. Bây giờ, các cháu đều đã trưởng thành; riêng anh, cả ba chế độ thương binh, mất sức và nhiễm chất độc da cam được gần 3 triệu đồng/tháng nên cũng tạm ổn!”. “Cuộc sống vất vả thế sao anh vẫn sáng tác được thơ?”-Tôi đùa vui. “Đúng là vất vả nhưng so sao được với những gian khổ ác liệt trong chiến đấu mà mình đã trải qua. Chính những năm tháng không thể nào quên ấy là động lực tinh thần cổ vũ mình vươn lên trong cuộc sống và là nguồn cảm hứng để anh viết lên những vần thơ về tình đồng đội, về cuộc sống”-anh bảo. Đến nay, anh đã sáng tác được gần 200 bài thơ. Anh dự định, sang năm tròn tuổi chúc thọ 70, sẽ in tập thơ “Một thời để nhớ!”. Rồi anh thông báo: “Hán ở Thái Bình; Gồm, Xuân, Phòng, Trọng ở Hưng Yên; những anh em đồng ngũ quê Kinh Bắc với anh đều khỏe cả, riêng Nhưng bị nhiễm chất độc da cam. À, anh Đản bị ung thư đã mất năm 2014 rồi!”.

Những đồng đội anh vừa nhắc tôi đều biết, trong đó Gồm, Xuân, Phòng, Trọng cùng nhập ngũ với tôi đã phục viên cuối năm 1975. Anh Nhưng với tôi thì đã có hơn 6 tháng cùng ở Khẩu đội 5 (Đại đội 2), cùng tham gia Chiến dịch Đường 9-Nam Lào; sau chuyển về Bắc Quảng Trị phục kích đánh máy bay địch ở Nguồn Rào, rồi tham gia tiến công tiêu diệt địch trên đồi Động Tri và căn cứ Ba Hồ. Cuối tháng 8-1971, Tiểu đoàn rút ra Hà Tĩnh củng cố, tôi được về Đại đội 1 mới xa anh. Giờ hoàn cảnh anh thế, tôi thấy nhói trong tim. Tôi đặc biệt xúc động khi nghe tin anh Đản đã mất. Anh là Đại đội phó của tôi từ Hà Tĩnh cho đến những ngày đầu chiến dịch Xuân-Hè 1972 ở Tây Nguyên. Sau trận đánh 1049, anh được bổ nhiệm thay thế Đại đội trưởng Đỗ Văn Bảy hy sinh. Anh đã chỉ huy chúng tôi đánh nhiều trận ác liệt ở Võ Định, Đồi Tròn, Trung Nghĩa, thị xã Kon Tum; ở đường 19 Tây, đường 14, Chư Nghé, đường 5a (Gia Lai).

Sau 1975, anh đi bổ túc ở Học viện Lục quân rồi về Quân khu 1. Trước khi nghỉ hưu năm 1988, anh là Trung tá, Phó ban Tác chiến Sư đoàn 337 (Quân đoàn 14). Năm 1997, nhân chuyến công tác ở Hà Nội, tôi đã lên thăm gia đình anh ở thôn Mai Ổ, xã Mộ Đạo (huyện Quế Võ). Bây giờ nghe tin anh mất vì bạo bệnh, khóe mắt tôi cay xè và hình ảnh người chỉ huy xông xáo quả cảm năm xưa lại hiện về trong ký ức.

Còn anh Hán (quê ở xã Nam Chính, Tiền Hải, Thái Bình) là Trung đội trưởng của tôi từ cuối năm 1973 cho đến hết Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tôi còn nhớ, Tết Dương lịch 1974, địch cho trực thăng đổ một toán thám báo xuống Chư Nghé cắm cờ, sau đó loan tin “đã đánh lui một lực lượng lớn của Việt Cộng và tái chiếm được căn cứ Lệ Minh”.

Đã biết rõ trò lừa bịp của địch, song đề phòng địch làm thật, cấp trên đã điều đại đội tôi đến Chư Nghé sẵn sàng đánh địch đổ bộ. Mờ sáng hôm sau, chúng tôi thấy lá cờ vàng ba sọc đỏ treo trên cột cờ ở khu trận địa pháo cũ, phía trái đường băng sân bay Sùng Thiện. Sau khi kiểm tra không thấy dấu vết gì của địch, chỉ huy đại đội giao cho Trung đội 1 tổ chức lên hạ cờ địch. Trung đội trưởng Hán liền nói tôi tổ chức thực hiện. Tôi chuẩn bị dẫn anh em đi thì anh lại bảo tôi ở lại, để anh đi. Tính anh vẫn thế, khi có nhiệm vụ khó khăn, anh thường cân nhắc rất kỹ. Rồi anh trực tiếp dẫn 3 chiến sĩ nhanh chóng tiến về phía cột cờ. Còn cách khoảng 10 mét, anh ra hiệu cho các chiến sĩ tản ra rồi thận trọng đi lên quan sát và phát hiện thấy 3 quả lựu đạn mỏ vịt Mỹ loại nổ tức thì gài quanh chân cột. Anh lần lượt vô hiệu hóa từng quả lựu đạn địch rồi mới vẫy các chiến sĩ lên tập trung rút chốt hãm làm cho cây cột cờ bằng ống thép đổ kềnh xuống sân, thu cờ địch rồi rút nhanh về trận địa. Sau Chiến dịch Hồ Chí Minh, anh được bổ nhiệm Chính trị viên phó đại đội. Hơn 2 năm sau thì anh ra quân…

Bây giờ nghe anh Hòa nhắc tới, tôi rất nhớ anh. Qua Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Tiền Hải, tôi có số máy của anh Đài-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Nam Chính. Nghe tôi trình bày, anh Đài nói ngay “Phạm Văn Hán-Trung úy, phục viên phải không?”. Tôi gọi nhưng anh không nhận ra: Tôi nhắc lại kỷ niệm những ngày cùng anh ở chiến trường Tây Nguyên. Bấy giờ, anh mới reo lên: “Nhớ ra rồi. Nhớ rồi, Tấn A1!”. Tôi hỏi: “Anh về chế độ gì, từ ngày về cuộc sống ra sao?”. “Chẳng được gì hết, bết lắm. Thì hồi đó đơn vị ở Dục Mỹ, mình được đưa lên Viện Quân y 211 ở Nha Trang giám định nhưng không đủ điều kiện mất sức. Một đại úy của Phòng Cán bộ Quân đoàn giải thích, quân đội đang cần giảm biên chế, các đồng chí sức khỏe không còn đáp ứng; thế là tháng 7-1977 về phục viên. Không có lương nên vất vả lắm. Nhờ trời cho sức khỏe nên cũng tàm tạm”.

Chưa hỏi được tình hình gia đình anh thì máy hết tiền. Trưa hôm sau, anh gọi lại cho tôi. Anh rất vui nhắc lại những kỷ niệm với tôi trong chiến đấu, kể về những ngày đầu về quê vất vả kiếm gạo nuôi con, rồi cho biết tình hình một số đồng đội cùng nhập ngũ với anh ở đây, trong đó “Mai Xuân Thảnh, Trần Quang Duy được hưởng chế độ nhiễm chất độc da cam, riêng Duy hưởng thêm chế độ 15 năm!”. Anh Thảnh là Trung đội trưởng của tôi từ khi đơn vị chuyển về Gia Lai đến sau ngày Hiệp định Paris được ký kết. Qua chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp bạn Campuchia anh phát triển lên cán bộ đại đội; năm 1981 đang là Trợ lý Cao xạ Trung đoàn 48 thì anh phục viên. Anh Duy thì tháng 11-1974 từ Đại đội 2 được điều sang làm Đại đội trưởng thay thế anh Đản lên Tiểu đoàn phó, từ đó đến hết Chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi được chiến đấu dưới quyền chỉ huy của anh. Sau này vào đầu năm 1983 anh là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 16, tôi lại được về làm phó cho anh. Cuối năm sau tôi được rút lại Ban Tổ chức, anh lên Ban Cao xạ Sư đoàn một thời gian thì nghỉ “một cục”.  

*
Tôi vừa hoàn thành bài viết này thì anh Hòa gọi điện thông báo: “Anh và Trọng vừa đưa Phòng ra Cục Chính sách (Bộ Quốc phòng) đề nghị giải quyết việc bị cắt chế độ mất sức vào  năm 1982”. Dừng một lát, giọng anh chùng xuống: “Tuổi đã cao, sức đã yếu, một số anh em còn bệnh tật, chúng mình tự tìm đến với nhau để sẻ chia, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Chúng mình thường nhắc nhủ nhau, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải sống đàng hoàng để xứng đáng với những đồng đội đã hy sinh vì Tổ quốc”.

Hùng Tấn

Có thể bạn quan tâm

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.
Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Một lần 'chạm' Angkor (bài 1)

Chuyến đi 4 ngày đến đất nước chùa tháp Campuchia tuy ngắn ngủi nhưng đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên, nhất là trải nghiệm chạy bộ giữa kỳ quan thế giới – Công viên khảo cổ Angkor tại tỉnh Siem Reap.
Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

Nhớ một “công việc quan trọng” thời kháng chiến

(GLO)- Thượng tuần tháng 3 vừa qua, trong lần về thị xã An Khê gặp chị Văn Thị Ngọc-người đảng viên hoạt động trong lòng địch, nghe chị kể chuyện những lần chị bí mật rải truyền đơn, dán áp phích có nội dung chống chế độ Mỹ-ngụy trong thị trấn An Khê ngày trước, bao ký ức lại ùa về trong tôi.