Về Krong: Lần nào cũng… tâm trạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bok Đinh Danh hướng dẫn đoàn vào Khu di tích căn cứ Krong, vừa đi vừa hỏi chuyện, hành trình ngắn lại rất nhiều.
 

Ảnh: Thất Sơn
Ảnh: Thất Sơn

Sinh ở làng Klech, theo cách mạng từ rất sớm, trước khi chiến tranh kết thúc, bok Danh là Tiểu đội trưởng du kích xã. Hiện ông là Bí thư chi bộ làng Cheng.

Để đến khu căn cứ, chúng tôi phải lội qua suối Kbưng và đi thêm vài trăm mét nữa. Rừng già hãy còn (khu căn cứ nằm trong vùng rừng nguyên sinh Kon Ka Kinh), nhưng khoảng cách từ suối lên và khoảnh rừng phía trên thì đã thành nương rẫy. Bia di tích lọt thỏm giữa rừng già, đối diện là hàng ghế dã chiến bằng cây rừng. “Di tích căn cứ cách mạng khu 10 xã Krong (cơ quan Tỉnh ủy Gia Lai từ năm 1972-1975), cách UBND xã 9 km”)-dòng chữ quá ngắn gọn trong khi niềm xúc động của người từ xa đến mỗi lúc dâng lên. Ụ đất nằm sát bên cạnh bia là hầm trú ẩn của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn  Bình (Đinh Danh gọi là hầm ông Đẳng) vẫn còn đó.

Krong là hậu phương vững chắc, chở che, nuôi giấu cán bộ của tỉnh, quân khu, Trung ương và phục vụ kháng chiến. Tiếng phổ thông lưu loát, ý tứ mạch lạc, bok Danh dần đưa mọi người trở về với quá khứ gian khổ nhưng hào hùng thuở nào. Dẫu là lán trại tạm thời và thiếu thốn trăm bề nhưng xa đồn bót địch, được nhân dân nuôi dưỡng, bảo bọc nên căn cứ là nơi an toàn tuyệt đối, giúp các đồng chí lãnh đạo an tâm hoạt động, có nhiều quyết sách quan trọng góp phần đưa cuộc kháng chiến của Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà đi đến thành công.

Là xã có nhiều đóng góp trong chiến tranh, vì vậy Krong được các cấp, các ngành dành nhiều sự quan tâm giúp đỡ, hỗ trợ. Cơ sở hạ tầng, bộ mặt trung tâm xã đã thay đổi đáng kể. Trước sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, đặc biệt với ý nghĩa tri ân vùng căn cứ kháng chiến, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải hỗ trợ kinh phí 30 tỷ đồng xây dựng con đường nối từ đường Đông Trường Sơn vào Krong (10 km). Giờ đây khi đến Krong, hẳn ai cũng cảm nhận đầy đủ giá trị của con đường an toàn, đảm bảo giao thông 2 mùa mưa nắng, giúp bà con dễ dàng đi lại, giao lưu văn hóa, vận chuyển hàng hóa, vật tư.

 

Ảnh: Thất Sơn
Ảnh: Thất Sơn

Tỉnh ủy cũng đã có nghị quyết tập trung phát triển các vùng đặc biệt khó khăn, vùng căn cứ và với Kbang thì có xã Krong. Sau đó, hàng loạt vấn đề đã được các cấp, các ngành của tỉnh tích cực triển khai: điều tra, khảo sát, lập quy hoạch, lên kế hoạch, hình thành đề án, chỉ đạo và phối hợp, huy động nguồn lực... Nhiều chương trình về nguồn, hướng về chiến trường xưa, tri ân vùng đất anh hùng triển khai, đem đến cho vùng đất năm xưa một tinh thần mới, khí thế mới. Giờ đây, các làng trong xã đã có điện, tỷ lệ hộ sử dụng điện chiếm 98%, 394 hộ của 21 làng dân tộc thiểu số định cư ổn định, số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh chiếm 84%. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới đang được tích cực triển khai, hứa hẹn nhiều kết quả khả quan.

Nhưng vấn đề căn cơ là nâng cao đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân thì vẫn là bài toán khó. Nổi lên là nền sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào thiên nhiên may rủi. Tình trạng xâm hại tài nguyên rừng có khi diễn biến phức tạp. Các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trên địa bàn hiệu quả hạn chế, chưa thực sự bền vững. Xã còn có hơn 60% hộ nghèo.

Thất Sơn

Có thể bạn quan tâm

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài 8: Đồi A1 - bùn, máu và hoa

Ngọn đồi A1 giờ đã ngủ yên dưới tán lá xanh ngát của những cây nhãn, vải, tếch, phượng đỏ, tùng, thông, đa, tre… và điểm xuyết thêm màu trắng tinh khôi của hoa ban. Du khách đến đây, ai cũng dừng lại hồi lâu trước dòng chữ “A1: bùn - máu và hoa” được đặt trang trọng trên đỉnh đồi.