Kẻ chủ mưu vẫn ngoài vòng pháp luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù trong quá trình điều tra bị can luôn kêu oan nhưng vẫn không được chấp nhận, cho đến phiên tòa sơ thẩm kẻ chủ mưu phá rừng mới dần lộ diện. Song, có sự tiếp tay cho đối tượng chủ mưu trong vụ án hay không đang chờ câu trả lời của cơ quan chức năng.

Người làm thuê kêu oan

Theo kết luận của Cơ quan Điều tra Công an huyện Chư Prông và cáo trạng truy tố của Viện Kiểm sát Nhân dân huyện thì trong hai ngày (7 và 8-8-2011), Nông Văn Quảng (SN 1990, thường trú tại thôn Đồng Tâm, xã Ia Ga, huyện Chư Prông) đến nhà Nguyễn Đông Duy (SN 1973, trú tại làng Khôi, xã Ia Ga, huyện Chư Prông) mượn cưa máy rồi đến khu vực khoảnh 2 và 3 của tiểu khu 952 thuộc rừng sản xuất xã Ia Ga, huyện Chư Prông thực hiện hành vi cắt cây rừng để lấy đất sản xuất.

 

Thẩm phán Lê Khả Thế trao đổi với tác giả. Ảnh: Phương Dung
Thẩm phán Lê Khả Thế trao đổi với tác giả. Ảnh: Phương Dung

Tổng diện tích rừng bị Quảng triệt hạ này là 1,4 ha. Tiếp đến, trong 2 ngày (16 và 17-8-2011), Quảng thuê Chu Văn Hoan (SN 1979, trú tại thôn Thống Nhất, xã Ia Ga, huyện Chư Prông) là anh bà con bên vợ của Quảng, tiếp tục vào các tiểu khu trên để cắt hạ cây rừng. Hoan có nhiệm vụ nấu cơm và xách xăng, nhớt giúp Quảng cắt hạ cây rừng. Tiền thuê ngày công là 150.000 đồng. Tuy nhiên, trưa 17-8-2011, khi đang cắt hạ cây rừng thì Quảng và Hoan bị lực lượng Kiểm lâm huyện bắt quả tang. Tổng diện tích rừng bị Quảng cưa hạ cây trong 2 ngày (16 và 17-8-2011) là 0,7 ha.

Theo kết quả khám nghiệm hiện trường của cơ quan chuyên môn về hành vi Quảng hủy hoại rừng trong 4 ngày kể trên là 21.000 m2. Tổng cộng có 96 gốc cây bị cưa hạ gồm: Dầu, cà chít, chiêu liêu, bằng lăng, châm… với đường kính mặt cắt của thân cây từ 13 cm đến 45 cm; sản lượng gỗ được xác định thiệt hại là 13,337 m3 và 1,62 ster củi. Số lượng gỗ và củi định giá thành tiền gần 18 triệu đồng.

Tuy nhiên, ngay từ giai đoạn điều tra, Nông Văn Quảng liên tục kêu oan và cho rằng mình được ông Nguyễn Đông Duy thuê vào các tiểu khu để cưa cây rừng với tiền công mỗi ngày 500.000 đồng nhưng vẫn không được Cơ quan Điều tra chấp nhận. Từ đó Nông Văn Quảng bị truy tố về tội hủy hoại rừng với khung hình phạt từ 7 đến 15 năm tù. Đồng phạm Chu Văn Hoan bị truy tố cùng tội danh có khung hình phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 5 năm.

Kẻ chủ mưu bỏ trốn

Do Nông Văn Quảng và Chu Văn Hoan bị truy tố oan nên bà Bế Thị Xuân và chị Nông Thị Hoài (mẹ và vợ bị cáo Quảng) đến nhà ông Nguyễn Đông Duy điều đình, thì ông Duy nói cứ để Quảng chấp nhận đi tù còn vợ con ở nhà ông sẽ chu cấp. Ông Duy còn yêu cầu là gia đình Quảng hãy hợp thức hóa việc phá rừng lấy đất làm rẫy bằng cách viết giấy tay bán đất rừng thì sẽ nhận thêm 100 triệu đồng.

Ngày 30-5, trao đổi với chúng tôi, thẩm phán Lê Khả Thế-Chủ tọa phiên tòa cho biết: “Ngày 4-5, Tòa án Nhân dân huyện Chư Prông mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với Nông Văn Quảng và Chu Văn Hoan về hành vi “Hủy hoại rừng”. Tại phiên tòa, ông Nguyễn Đông Duy cũng được triệu tập đến. Trong quá trình xét hỏi mẹ của bị cáo Nông Văn Quảng là bà Bế Thị Xuân đã cung cấp cho Hội đồng xét xử cuộn băng ghi âm để chứng minh ông Nguyễn Đông Duy là người chủ mưu phá rừng.

Cuộc trao đổi giữa bà Bế Thị Xuân và chị Nông Thị Hoài với ông Nguyễn Đông Duy được công bố ngay tại phiên tòa. Thấy đây là tình tiết mới cần phải được làm rõ nên Hội đồng xét xử buộc phải hoãn phiên tòa và trả hồ sơ để Cơ quan Điều tra làm rõ”.

Cũng trong ngày 30-5, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Chư Prông Trần Văn Tấn, khẳng định hồ sơ được chuyển đến Cơ quan Điều tra Công an huyện Chư Prông ngay hôm sau phiên tòa để trưng cầu lọc âm, giám định giọng nói, nội dung cuộc ngã giá.

Khi có thông tin Nguyễn Đông Duy đã bỏ trốn khỏi địa phương, chúng tôi đăng ký làm việc với lãnh đạo Công an huyện Chư Prông nhưng bị từ chối. Trong khi đó, sau phiên tòa bị hoãn, gia đình bà Bế Thị Xuân liên tục nhận những tin nhắn qua điện thoại di động với lời đe dọa xử theo xã hội đen nếu không rút đơn!

Văn Nhung-Phương Dung

Trích đoạn ghi âm
 

Chị Hoài: Ngày mốt (tức ngày 4-5-N.V) anh Quảng ảnh ra tòa. Ảnh làm cho anh 4 ngày công, anh mới trả 1 triệu (đồng), còn một triệu. Bây giờ em kẹt quá không có tiền mua sữa cho con. Em xuống anh xin lấy thêm một ít. Anh Quảng đi (tù) không biết ngày nào mới về… Trước ảnh đi làm thuê cho anh bây giờ không có bằng chứng nào nên ảnh phải nhận tội thay cho anh. Tội 8 đến 10 năm, thời gian dài quá em một mình không nuôi con nổi.


Ông Duy: Giờ tội cũng đã rồi. Nếu thằng Quảng nó lanh (lẹ) nghe lời anh, ngay tối hôm đó anh đã bảo nó đi (trốn) đi nhưng cả nhà cứ níu kéo bảo nó ở nhà ảnh hưởng thế này thế khác. Đó là một cái lỗi lầm. Như anh M. ở xã bắt diện tích còn lớn hơn mình nhưng hắn bỏ đi ngay để vợ ở nhà lo lắng. 1 tháng sau ảnh về giờ làm gần 20 ha. Thấy chưa!


Chị Hoài: Vì em không biết. Em cứ nghĩ mình trốn thì họ xuống nhà truy tìm.


Ông Duy: Thôi sự việc cũng đã rồi. Ngày kia (4-5) để tòa xử xong xuôi rồi anh nói chuyện với em… Mỗi năm anh sẽ bớt ra phụ 10-15 triệu cho các cháu. Nhưng vợ chồng em lại đối đầu với anh. Đúng ra người ta bắt người ngay ngày hôm đó nhưng người ta để cho mình một con đường thênh thang rộng mở nhưng mình lại chui vào chỗ hẹp (tức không bỏ trốn-N.V).


Chị Hoài: Đấy là anh không giải thích rõ cho bọn em.


Ông Duy: Nó cũng không nghe, em cũng không nghe thì anh chịu chết chứ sao. Nếu như ngay ngày hôm đó chứ một hai ngày hôm sau là không có hiệu quả. Thôi bây giờ cứ ra tòa. Với tội này, ví như xử 8 năm thì đi 4 năm là cùng. Lý do tội này giảm án rất là nhiều.

.

Trích doạn ghi âm

Có thể bạn quan tâm

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

(GLO)- Thời gian qua, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả, kịp thời hóa giải nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, từ đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.