"Giải mã" cây nêu trong lễ hội Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)-Tây Nguyên là vùng đất có nhiều dân tộc thiểu số sinh sống nên văn hóa tín ngưỡng cũng rất đa dạng. Tuy nhiên, quan niệm “vạn vật hữu linh” là điểm chung của cả vùng. Trong bất cứ lễ hội nào, họ cũng đều dựng một cây nêu, lớn nhỏ tùy thuộc vào mỗi sự kiện và rất cầu kỳ về các chi tiết, hình tượng, hoa văn. Dù vậy, không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa của chúng.

 

Cây nêu thường được dựng trong các lễ hội như: mừng nhà rông, mừng lúa mới... Các nghệ nhân là nam giới đảm nhiệm công việc này. Họ thường là những người lớn tuổi khéo léo, có kinh nghiệm về cuộc sống, hiểu biết nhiều về thế giới tự nhiên. Với người dân bản địa, cây nêu là cầu nối giữa đất và trời, là sự kết nối vô hình giữa con người với thần linh nhằm đưa những mong muốn, ước nguyện của dân làng đến với Yàng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất.

  Cây nêu trong một lễ hội của dân tộc Bahnar (huyện Kbang).  Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC
Cây nêu trong một lễ hội của dân tộc Bahnar (huyện Kbang, Gia Lai). Ảnh: NGUYỄN LINH VINH QUỐC



Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy cây nêu được thiết kế với kết cấu vững chắc, phần đế hình vuông lớn dần từ dưới lên, tất cả giữ cố định để cho trụ ở giữa được vững chắc. Thân cây nêu sơn nhiều màu sắc sặc sỡ, tạo các điểm nhấn bằng những hình tượng rất khác biệt. Những thanh gỗ có hình tượng cây rau dớn (một loại cây họ dương xỉ, mọc ở các bờ suối) tượng trưng cho sức sống mãnh liệt và tươi trẻ được buộc xéo, liên kết chặt chẽ với nhau. Trên ngọn cây nêu nổi bật biểu tượng mặt trời đủ màu sắc với mong muốn mưa thuận gió hòa mang lại mùa màng tốt tươi, ngoài ra còn rất nhiều hình ảnh chim muông, cây cỏ khác đẽo bằng gỗ tạp treo xung quanh. Tất cả hòa vào nhau lay động trong gió, thể hiện khát khao tự do, hạnh phúc của buôn làng.

Trong cây nêu mừng nhà rông mới của dân tộc Brâu (làng Đak Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) có những điểm rất độc đáo. Trên ngọn có treo biểu tượng của những sợi rơm (chẻ bằng tre) và những bông lúa được gọt đẽo bằng ống lồ ô, kết nối với nhau bằng sợi dây và một đoạn tre nhỏ. Mỗi lần gió thổi qua, chúng va chạm vào nhau tạo ra những âm thanh dịu nhẹ và thanh thoát, mang ước nguyện về một mùa màng bội thu, lúa gạo đầy nhà. Ngoài hình ảnh chim chóc bằng gỗ, dân làng còn đan biểu tượng chim bằng tre với nhiều kiểu dáng, màu sắc khác nhau treo xung quanh hình tượng bông lúa, tạo nên khung cảnh mùa vụ đặc trưng. Ở đây chúng ta còn thấy cả biểu tượng chim trắng, ý muốn báo hiệu cuộc sống bình yên, no đủ sẽ đến với buôn làng. Đặc biệt, trên cây nêu của người Brâu còn có hình tượng rất nhiều chú chim mang dáng dấp nửa rồng, nửa phụng được chạm khắc một cách cầu kỳ. Họ quan niệm đó là vật cưỡi của các vị thần linh khi đến với lễ hội đang diễn ra tại nhà rông. Thịt trâu, bò, heo, gà được bày biện xung quanh cây nêu chờ thần linh đến để cùng dân làng chung vui.

Cây nêu trong lễ mừng nhà mới của người Bahnar (làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện Kbang) lại đơn giản hơn. Từ gốc cây nêu lên đến ngọn, dân làng khéo léo gắn nhiều sợi lạt tre chẻ nhỏ được vo thành chùm, cách đều nhau chừng 40 cm, mỗi chùm tượng trưng cho 1 vị thần, trên ngọn cây nêu là hình ảnh 1 con chim lớn đang đung đưa trong gió. Chú chim này cũng được xem là “phương tiện” để đưa các vị thần đến với ngày vui của làng. Ngoài ra, trong nhà, gia chủ còn làm 1 cây nêu nhỏ, chỉ cao tầm 70 cm (tính từ gốc đến ngọn), được làm từ 1 ống lồ ô, phía trên được chẻ ra nhiều phần tạo thành hình phễu chứa những vật phẩm như: gan, máu gà, thịt nướng để cúng thần linh, phía dưới giữ nguyên dùng làm đế cắm xuống sàn. Những sợi lạt còn lại để dài vươn ra được họ gắn rất nhiều chùm bông gòn xung quanh để cầu cho sức khỏe nhẹ như bông, thần linh ban cho gia chủ được mạnh khỏe, dẻo dai, nhanh nhẹn trong những cuộc đi săn (theo lời giải thích của anh Đinh Mỡi, người dân tộc Bahnar, cán bộ Văn hóa huyện Kbang).

Một cây nêu rất đặc biệt cũng cần kể đến, đó là cây nêu cúng chuồng trâu của người Xê Đăng (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum). Thân cây nêu được tô vẽ rất cầu kỳ, đầy màu sắc, báo hiệu cho các vị thần biết rằng nơi này đang diễn ra một sự kiện quan trọng. Ngọn cây nêu được tạo hình của lá cây để mong cầu gia súc có nhiều cỏ để ăn; thân cây nêu là tạo hình những sợi rơm vàng (làm từ tre) chia đều từ dưới lên trên, thể hiện mong ước no ấm, đủ đầy. Dưới gốc cây nêu là những thanh tre để găm thịt nướng mời thần chuồng, xung quanh bày biện gan gà, thịt heo mời thần linh trong khu đất đó. Mặt khác, người dân còn dùng máu gà sống bôi ở gốc cây nêu để trừ ma quỷ, họ cho rằng ma quỷ sợ máu sẽ không bén mảng đến gây bệnh tật cho vật nuôi…

Sau những lễ hội, người ta thường để luôn cây nêu tại nơi diễn ra sự kiện cho đến khi nào nó tự hư hỏng theo thời gian. Riêng những cây nêu nhỏ, không cố định, họ sẽ để ở góc nhà. Thường thì không ai dám đụng vào vì họ tin rằng làm vậy sẽ bị thần linh sẽ quở phạt. Còn rất nhiều câu chuyện khác mang màu sắc huyền bí xung quanh hình tượng cây nêu của người Tây Nguyên bản địa. Chúng gắn bó mật thiết trong sinh hoạt văn hóa và tinh thần, từ đó giúp con người hoàn thiện mình, hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.

THẾ PHIỆT

 

Có thể bạn quan tâm

Chuyện người Jrai xã Gào bảo tồn cồng chiêng

Chuyện người Jrai xã Gào bảo tồn cồng chiêng

(GLO)- Nhiều năm qua, nhiều hộ gia đình người Jrai ở xã Gào, TP. Pleiku đã tích cực gìn giữ các bộ cồng chiêng truyền thống của dân tộc mình. Từ việc làm này, đã góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tại địa phương.
Một thời sưu tầm văn nghệ dân gian

Một thời sưu tầm văn nghệ dân gian

(GLO)- Tôi sinh hoạt cùng anh chị em văn nghệ sĩ ở Gia Lai-Kon Tum từ những năm cuối thập niên tám mươi của thế kỷ trước. Khi ấy, phong trào nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian (Folklore) đang rộ lên. Tôi tự cảm thấy đây là lĩnh vực cũng cần tìm hiểu và có trách nhiệm với nơi mình đang sống.
Lễ cúng rụng rốn của người Bahnar

Lễ cúng rụng rốn của người Bahnar

(GLO)- Lễ cúng rụng rốn (Et tuh klok) là nghi lễ đầu tiên trong vòng đời của mỗi người Bahnar. Không chỉ là cúng tạ ơn, mong muốn các thần linh che chở, bảo vệ đứa trẻ khỏe mạnh, mà lễ cúng còn là sự xác nhận đứa bé chính thức trở thành thành viên trong gia đình, dòng tộc và cộng đồng.
Ché quý của người Jrai

Ché quý của người Jrai

(GLO)- Người Jrai ở Krông Pa (tỉnh Gia Lai) còn lưu giữ nhiều loại ché (ghè) rất giá trị. Bước vào một ngôi nhà dài, quan sát vị trí, số lượng các loại ché, chúng ta có thể đánh giá mức độ giàu có của chủ nhân.
Người dành trọn tình yêu với văn hóa Jrai

Người dành trọn tình yêu với văn hóa Jrai

(GLO)- Bằng tình yêu và niềm tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình, ông Ak (80 tuổi, làng Chuét 2, phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đã dành trọn cuộc đời để bảo tồn văn hóa cồng chiêng, đan lát và chế tác nhạc cụ dân tộc với mong muốn lưu giữ cho thế hệ mai sau.
Những người “giữ lửa” dân ca Jrai

Những người “giữ lửa” dân ca Jrai

(GLO)- Với người Jrai, hát dân ca là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt. Vì vậy, những người biết hát dân ca luôn quan tâm tới việc bảo tồn, lưu giữ và khơi gợi niềm đam mê cho thế hệ trẻ để góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.