Cháy nhà sao chưa ra mặt…?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Mấy tháng nay, mặt hồ dư luận của Gia Lai luôn gợn sóng sau vụ hai kẻ lợi dụng danh nghĩa nhà báo tống tiền doanh nghiệp. Đó là nhóm các “nhà báo dởm” Lê Hải, Lê Xuân Hải và Phạm Hồng Châu. Ngày 7-12, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã kết thúc điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh đề nghị khởi tố các bị can về tội “cưỡng đoạt tài sản” như báo Gia Lai đã đưa tin.

Lê Hải bị bắt.
Lê Hải bị bắt.

Những ai vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý nghiêm. Tuy nhiên, hiện nay có một vấn đề mà dư luận rất quan tâm. Đó là theo khai báo của nhóm nhà báo dởm này thì trước đó họ đã được ông Lại Đức Lợi là Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai thuê viết bài “đánh” Công ty TNHH Vận tải Ô tô Gia Lai do ông Đoàn Đức Lập làm Giám đốc với mức thỏa thuận là 350 triệu đồng. Ông Lợi đã cung cấp hồ sơ, đồng thời tác động cho nhóm của Hải soạn thảo đơn tố cáo đứng tên tập thể Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai gởi lên Thanh tra Chính phủ.

Ông Lại Đức Lợi đã đưa cho nhóm Hải ứng trước 50 triệu đồng, số còn lại sẽ thanh toán nốt sau khi sự việc xuôi chèo mát mái.

Sau khi tiếp cận ông Đoàn Đức Lập, nhóm nhà báo dởm yêu cầu ông Giám đốc này chi 500 triệu đồng để “mua” sự im lặng, và khi họ được ông Lập ứng trước 100 triệu đồng thì bị Công an bắt quả tang…

Qua vụ việc nêu trên, dư luận đặt ra nghi vấn:

Thứ nhất, có vụ việc tiêu cực gì xảy ra ở Công ty TNHH Vận tải Ô tô Gia Lai mà nhóm nhà báo dởm này đòi Giám đốc Công ty này là ông Đoàn Đức Lập phải chi một khoản tiền lớn đến 500 triệu đồng?

Thứ hai, vụ việc tiêu cực đó có liên quan thế nào đến quyền lợi của cá nhân và Công ty cổ phần Xây dựng và Vận tải Gia Lai mà Giám đốc Lại Đức Lợi phải “thuê đánh” với khoản tiền 350 triệu đồng?

Thứ ba, theo khai báo, họ đã nhận được 50 triệu đồng từ ông Lại Đức Lợi và đã được ông này cung cấp hồ sơ, viết đơn kiện lên Thanh tra Chính phủ. Vậy nếu ông Lợi đưa tiền cho họ thì khoản tiền đó là tiền gì, hành vi của ông ta có bị xử lý trước pháp luật hay không?

Chuyện tống tiền doanh nghiệp chẳng qua chỉ là phần ngọn, hay nói cách khác đó là phần nổi của tảng băng. Còn mấu chốt, cội rễ của vấn đề chính là ở chỗ: Tại sao 2 ông Giám đốc của hai đơn vị chuyên ngành vận tải và đào tạo lái xe trong tỉnh lại “chơi” nhau, dám chi cả mấy trăm triệu đồng để “đánh” đối thủ? Và theo suy diễn, chắc chắn khoản lợi thu về sau khi hạ gục đối thủ sẽ to lớn gấp bội lần.

Ông cha ta có câu: Cháy nhà ra mặt chuột. Trong vụ việc vừa nêu, phải chăng hé lộ một vấn đề tiêu cực ở các đơn vị vận tải và đặc biệt là đào tạo lái xe ô tô, mô tô như tin đồn râm ran lâu nay? Và dĩ nhiên, đây cũng là tiếng chuông cảnh báo cho tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị, cá nhân sản xuất kinh doanh trong cơ chế thị trường hiện nay.

Dư luận cũng đặt ra câu hỏi, việc cung cấp hồ sơ và chi 50 triệu đồng ứng trước đã nói trên của ông Lại Đức Lợi không phải là một khoản tiền nhỏ, vậy chẳng lẽ người đưa tiền cố tình không nhận là mình đưa thì không có cách nào điều tra hay sao, khi đây lại là mấu chốt của vấn đề? Kẻ vi phạm pháp luật chắc chắn sẽ bị xử lý, còn kẻ cố tình che giấu hành vi bất chính sẽ bị xử lý như thế nào? Trong vụ việc này, thời gian qua dường như chúng ta chỉ nhắc đến hành vi của các nhà báo dởm tống tiền doanh nghiệp (hay tống tiền cá nhân?) mà quên đi một nguyên nhân là: Tại sao doanh nghiệp, cá nhân đó lại chịu cho người ta tống tiền mình, nếu không vi phạm pháp luật?

Dư luận đang chờ câu trả lời từ phía các cơ quan chức năng.

Thanh Phong


Có thể bạn quan tâm