Lơ Ku: Đặc sắc hội xuân các dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày 14-2, trong không khí tưng bừng, phấn khởi, 12 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn xã Lơ Ku (huyện Kbang, Gia Lai) đã tụ hội về sân vận động xã để hòa chung không khí ngày hội xuân văn hóa-thể thao các dân tộc.
Nô nức trẩy hội
Từ sáng sớm, mọi ngả đường trong xã đã dập dìu sắc màu trang phục của 12 dân tộc anh em HMông, Tày, Nùng, Dao, Sán Chỉ, Bahnar... đổ về sân vận động của xã để thưởng thức chương trình văn nghệ và xem hội. Bà Vương Thị Dao (78 tuổi, dân tộc Sán Chỉ, thôn 1) chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, mỗi lần xã tổ chức hội xuân tôi cũng đều tranh thủ đến sớm để cùng với con cháu vui hội, phần để hiểu thêm về nét văn hóa truyền thống của các dân tộc sinh sống trong xã, phần để tinh thần vui tươi, thoải mái hơn”.
Đến với ngày hội, người dân và du khách được sống trong không khí đậm hơi thở mùa xuân đa sắc màu dân tộc thông qua những tiết mục văn nghệ ca ngợi Đảng, đất nước, quê hương và vẻ đẹp vùng đất Lơ Ku. Nhiều môn thể thao và trò chơi truyền thống của cộng đồng 12 dân tộc anh em cũng diễn ra sôi nổi như: ném còn, bịt mắt bắt vịt, ngậm nước đổ chai, nhảy bao bố, kéo co, bóng chuyền nam... Mỗi dân tộc một sắc màu riêng hòa vào không khí chung làm nên nét độc đáo của hội xuân.
 Biểu diễn cồng chiêng tại hội xuân văn hóa Lơ Ku. Ảnh: Đ.Y
Biểu diễn cồng chiêng tại hội xuân văn hóa Lơ Ku. Ảnh: Đ.Y
Phần đặc sắc nhất của ngày hội là chương trình liên hoan biểu diễn cồng chiêng của 6 đội cồng chiêng đến từ các làng: Bôn, Lợt, Tăng, Kbông, Đak Kjông và Chợch. Khi tiếng cồng chiêng vang lên, hàng trăm người dân và du khách ùa ra đứng thành vòng tròn, thích thú theo dõi. Từng bài chiêng mừng lúa mới, đâm trâu, pơ thi... vang lên hòa cùng điệu xoang nhịp nhàng say đắm của các thiếu nữ duyên dáng. Anh Triệu Văn Nghĩa-hiện sinh sống ở Cao Bằng, dịp Tết vào thăm bà con ở Lơ Ku, nghe tin xã tổ chức hội xuân đã ở lại thêm mấy ngày nữa để chung vui-cho hay: “Tôi vào Lơ Ku rất nhiều lần nhưng lần này mới được thưởng thức các tiết mục biểu diễn cồng chiêng của bà con dân tộc Bahnar. Âm hưởng tiếng cồng chiêng lúc trầm lúc bổng, rất độc đáo, hấp dẫn. Ngày Tết ở quê, chúng tôi cũng mặc trang phục truyền thống, hát xướng, ném còn, nấu các món ăn đặc trưng của dân tộc. Hôm nay được cùng với các dân tộc khác ở Lơ Ku tham gia hội xuân này, tôi rất phấn khởi vì được thưởng thức nhiều loại hình văn hóa đặc sắc”.
Điểm hấp dẫn nữa tại hội xuân lần này là các món ẩm thực. Nhiều loại bánh đặc sản đã được mang đến giới thiệu như bánh tro, bánh gai, bánh chưng, bánh tét, bánh lá..., khách chỉ một lần thưởng thức là nhớ mãi.
Niềm tin vào cuộc sống mới

Ông Trương Văn Đạt-Bí thư Huyện ủy Kbang: “Thông qua hội xuân văn hóa-thể thao ở Lơ Ku, huyện Kbang hướng đến việc bảo tồn văn hóa các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn. Đồng thời, tạo thêm không khí vui xuân, đoàn kết, phấn khởi cho nhân dân những ngày đầu năm. Không chỉ Lơ Ku mà huyện chủ trương khuyến khích các xã trong toàn huyện tổ chức hội xuân nhằm tăng thêm niềm vui, niềm phấn khởi và tình đoàn kết giữa các dân tộc”.

Dù hội xuân năm nay chưa thể hiện được hết những nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc sinh sống trên địa bàn xã nhưng đã trở thành làn gió mới thổi vào tâm hồn mỗi người, tạo niềm tin và sức sống mới ngày đầu xuân. Qua đó, mỗi người Lơ Ku càng thêm tự hào, trân trọng nét đẹp truyền thống văn hóa dân tộc mình để bảo tồn và phát huy, thi đua lao động sản xuất, làm giàu quê hương.
Ông Hồ Xuân Dương-Chủ tịch UBND xã Lơ Ku-cho biết: Hội xuân văn hóa-thể thao các dân tộc được tổ chức thường niên vào mỗi dịp Tết nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi những ngày đầu xuân, khích lệ, động viên tinh thần nhân dân khởi đầu năm mới với nhiều thắng lợi mới. Xã Lơ Ku hiện có 12 dân tộc sinh sống, cũng là xã có nhiều dân tộc nhất huyện. Các hoạt động của hội xuân đã thể hiện sự phong phú và giao thoa giữa các dân tộc vùng miền, góp phần tạo nên sự đa dạng văn hóa trên địa bàn xã.
Tự hào vì gia đình có tới 5 dân tộc anh em cùng sinh sống, bà Trần Thị Hương (60 tuổi, thôn 2) vui vẻ khoe: “Tôi sinh được 4 người con trai, các con đều đã lập gia đình. Con trai cả lấy vợ người Kinh, con trai thứ 2 lấy vợ người HMông, con trai thứ 3 lấy vợ người Tày và con trai thứ tư lấy vợ người Bahnar. Còn vợ chồng tôi là người Sán Chỉ. Dù khác nhau về dân tộc nhưng gia đình các con tôi luôn hòa thuận, đoàn kết, thuận hòa, đầm ấm. Tết năm nào các con cháu của chúng tôi cũng đều hân hoan tham dự hội xuân”.
Ngày hội xuân ở Lơ Ku còn có ý nghĩa hơn với những người con xa quê hương, chỉ đến ngày Tết mới có dịp trở về quây quần bên gia đình. Dù bận công việc nhưng nhiều người vẫn nán lại để được tham dự ngày hội. Bà Nguyễn Thị Chắt (62 tuổi, thôn 1) tâm sự: “Tôi có 2 người con làm ở TP. Hồ Chí Minh. Nhưng năm nào cũng thế, các con tôi đều lưu lại thêm vài ngày bên gia đình để dự hội xuân rồi mới rời quê”.
ĐINH YẾN

Có thể bạn quan tâm

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.