Cua đồng mùa mưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cua đồng ở quê tôi có quanh năm nhưng nhiều và ngon là vào khoảng tháng 10. Thời gian này là mùa mưa, nguồn thức ăn dồi dào nên cũng là mùa cua đồng sinh sôi. Cua sữa, cua mén bò khắp ruộng; cua lớn, cua kình đào hang khắp các bờ. 
Cua nhiều nên lúc nào trên đồng cũng có người dạo bắt đem về chế biến thức ăn. Đám thanh niên giắt lưng cái đụt, chỉ men theo bờ cỏ cũng được bộn cua. Nhưng muốn bắt cua kình thì phải thò tay vào hang, có khi lôi ra con rắn nước, cũng may đó là loài rắn không độc. Người có kinh nghiệm bày cách phân biệt hang cua với hang rắn: miệng hang cua bao giờ nước cũng đục, còn hang rắn nước trong.
Bắt cua giỏi phải nói đến các bà, các mẹ! Trong ngày gặt lúa, chỉ cần nghỉ tay một lát là họ lận lưng quần một bọc, hoặc xắn ống quần lên cao, bứt cọng cỏ cột túm lại như cái túi bỏ cua vào. Đến trưa nắng, nước ruộng xăm xắp hơi nóng, cua bám quanh gốc lúa để tránh nắng nên bắt rất dễ. Cua càng nhiều thì ống quần càng ngắn lại, cồm cộm. Cuối buổi, khi ra về, quần ai cũng ống thấp ống cao, chân bước có phần nằng nặng!
Cua mang về lựa ra theo cỡ để làm món ăn cho phù hợp. Cua sữa lấy rang muối nhai cả con giòn rụm. Món này cũng thường được làm mồi uống rượu. Cua lớn, cua kình đem giã nấu canh mướp với mồng tơi, cho một muỗng muối vào để sau khi lược, thịt cua sẽ đóng thành tảng rất đẹp. Cùng lúc, chọn mấy con có màu tươi sáng, còn đủ càng cẳng, sủi bọt nhiều là những con khỏe, chắc cho vào nồi canh, khi chín vớt ra gỡ thịt cho con nít ăn rất bổ. 
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Số cua còn lại bà con thường để làm mắm. Để lấy hết chất trong cua, người ta phải giã chứ không xay. Ngày trước, nhà nào cũng có cối gỗ hay cối đá, đem cua giã nhuyễn, dùng rây lược, vứt xác. Sản phẩm thu được là riêu cua dùng chế biến mắm.
Muốn ăn liền thì bắc lên nấu, thêm muối, gia vị, vài lát gừng giã nhỏ là ta có món mắm cua tươi thơm ngon, thường ăn với bún. Kèm theo là rau muống cọng chẻ nhỏ thành từng sợi cuộn vòng trộn với thân cây chuối mốc non xắt mỏng, thêm ít rau thơm dậy mùi hấp dẫn.
Muốn để dành lâu ngày thì cho muối vào riêu, để qua đêm cho chua, hôm sau nấu chín, đổ vào chai, hũ sành đậy kín đem phơi nắng. Lúc ăn, múc ra một ít đem kho và gia vị cho vừa miệng. Mắm cua chua có mùi thum thủm, người không quen rất khó chịu nhưng ai hợp thì ghiền. Bữa cơm mùa mưa có dĩa rau lang luộc chấm mắm cua là ngon tuyệt!
Cua đồng là món ăn dân dã, ngon và bổ dưỡng, khá phổ biến không chỉ ở nông thôn mà cả ở thành thị. Nhưng có lẽ chỉ những ai lớn lên từ đồng ruộng mới cảm nhận hết hương vị thơm ngon của bát canh riêu cua, mới thấm thía cái mùi đặc trưng của món mắm cua chua!   
PHAN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.