Tòa sơ thẩm xét xử án “bỏ túi”?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tòa án cấp xét sơ thẩm gửi hồ sơ “đứt đoạn” đến tòa chuyên trách (Tòa Hình sự)- Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao để “thỉnh thị” án. Tòa chuyên trách chỉ đạo sai thẩm quyền định hướng xét xử cho tòa sơ thẩm, trong điều kiện hồ sơ “thỉnh thị” không đầy đủ. Còn Tòa sơ thẩm thì dựa vào hướng dẫn đó mà tuyên án, bất chấp kết quả xét xử công khai tại phiên sơ thẩm. Đó là những tình tiết nêu trong “Đơn khiếu tố khẩn cấp” vừa được bà Phạm Thị Ngọc Xuân, bị hại trong vụ án, gởi đến rất nhiều các cơ quan chức năng và báo chí.
Bị cáo Lê Thị Bích Hạnh trước khi được HĐXX tuyên vô tội.
Bị cáo Lê Thị Bích Hạnh trước khi được HĐXX tuyên vô tội.
Vụ án Lê Thị Bích Hạnh ở tổ 14, phường Thống Nhất (TP. Pleiku, Gia Lai) lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt của Lê Thị Ngọc Xuân 81/13 Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh) 17,76 tỷ đồng được TAND tỉnh Gia Lai xét xử sơ thẩm trong hai ngày (31-3 và 1-4-2011) phớt lờ những chứng cứ có trong hồ sơ, cũng như kết quả xét xử công khai tại tòa, Hội đồng Xét xử sơ thẩm đã tuyên Lê Thị Bích Hạnh không phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với nhiều điều khó hiểu.
Sau khi bản án sơ thẩm được ban, bị hại kháng cáo và Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh Gia Lai đã kháng nghị. Mới đây các cơ quan chức năng và báo chí liên tục nhận được “Đơn khiếu tố khẩn cấp” (kèm theo bản pho to văn bản số 52/TA-HS của tòa Hình sự- TAND tối cao do ông Trần Quốc Tú- Phó Chánh Tòa Hình sự ký vào ngày 10-2-2010) của bị hại Lê Thị Ngọc Xuân kêu cứu với nội dung:
…Sau phiên tòa sơ thẩm, trong khi tôi chưa kịp hiểu vì lý do gì một người dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của tôi lại được Tòa tuyên trắng án, thì bất ngờ tôi nhận được một bì thư qua đường bưu điện gửi đi từ TP. Pleiku- Gia Lai, với mấy dòng đánh máy như sau: Gửi chị Xuân. Tôi cũng là một người làm công tác pháp luật, nhưng không thể chấp nhận được một bản án vô lý và bất công như thế. Thế nhưng người ta vẫn cố tình lợi dụng vào công văn của cấp trên để xét xử vụ án theo ý muốn của họ mà bất chấp hành vi phạm tội của bị cáo được Viện Kiểm sát chứng minh tại tòa thuyết phục và rõ ràng như thế nào.
Văn bản 52/TA-HS gửi Chánh án TAND tỉnh Gia Lai để gọi là “trao đổi nghiệp vụ” và từ đó “có ý kiến” về vụ án nhưng lại khẳng định mạnh mẽ: Trên cơ sở các tài liệu quý Tòa (tức TAND tỉnh Gia Lai- P.V) gửi kèm theo Công văn, Tòa Hình sự- TAND tối cao nhận thấy chưa đủ cơ sở vững chắc để kết luận hành vi của Lê Thị Bích Hạnh cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản”. Ông Trần Quốc Tú còn lưu ý, đó là những ý kiến để TAND tỉnh Gia Lai “tham khảo khi giải quyết vụ án”… Theo khoản 2 Điều 21 Luật Tổ chức Tòa án, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao là cơ quan xét xử cao nhất theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và theo điểm b khoản 1 Điều 21 cũng chỉ có Hội đồng Thẩm phán mới có thẩm quyền hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật. Đối với các Tòa chuyên trách thuộc TAND tối cao, Luật Tổ chức Tòa án không có một quy định nào cho phép các Tòa chuyên trách được quyền hướng dẫn áp dụng pháp luật hay chỉ đạo về nghiệp vụ, đường lối xét xử nói chung.
Như vậy, việc Tòa Hình sự TAND tối cao ban hành văn bản số 52/TA-HS hướng dẫn TAND tỉnh Gia Lai về đường lối xét xử đối với vụ án nói trên là hoàn toàn trái pháp luật, đồng thời là sự vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án trong tố tụng hình sự.
Đáng chú ý hơn cho thấy Tòa cấp sơ thẩm đã bưng bít sự thật bằng cách không gửi đầy đủ hồ sơ khi thỉnh thị cấp trên, bởi lẽ ở phần “mào” đầu trong văn bản 52/TA-HS, Phó Chánh tòa Trần Quốc Tú lưu ý rằng: “Do việc quý Tòa (tức TAND tỉnh Gia Lai) không gửi toàn bộ hồ sơ vụ án mà chỉ gửi kèm theo công văn một số tài liệu, nên trên cơ sở các tài liệu hiện có, Tòa Hình sự TAND tối cao nhận thấy…” ! Nói cách khác, Tòa Hình sự TAND tối cao đưa ra nhận định, ý kiến “trao đổi nghiệp vụ” nhưng không cần xem xét, nghiên cứu toàn bộ hồ sơ vụ án mà chỉ dựa vào một số tài liệu do TAND tỉnh Gia Lai cung cấp.
Trong đơn “Khiếu tố”, bị hại Xuân thể hiện sự bức xúc: Đối với vụ án này, Tòa sơ thẩm có phán quyết vô lý như thế nào, mọi người đều đã rõ. Nay với văn bản số 52/TA-HS, cho thấy Tòa cấp sơ thẩm đã xét xử theo kiểu án “bỏ túi” không cần đến kết quả xét xử công khai. Việc TAND tỉnh Gia Lai “thỉnh thị” án trước khi xét xử là vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, và đi ngược tinh thần Nghị Quyết 49-Bộ Chính trị về cải cách tư pháp.
Như vậy theo đơn khiếu tố khẩn cấp nói trên cho thấy đằng sau bản án sơ thẩm số 20/2011/HSST (ngày 1-4-2011) xét xử Lê Thị Bích Hạnh về hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” của TAND tỉnh Gia Lai ẩn chứa nhiều điều khuất tất và vi phạm đặc biệt nghiêm trọng tố tụng hình sự. Đề nghị các cơ quan chức năng cần kịp thời điều tra, xác minh, làm rõ sự việc; có các biện pháp tố tụng cần thiết để vụ án nói trên được giải quyết một cách khách quan, đúng người, đúng tội trả lại công bằng cho bà Xuân.
Lệ Hằng- An Thành

Có thể bạn quan tâm

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

Hòa giải ở cơ sở góp phần đảm bảo an ninh trật tự

(GLO)- Thời gian qua, công tác hòa giải trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả, kịp thời hóa giải nhiều vụ tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng, từ đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.