Gia Lai không còn hộ nghèo là gia đình người có công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Toàn tỉnh Gia Lai hiện có 16.030 hộ người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng. Cuối năm 2017, sau khi rà soát theo tiêu chí mới, toàn tỉnh còn 380 hộ người có công thuộc diện nghèo. Cùng với những chính sách chung, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều sáng kiến hay, cách làm mới giúp đỡ các hộ này. Đến cuối tháng 11-2018, toàn tỉnh không còn hộ nghèo là gia đình người có công.
Có được kết quả này là nhờ sự chung tay của các cấp, các ngành và chính quyền các địa phương trong việc huy động nguồn lực, tổ chức xã hội hỗ trợ hộ nghèo là gia đình người có công bằng các phương tiện sinh kế. Bên cạnh đó, bằng nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội, nhiều hộ nghèo có công đã nỗ lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
  Gia đình thương binh Rơ Châm Yô (làng Bàng, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông) bên căn nhà được hỗ trợ xây mới. Ảnh: Đ.Y
Gia đình thương binh Rơ Châm Yô (làng Bàng, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông) bên căn nhà được hỗ trợ xây mới. Ảnh: Đ.Y
Tiêu biểu trong số này phải kể đến huyện Ia Grai. Đầu năm 2018, huyện Ia Grai còn 42 hộ nghèo là người có công. Huyện phấn đấu đến cuối năm 2018, tất cả số hộ này thoát nghèo bền vững và duy trì mức thu nhập ngang bằng với mức sống của người dân nơi cư trú. Để thực hiện mục tiêu đề ra, theo ông Ngô Khôn Tuấn-Phó Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện, địa phương đã tiến hành rà soát hộ nghèo có công rồi tham mưu với UBND huyện để có giải pháp cụ thể. Kết quả rà soát cho thấy, phần lớn hộ nghèo thuộc diện này đều thiếu đất và vốn để phát triển sản xuất. Vì vậy, vào dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7-2018), huyện đã xuất ngân sách 960 triệu đồng hỗ trợ 32 cặp bò giống (30 triệu đồng/cặp) và tặng 33 sổ tiết kiệm (15 triệu đồng/sổ) giúp 42 hộ nói trên có thêm điều kiện vươn lên thoát nghèo.
“Sau khi trao bò giống, tặng sổ tiết kiệm, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các phòng, ban chuyên môn cử cán bộ tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, trồng cỏ nuôi bò. Hiện 32 cặp bò giống phát triển tốt, mỗi cặp đã đẻ được 1-2 con bê. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để các hộ phát triển nhân đàn, vươn lên thoát nghèo bền vững”-ông Tuấn chia sẻ.
Tương tự, huyện Chư Prông có 36 hộ nghèo là người có công. Bằng việc vận động hỗ trợ phương tiện sinh kế như: giống cây ăn quả (bơ, sầu riêng) để cải tạo vườn tạp; vật nuôi; hỗ trợ làm nhà ở, nhà vệ sinh và vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội, đến nay, 36 hộ nói trên đã thoát nghèo. Ông Lê Văn Ba-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho biết: Sau khi huy động mọi nguồn lực, huyện đã tập trung sửa chữa và xây nhà cho các hộ nghèo chính sách còn khó khăn về nhà ở. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện còn phân công các chi hội giúp các gia đình chính sách neo đơn làm nhà vệ sinh, quét dọn, cải tạo nơi thờ cúng...
Trong khi đó, huyện Krông Pa cũng phân công 55 cơ quan, đơn vị giúp đỡ 52 hộ nghèo có công trên địa bàn. Sau hơn 1 năm nỗ lực thực hiện bằng những việc làm cụ thể (hỗ trợ cây-con giống, tặng sổ tiết kiệm), đến nay, toàn bộ 52 hộ đều đã thoát nghèo. Huyện Mang Yang cũng đã quyết liệt chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hỗ trợ 30 hộ nghèo có công, đồng thời đề nghị Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện ưu tiên cho các hộ nghèo là người có công vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Huyện Chư Pah thì huy động nguồn lực hỗ trợ sửa chữa, làm mới nhà ở, tặng sổ tiết kiệm giúp 28 hộ thoát nghèo.
Những việc làm thiết thực của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương đã phần nào giúp các thương-bệnh binh, gia đình người có công trên địa bàn tỉnh vơi bớt khó khăn, có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống. Trong số 380 hộ người có công thoát nghèo có nhiều tấm gương thương-bệnh binh đã nỗ lực vượt qua khó khăn để có cuộc sống ổn định. Gia đình thương binh Rơ Châm Yô (làng Bàng, xã Bình Giáo, huyện Chư Prông) là một ví dụ. Dù bệnh tật, già yếu nhưng ông Yô cùng người vợ bị khuyết tật vẫn cố gắng chăm lo cho 4 người con nhờ nguồn thu từ  2 sào đất vườn trồng hơn 100 cây cà phê. Năm 2017, ông Yô được xã hỗ trợ 50 triệu đồng xây nhà, cấp bò giống sinh sản để chăn nuôi. Sau 2 năm, bò giống đẻ được 2 con bê, ông Yô bán một con mua xe máy để tiện cho việc đi lại, số tiền còn lại ông dành chăm sóc cà phê. “Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương khi tặng bò giống sinh sản nên dần dà gia đình tôi đã có cuộc sống ổn định”-ông Yô vui mừng chia sẻ.
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm

Nghề "hot" phòng gym

Nghề "hot" phòng gym

(GLO)- Hiện nay, nhiều người dân TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) thường xuyên tập gym để có thân hình cân đối, cải thiện sức khỏe. Theo đó, nghề PT (personal trainer-huấn luyện viên cá nhân) cũng không còn xa lạ.