Nỗ lực giữ thiên chức làm mẹ cho sản phụ có 2 tử cung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Sản phụ bị vỡ tử cung không giữ được con đầu lòng, bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ nỗ lực cứu mạng và bảo tồn tử cung.

Sản phụ quê Tiền Giang mang thai 32 tuần, dự sinh ngày 26/3. Sáng 2/2 chị đau bụng, bác sĩ địa phương chẩn đoán dọa sinh non. Thai phụ tự đến Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) trong tình trạng đã trụy tim mạch.

Thăm khám ban đầu, bác sĩ ghi nhận tình trạng sốc nghi do mất máu, nhau bong non. Thai phụ được chuyển vào phòng mổ để hồi sức tích cực, truyền máu khẩn cấp cho cuộc phẫu thuật.

Kíp mổ do bác sĩ Văn Phụng Thống, phẫu thuật viên chính, hút ra 2 lít máu trong bụng bệnh nhân. Bác sĩ phát hiện thai phụ có tử cung đôi. Thai nhi nằm ở tử cung bên phải, là nguyên nhân gây vỡ tử cung bên trái.

Một phần bánh nhau vỡ đã tràn qua vết hổng trong ổ bụng, nằm ngay sát đường rạch mổ lấy thai thông thường. Máu chảy nhiều từ vị trí vỡ. Ê kíp cấp tốc cầm máu, lấy nhau, co hồi tử cung, giữ được tính mạng người mẹ.

Điều khiến bác sĩ đắn đo nhất là xử trí tử cung bị vỡ. Vì sản phụ còn trẻ, chưa có con, lần sinh này không giữ được bé nên kíp phẫu thuật quyết định bằng mọi giá phải giữ lại tử cung. Trao đổi nhanh với gia đình, kíp mổ nhận được đồng thuận bảo tồn tử cung bệnh nhân.

Các phẫu thuật viên thận trọng cắt lọc một phần cơ tử cung và may lại kỹ lưỡng lớp cơ nhằm giúp lần mang thai trong tương lai của sản phụ tránh nguy cơ vỡ tử cung lần nữa. Cuộc mổ hoàn tất sau 75 phút.

Vượt qua những nguy cơ diễn biến phức tạp sau mổ, sản phụ vừa hồi phục xuất viện.


 

Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh bệnh viện cung cấp.
Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh bệnh viện cung cấp.



 Bác sĩ Phạm Thanh Hải, thành viên kíp mổ cho biết tử cung đôi là một dị tật hiếm gặp trong số hàng triệu phụ nữ. Nếu không có các biến chứng y khoa hay sản khoa thì bất thường này ở tử cung rất khó nhận biết.

Đa phần phụ nữ có tử cung đôi vẫn có đời sống tình dục bình thường, vẫn mang thai và sinh nở. Trong lĩnh vực sinh sản, số phụ nữ này sẽ gặp một trong các trở ngại như kinh nguyệt bất thường, vô sinh, sảy thai, sinh non, chảy máu sau sinh...

Phụ nữ có tử cung đôi có thể được phát hiện tình cờ khi siêu âm thông qua khám phụ khoa hoặc khám thai. Khi mang thai với tử cung đôi sẽ dẫn đến nguy cơ tử cung phát triển không tương xứng với tốc độ phát triển của thai nhi, gây tình trạng vỡ ối sớm, sinh non hoặc thai nhi chèn ép vỡ tử cung như trên.

Bác sĩ Hải khuyến cáo khi đã biết bản thân có tử cung đôi, trong quá trình mang thai cần khám thai định kỳ và theo dõi sát để nhận biết sớm những dấu hiệu bất thường như đau bụng, ra nước âm đạo (vỡ ối)... và nhanh chóng đến các cơ sở y tế sản khoa để được xử trí kịp thời.

Vỡ tử cung là một tai biến sản khoa, nếu không phát hiện và xử trí kịp thời sẽ gây tử vong cho mẹ và thai nhi. Phụ nữ có tiền sử vỡ tử cung phải thông tin cho bác sĩ qua những lần khám thai để có kế hoạch theo dõi và kịp thời can thiệp, tránh tình trạng tái vỡ tử cung.

Vỡ tử cung thường xảy ra trong lúc chuyển dạ, hoặc cũng có thể trong quá trình mang thai, đặc biệt đối với sản phụ trước đó đã mổ lấy thai ở thân tử cung, từng khâu lại tử cung bị vỡ hoặc từng bóc nhân xơ. Các thai phụ có tiền căn này khi đột ngột đau bụng ở vùng tử cung phải đến ngay các cơ sở y tế sản phụ khoa để thăm khám kỹ lưỡng, vì trên các cơ địa này thường không có dấu hiệu dọa vỡ tử cung.

Lê Phương (VNE)

Có thể bạn quan tâm

5 loại trái cây tốt cho thận

5 loại trái cây tốt cho thận

Trái cây luôn được khuyến khích cho chế độ ăn lành mạnh. Tuy nhiên, đối với người mắc bệnh thận mạn tính, không phải tất cả các loại trái cây đều tốt.