Mẹ và tiền lẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Xuống chợ giờ tan sở, ngang qua hàng rau, cô bán rau mời: “Mua giùm cô bó rau chống ế với cháu ơi!”. Dù đã mua rất nhiều thứ nhưng tôi vẫn mua giúp cô thêm bó rau muống, sau đó phải đợi một lúc cô mới gom đủ tiền để trả lại tiền thừa dù tôi chỉ đưa tờ 50.000 đồng. Tôi rời đi. Chiều đã tắt nắng, tiếng cô bán rau vẫn đều đều mời chào. Những kỷ niệm xưa cũ chợt ùa về khiến tôi nhớ mẹ xiết bao!
Ngày tôi còn bé, bao giờ tôi cần đóng tiền học, mẹ cũng đưa một xấp tiền đủ mệnh giá từ 200 đồng đến 5.000 đồng. Ấy là những đồng tiền mẹ chắt chiu từ bữa chợ bán mớ rau lang, bó chè xanh hay quả đu đủ chín… Và cả những buổi mẹ đạp xe gần hai mươi cây số để bán mớ ve chai mẹ gom từ những buổi chiều rỗi việc đồng áng.
Có lần, bị bạn trêu khi cầm mớ tiền lẻ nhàu nhĩ nên tôi dỗi khóc. Lần khác, còn bé nên chưa hiểu hết nỗi vất vả của mẹ, tôi đã bỏ đi khi xin 10.000 đồng mà mẹ đưa toàn tờ 1.000 đồng. “Mẹ không có tiền đẹp hơn sao, lúc nào mẹ cũng cho con toàn tiền lẻ cũ mem! Bạn con nó bàn tán ầm cả lên kia kìa!”-tôi gào lên. Mẹ nghiêm mặt: “Tiền nào cũng là tiền, con còn nhỏ được ăn học là tốt lắm rồi, con xem nhiều bạn còn không được đến trường!”. Tôi bỏ đi, để lại mẹ sau lưng với những đồng tiền lẻ trên tay.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Sáng hôm sau đến lớp, khi mở cặp tôi thấy mảnh giấy mẹ để từ lúc nào. Mẹ viết: “Mẹ xin lỗi vì bao giờ mẹ cũng cho con tiền lẻ. Mẹ không biết điều đó làm con buồn, vì mẹ không kiếm được nhiều tiền nên phải gom tiền lẻ lại thì mới đủ cho con. Lần sau mẹ sẽ chú ý hơn, sẽ đổi tiền chẵn cho con để các bạn không cười con nữa!”.
Tờ tiền 10.000 đồng được mẹ vuốt phẳng phiu gấp trong mảnh giấy. Tôi nhớ lại những buổi chiều, mẹ còng lưng bên mép ruộng, ngắt từng nắm rau muống, tỉ mẩn bó buộc để sớm mai đổi lấy dăm đồng bạc lẻ cho bữa cơm chị em tôi thêm vị cá. Bữa cơm chiều mẹ gạn hết phần khoai hấp vào chén mình rồi xới cơm cho chị em tôi. Những trưa nắng, mẹ giục chị em tôi đi ngủ trưa, còn mẹ cột sau xe đạp bao tải chai, lon… gom được mấy hôm trước xuống huyện bán, để kịp cho chúng tôi đóng tiền học… Mắt tôi nhòe đi. Tôi hối hận vì những lời mình đã nói với mẹ, chỉ muốn buổi học kết thúc thật nhanh để chạy về xin lỗi mẹ. Buổi chiều hôm ấy, tôi nói với mẹ rằng, mẹ không phải đổi tiền chẵn cho con đâu. Mẹ cười, ánh mắt mẹ sáng như vừa làm được gì lớn lao vậy.
Những dịp được ở cạnh mẹ, tôi thường nắm đôi bàn tay chai sần của mẹ áp vào tay mình. Bàn tay ấy đã chăm bẵm góp nhặt từ mưa nắng tảo tần để bảo bọc chị em tôi lớn lên không phải thiếu thốn cái ăn, con chữ. Bàn tay ấy đã chắt chiu từng đồng tiền lẻ để nuôi chúng tôi trưởng thành.
Thi thoảng, mẹ vào thăm tôi, mẹ cũng mang theo những đồng tiền lẻ chắt chiu được từ quê để cho con trai tôi nuôi heo đất. Chồng tôi cười bảo: “Hai bà cháu nuôi heo như thế thì heo nhanh no lắm!”. Tôi kể cho anh nghe về những tháng ngày còn thơ bé của mình bên mẹ. Ký ức về tiền lẻ mẹ cho là bài học đắt giá dành cho tôi về giá trị đồng tiền do chính mình làm ra. Dù nhiều hay ít, dù tiền lẻ hay tiền chẵn… đều đáng được trân quý. Mỗi buổi ra chợ, tôi vẫn thường động lòng trước lời chào mua rau của các bà, các mẹ buổi xế chiều là bởi tôi thấy thấp thoáng đâu đó bóng mẹ ngày xưa.
PHÚC AN

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.