Gia Lai: Bóc trần thủ đoạn “hô biến” giá thuốc tân dược

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Kỳ 1: Nan giải hành trình giám định

(GLO)- Như Gia Lai Điện tử đã có những thông tin xung quanh sự việc 8 cán bộ Sở Y tế Gia Lai vừa bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra khởi tố, trong đó bắt tạm giam 2 đối tượng vào ngày 18-11 do có liên quan đến vụ “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng” trong việc đấu thầu thuốc tân dược. Với chiêu thức: “Một số mặt hàng thuốc có giá thấp hơn, nhưng không chọn thầu; mặt hàng thuốc xét dự thầu sai xuất xứ”, nhóm “thầy thuốc” này đã “hóa kiếp” giá thuốc, âm mưu tư túi hàng tỷ đồng. Tuy nhiên hành vi mờ ám đã bị các cơ quan chức năng lật mặt. Sự vụ này không chỉ gây thiệt hại về tài chính của Nhà nước mà còn dồn nỗi khổ lên đầu vô số bệnh nhân. Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin gửi đến bạn đọc những thông tin mới nhất…

Xin được trở lại vụ việc. Trong ba năm (từ 2008 đến 2010), Sở Y tế Gia Lai đã thực hiện việc đấu thầu hơn 2.400 danh mục thuốc chữa bệnh các loại với tổng số tiền gần 500 tỷ đồng. Việc đấu thầu các năm được thực hiện bởi tổ chuyên gia xét thầu của Sở Y tế Gia Lai với 8 trường hợp tham gia, gồm: Nguyễn Công Nhân và Đặng Đức Châu- Phó Giám đốc Sở; Phan Minh Hiếu- Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Y; Đoàn Cường-Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược; Rơh Mah Blih- Trưởng phòng Kế hoạch Tài vụ; Bùi Ngọc Thư- Phó Trưởng phòng Kế hoạch Tài vụ kiêm Kế toán trưởng; Lê Khánh Lân- cán bộ Phòng Kế hoạch và Nguyễn Thị Kim Liên- chuyên viên Phòng Nghiệp vụ Dược.
Nắm trong tay chức vụ, quyền hạn, nhóm y-bác sĩ này đã xây dựng một kịch bản hòng trục lợi tiền tỷ từ các lần đấu thầu thuốc, cụ thể như chiêu thức: Một số mặt hàng thuốc có giá thấp hơn, nhưng không chọn thầu và mặt hàng thuốc xét dự thầu sai xuất xứ, “hô biến” giá thuốc… hòng làm lợi cho doanh nghiệp trúng thầu để ăn chia, tư túi.

Người khám-chữa bệnh đâu hay biết rằng mình đang bị “móc túi” bởi màn kịch “hô biến” giá thuốc.
Người khám-chữa bệnh đâu hay biết rằng mình đang bị “móc túi” bởi màn kịch “hô biến” giá thuốc.
Cụ thể, trong hai năm (2009 và 2010), tổ chuyên gia xét thầu của Sở Y tế Gia Lai đã gây ra hàng loạt sai phạm. Điển hình, trong năm 2009, loại thuốc Mebendazoi 500 mg, sản xuất tại Việt Nam, đơn vị tính là viên, giá dự toán 4.500 đồng/viên, trong khi đó giá dự thầu và phê duyệt trúng thầu bị tổ chuyên gia xét thầu “hô biến” xuống còn có 709 đồng/viên, chênh lệch 3.791 đồng/viên (tỷ lệ vượt 634,7%); thuốc Amikacin 500 mg/100 ml, sản xuất tại châu Á, đơn vị tính là chai, giá dự toán 52.500 đồng/chai, thì giá dự thầu và phê duyệt trúng thầu bị hạ xuống mức 13.311 đồng/chai, chênh lệch 39.189 đồng/chai (tỷ lệ vượt 394,4%); hay năm 2010, loại thuốc Cefixim 100 mg, sản xuất tại Việt Nam, đơn vị tính là viên, giá dự toán 7.035 đồng/viên, trong khi giá dự thầu và phê duyệt trúng thầu chỉ 1.512 đồng/viên, chênh lệch 5.523 đồng/viên (tỷ lệ vượt 465,28%)…

Đối với những sai phạm tại Sở Y tế Gia Lai trong đấu thầu thuốc, khi có kết luận của Đoàn Thanh tra tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai- Phạm Thế Dũng đã có văn bản chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh nhanh chóng vào cuộc điều tra làm rõ sai phạm của tổ chuyên gia đấu thầu kéo dài nhiều năm. “Thời điểm này, Cơ quan Điều tra gặp rất nhiều sức ép về thời gian, dư luận, kể cả khó khăn trong công tác giám định các loại hồ sơ đấu thầu, các loại thuốc tân dược… Thậm chí có không ít ý kiến còn cho rằng, không biết trắng đen có được bóc trần hay sẽ “chìm xuồng”. Rất may, lực lượng điều tra luôn nhận được sự động viên, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, sự giúp đỡ của Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”- Đại tá Vũ Văn Lâu- Phó Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai chia sẻ.

Nhận “núi hồ sơ” về gói hồ sơ đấu thầu các năm, các điều tra viên đã tiến hành đưa hồ sơ ra Hà Nội để giám định sai phạm mà nhóm đối tượng gây ra. Cơ quan Công an đã “gõ cửa” Cục Quản lý Đấu thầu (CQLĐT)-Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thế nhưng đề nghị bị từ chối với lý do: Thiếu kinh phí và thiếu kinh nghiệm nên khó xác định đúng sai trong tân dược! Tháng 11-2010, Cơ quan Điều tra buộc phải báo cáo lên Cơ quan Cảnh sát Điều tra-Bộ Công an để có hướng giải quyết sớm vụ việc.

Đến cuối tháng 11, Bộ Công an có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị giám định về các nội dung: Tổ chuyên gia đấu thầu thuốc năm 2008, 2009, 2010 của Sở Y tế Gia Lai có thực hiện đúng trình tự, thủ tục đấu thầu hay không? Trong 10 mặt hàng thuốc không được xét trúng thầu có mặt hàng nào đảm bảo theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu? Việc tổ chuyên gia xét trúng thầu đối với 7 mặt hàng thuốc có đúng xuất xứ theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu hay không? Và việc tổ chuyên gia đấu thầu thuốc xét trúng thầu đối với 83 mặt hàng thuốc có đúng với quy định về đấu thầu hay không?

Qua nhiều thăng trầm, mãi đến tháng 4-2011, Cục này mới hoàn thành xong phần giám định nhưng… kết quả không như mong đợi của Cơ quan Điều tra. Lúc này, CQLĐT “đá quả bóng” này sang Bộ Y tế: “Đề nghị Cơ quan Điều tra liên hệ Bộ Y tế để xác định tính hợp pháp của việc một số mặt hàng thuốc đấu thầu giá cao với lý do Bộ Kế hoạch và Đầu tư không có thẩm quyền và không có chuyên môn”. Tuy nhiên, từ những tài liệu có được và nhận định việc làm của 8 cá nhân trong tổ chuyên gia đấu thầu thuốc đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật, ngày 7-6-2011, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội: “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”.

Sau khi khởi tố vụ án, một lần nữa Cơ quan Điều tra tiếp tục kiến nghị lên Cơ quan Cảnh sát Điều tra-Bộ Công an. Và đến tháng 6-2011 Cơ quan Cảnh sát Điều tra-Bộ Công an có quyết định về trưng cầu giám định hồ sơ đấu thầu thuốc của Sở Y tế Gia Lai với Bộ Y tế, đồng thời đề xuất với Bộ Tư pháp làm giám định thiệt hại. Sau đó Bộ Y tế đã có Quyết định số 2943 ngày 12-8-2011 thành lập Hội đồng giám định hồ sơ đấu thầu thuốc của Sở Y tế Gia Lai; đồng thời Bộ Tư pháp đã ra Quyết định số 1447 ngày 18-8-2011 công bố danh sách 5 người giám định tư pháp có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia giám định và công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp. Sau khi có quyết định, 5 giám định viên từ các lĩnh vực giám định: Tài chính-kế toán, ngân hàng, đấu thầu dược “cấp tốc” vào Gia Lai tiến hành công việc của mình. Tại đây, với sự phối hợp của Cơ quan Điều tra tỉnh Gia Lai, những sai phạm của tổ chuyên gia đấu thầu thuốc- Sở Y tế Gia Lai bắt đầu được phơi bày.

Với kinh nghiệm của 5 giám định viên đến từ: Bộ Y tế, Vụ Kế hoạch-Tài chính và Cục Quản lý Dược, kết luận giám định hồ sơ đấu thầu thuốc của Sở Y tế Gia Lai năm 2008, 2009 và 2010 số 89/KL-TTrB ngày 28-9-2011 đã được đưa ra. Cụ thể như: Tổ chuyên gia đấu thầu thuốc của Sở Y tế Gia Lai đã “chưa tuân thủ các quy định”: Hồ sơ mời thầu yêu cầu xuất xứ hàng hóa nhưng không nêu rõ “tương đương”, không phù hợp với các quy định tại khoản 5-Điều 12 của Luật Đấu thầu và các quy định tại Điều 23-Nghị định số 85/2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu; không có báo cáo so sánh đề xuất trúng thầu của từng mặt hàng thuốc với giá dự toán của từng mặt hàng đã được duyệt; không có so sánh của cả gói so với giá gói thầu… Với những kết luận này, đã giúp cho Cơ quan Điều tra củng cố thêm hồ sơ và chứng cứ để thực hiện những bước điều tra tiếp theo và có cơ sở tiến hành khởi tố, bắt giam các bị can có liên quan…

Điều tra của: D.Anh-Q.Nga-Ô.Châu

Có thể bạn quan tâm

 Tuyên truyền phòng-chống tội phạm trên không gian mạng

Tuyên truyền phòng-chống tội phạm trên không gian mạng

(GLO)-

Chiều 26-4, tại Hội trường TP. Pleiku, Ban Chỉ đạo phòng-chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh phối hợp với Văn phòng Bộ Công an tổ chức hội nghị tuyên truyền phòng-chống tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Kbang: 2 xe máy tông nhau, 1 người tử vong

Kbang: 2 xe máy tông nhau, 1 người tử vong

(GLO)- Khoảng 18 giờ 10 phút ngày 25-4, tại km 302, đường Trường Sơn Đông, thuộc khu vực làng Brock, xã Đông (huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) đã xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa 2 xe mô tô khiến 1 người tử vong.