Bài 1: Chặt phá đồi thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ở thị trấn Đak Đoa, huyện Đak Đoa có một đồi thông cổ thụ đẹp nhất Gia Lai. Nơi đây là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài tỉnh. Nhưng hiện nay, đồi thông không còn giữ được vẻ đẹp của mình, khi người dân liên tục vào chặt phá…
Chặt thông… lấy củi
Thời gian gần đây, người dân tại khóm 1, khóm 2- thị trấn Đak Đoa và làng Lâm- xã Gla đã vào khu vực đồi thông chặt phá. Theo tìm hiểu của chúng tôi, do là loại cây dễ bén lửa, lại có nhu cầu trên thị trường nên ngày càng có đông người vào đây xâm hại. Sau khi đẽo bỏ lớp vỏ bên ngoài, họ sẽ đẽo lấy phần lõi có nhựa lấy đi từng mảng lớn, đến nửa thân cây thì dừng lại để chuyển qua cây khác. Tại thời điểm chúng tôi đến, có 3 người đang đẽo thân cây, khi thấy có người lạ họ liền bỏ chạy vào các rẫy cà phê gần đó… Hiện trường còn lại là hơn 20 gốc cây bị chặt, bị đốt nằm trơ trọi và gần 100 cây bị đẽo gần hết nửa thân. Hầu hết những cây bị chặt phá đều có đường kính từ 30 cm đến 40 cm.
Ngổn ngang đồi thông. Ảnh: L.A
Ngổn ngang đồi thông. Ảnh: L.A
Chị Nguyễn Thị Hằng- khóm 2- thị trấn Đak Đoa cho biết: “Hầu như ngày nào cũng có người vào đây chặt phá, cao điểm có hàng chục người đẽo cây làm “ngo mồi” đem ra chợ bán với giá một bó từ 2.000 đồng đến 3.000 đồng và được tiêu thụ rất nhanh. Tình trạng này đã diễn ra rất lâu rồi, khi chúng tôi phát hiện cũng có nhắc nhở nhưng không có hiệu quả gì. Tôi nghe nói ở đây có bảo vệ, nhưng chưa khi nào thấy ai bị bắt hay xử phạt cả…”. 

Theo chúng tôi được biết, thời gian trước, khuôn viên đồi thông có diện tích hơn 20 ha, sau khi xây dựng các công trình văn hóa và người dân lấn chiếm làm nhà, làm rẫy thì hiện nay còn 9,2 ha. Tình trạng chặt phá thông cũng xuất hiện rất nhiều tại rừng thông thuộc khu vực giáp ranh giữa thị trấn Đak Đoa và xã Gla.
Cha chung không ai khóc?
Theo phân công của UBND huyện Đak Đoa, đồi thông được sự quản lý của UBND thị trấn, Phòng Văn hóa- Thông tin và Hạt Kiểm lâm huyện. Nhưng nghịch lý ở chỗ, chỉ với 9,2 ha thông mà cả 3 đơn vị không thể nào quản lý được.
Sau khi xác minh thực tế tại đồi thông, phải mất gần 30 phút chúng tôi mới có thể liên hệ được với ông Nguyễn Thiện- bảo vệ của Phòng Văn hóa- Thông tin tại đồi thông. Nhưng khi gặp chúng tôi, ông liền bỏ đi với lý do: Việc này là của lãnh đạo. Trong hợp đồng ông chỉ bảo vệ phần nhà rông, các công trình vui chơi.
Nhưng khi làm việc với ông Trần Văn Dũng- Chủ tịch UBND thị trấn ông thẳng thắn nhìn nhận: “Quản lý và bảo vệ đồi thông là sự phối hợp của cả 3 đơn vị, nói như anh Thiện là thiếu tinh thần trách nhiệm. Về phía UBND thị trấn được giao quản lý trên phương diện nhà nước, có kiểm lâm địa bàn tham mưu cho chúng tôi, tháng nào cũng 4 lần họp giao ban với UBND thị trấn để báo cáo tình hình. Chúng tôi không quy trách nhiệm cho ai, ngay cả phần chúng tôi thiếu sót đến đâu xử lý đến đó. Thời gian tới, chúng tôi sẽ rà soát lại tất cả để có phương án ngăn chặn tình trạng này…”.   
Còn về phía lực lượng Kiểm lâm, bà Lê Thị Thanh- kiểm lâm viên phụ trách địa bàn thị trấn vẫn xem mọi việc như chưa có gì nghiêm trọng xảy ra: “Có thể những gốc thông gãy là số cũ trước kia và do mưa bão năm trước, hiện nay tình trạng chặt phá thông đã được hạn chế nhiều. Vì khi có vấn đề xảy ra, chúng tôi vẫn phối hợp kịp thời ngăn chặn…”. Nhưng khi chúng tôi cùng bà quay lại đồi thông thì bà Thanh mới bất ngờ vì vẫn còn rất nhiều thân cây vừa mới bị chặt.
Tình trạng đồi thông bị tàn phá vẫn diễn ra từng ngày, có lẽ “cha chung không ai khóc”, nên không có đơn vị nào nắm chính xác thực tế. Nếu không kịp thời có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng thì có lẽ đồi thông này sẽ bị xóa sổ.
Lê Anh- Lê Nam

Có thể bạn quan tâm

Cần sớm có giải pháp thay thế xe công nông

Cần sớm có giải pháp thay thế xe công nông

(GLO)- Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29-6-2007 của Chính phủ quy định: “Từ ngày 1-1-2008, đình chỉ lưu hành toàn bộ ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu, xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ”.