"Đánh thức" cà phê Dinh Điền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhắc đến hương vị cà phê Dinh Điền trước năm 1975, thanh xuân của một lớp người ở Phố núi dường như được sống lại. Với họ, vị cà phê của quán Dinh Điền nằm trong lòng thị xã Pleiku ngày ấy là một điều kỳ diệu mà những quán cà phê cùng thời không sao có được. Để rồi hôm nay, cà phê Dinh Điền được họ nhắc lại như một câu chuyện văn hóa đẹp đẽ.

Ký ức cà phê Dinh Điền

Tìm gặp những người từng ghiền cà phê Dinh Điền, chúng tôi khá bất ngờ bởi ký ức của họ về quán cà phê nổi tiếng này vẫn còn như nguyên vẹn. Ông Nguyễn Đình Thọ (SN 1953, phường Hội Thương, TP. Pleiku) là con trai chủ hiệu sách Kim Linh-hiệu sách lớn nhất thị xã Pleiku trước năm 1975 và cũng là người rành cà phê. Theo ông thì hương vị của cà phê Dinh Điền ngày ấy là khó quên nhất.

Ông Thọ nhớ lại: “Ngày đó, ngoài giờ học thì chúng tôi ngồi ở Dinh Điền. Bên phin cà phê, chúng tôi nói với nhau về thơ Chế Lan Viên, Xuân Diệu… Với chúng tôi, vị cà phê Dinh Điền là một phần không thể thiếu trong suốt thời trai trẻ”.

Trang trại cà phê sạch của gia đình anh Trần Đức Toàn là điểm đến tham quan, tìm hiểu của nhiều du khách. Ảnh: Trần Dung
Trang trại cà phê sạch của gia đình anh Trần Đức Toàn là điểm đến tham quan, tìm hiểu của nhiều du khách. Ảnh: Trần Dung


Quán cà phê Dinh Điền ngày ấy nằm trong một con hẻm nhỏ của đường Hai Bà Trưng, gần trụ sở Tỉnh ủy ngày nay. Cái tên Dinh Điền cũng đơn giản bởi nó nằm trong khu nhà của những công nhân đồn điền.

“Cà phê ở đó ngon đặc biệt mà không thể diễn tả hết được bằng lời. Nó là cà phê nguyên chất nhưng lại rất đậm đặc, hương thơm và vị hấp dẫn vô cùng. Cà phê Dinh Điền có vị ngọt rất lạ và rất ngon. “Xui” cho dân ghiền cà phê ngày ấy là khi đã lỡ uống Dinh Điền thì không thể uống cà phê ở đâu khác”-ông Thọ nói.

Nếu không vì cà phê ngon trứ danh thì quán Dinh Điền hẳn không thể trụ vững. Quán nhỏ xập xệ, bàn ghế đơn sơ, bà chủ quán và cô con gái đều không thuộc diện “có nhan sắc”. Vậy mà mỗi sáng, nếu khách đến muộn sẽ không có chỗ ngồi. Khách đến cà phê Dinh Điền 100% là nam giới. Có người không cần chỗ ngồi mà chỉ cần 1 ly cà phê để đứng dựa lưng vào gốc thông mà nhấm nháp.

Theo ký ức của ông Thọ, quán không lúc nào vơi khách, kể cả những ngày Pleiku mưa sụt sùi hay nắng đổ lửa. Không gian quán thực sự là nơi mà dù thưởng thức cà phê một mình hay với bạn bè thì vẫn có thể cảm nhận được sự yên tĩnh, thư thái.

Còn với ông Nguyễn Thế Dũng (SN 1953, phường Yên Đổ, TP. Pleiku) thì ly cà phê Dinh Điền ngày ấy có vị ngon đặc biệt. Ông nhớ lại: “Vị cà phê của Dinh Điền thơm và béo. Sữa, cà phê và đá quyện với nhau rất vừa vặn. Tôi nhớ, bà chủ Dinh Điền ngày ấy ủ cà phê trong 1 chiếc bít tất. Bà bỏ chiếc bít tất cà phê vào chiếc ấm rồi đun sôi lên. Sữa bột béo được đổ đến 1/4 chiếc ly, đá đập nhỏ bỏ đầy ly sau đó tưới cà phê lên tạo ra một hương vị tuyệt vời. Vì cách pha chế đó mà chúng tôi thường gọi cà phê sữa đá là “cà phê bít tất”. Sau này, đi nhiều nơi nhưng tôi không thể tìm lại vị ngon của cà phê Dinh Điền một thuở”.

Cà phê Dinh Điền gây nghiện đến nỗi ông Dũng thường xuyên trốn cha mẹ đến “đóng đô” ở đó mỗi ngày. Nói là “trốn” bởi nhà ông ngày ấy cũng mở quán cà phê. “Với những người đã lỡ sa vào vị cà phê Dinh Điền thì không một vị cà phê nào sánh được, kể cả cà phê nhà mình”-ông Dũng hài hước nói. Sau năm 1975, không hiểu vì lý do gì mà quán cà phê Dinh Điền bỗng dưng biến mất. Những người đã trót say cà phê Dinh Điền như ông Dũng, ông Thọ dường như mất đi một tri kỷ.

“Đánh thức” hương vị cà phê xưa

Sau gần nửa thế kỷ, những tưởng cà phê Dinh Điền chỉ còn trong ký ức thì nó lại được đánh thức bởi anh Trần Đức Toàn (33 tuổi, 98 Tôn Thất Tùng, TP. Pleiku). Bỏ ra 5 năm tìm hiểu về cà phê Dinh Điền, năm 2018, theo lời gợi mở của bố mình cũng như các bậc cao niên từng sống và gắn bó thanh xuân với quán Dinh Điền, anh Toàn đã mạnh dạn gầy dựng lại thương hiệu cà phê này.

Anh kể: “Ban đầu, tôi cũng khá mơ hồ vì trong ký ức của mình không hề biết tới cà phê Dinh Điền. Điều thôi thúc tôi tìm hiểu về nó chính là những câu chuyện ngày xưa được kể lại. Từ đó, tôi biết về cái tên Dinh Điền cũng như hương vị và ký ức rất đẹp của một thế hệ người ở Pleiku. Không dừng lại ở một thương hiệu cà phê, Dinh Điền còn là một câu chuyện về văn hóa rất ý nghĩa”.

Cà phê Dinh Điền bị lãng quên hơn 40 năm nay đã được đánh thức. Ảnh: Trần Dung
Cà phê Dinh Điền bị lãng quên hơn 40 năm nay đã được đánh thức. Ảnh: Trần Dung


Với mong muốn gầy dựng lại thương hiệu cà phê Dinh Điền, anh Toàn sử dụng 18 ha cà phê của gia đình tại xã Chư Pơng (huyện Chư Sê) để xây dựng vùng nguyên liệu. Những quả cà phê chín mọng trên cây được thu hái, đem rửa sạch và đưa vào máy chà vỏ để đảm bảo chất lượng. Sau khi phơi khô, hạt cà phê ánh lên màu xanh lục nhẹ và mùi vị sẽ xuất hiện khi đem rang.

“Rang là công đoạn cực kỳ quan trọng trong chu trình chế biến cà phê bởi nó quyết định hương vị của loại đồ uống này. Để cho ra vị giống với cà phê Dinh Điền xưa, tôi cũng trải qua nhiều lần thất bại. Sau một thời gian tích góp kinh nghiệm và nhận được sự hỗ trợ của những người lớn tuổi hiểu biết về cà phê Dinh Điền xưa, tôi đã khá thành công. Cà phê Dinh Điền phải có độ rang đạt chuẩn và phương pháp pha chế độc đáo, như vậy mới có thể lưu giữ hương vị thuần túy tự nhiên của hạt cà phê. Đó chính là sự khác biệt của Dinh Điền so với các loại cà phê khác”-anh Toàn cho biết.

Quán nhỏ mộc mạc với tên gọi Dinh Điền tại số 98 Tôn Thất Tùng (TP. Pleiku) đã trở thành điểm đến của nhiều người dân Phố núi cũng như du khách gần xa. Người già tới để tìm về hương vị xưa, người trẻ đến để tìm hiểu về câu chuyện thú vị mang tên Dinh Điền… Tại đây, ngoài những phin cà phê truyền thống, khách còn được thưởng thức vị ngon nguyên chất của cà phê phin giấy.

Nếu quán Dinh Điền xưa có “cà phê bít tất” thì cà phê phin giấy cũng khiến cho lớp người lớn tuổi bồi hồi nhớ lại hương vị cũ. Một tách cà phê thơm dịu có màu nâu nhạt với vị chua thanh nơi đầu lưỡi và vị ngọt lan vào trong cổ họng chính là ấn tượng đặc biệt mà quán Dinh Điền đem lại. Anh Toàn cho rằng, cà phê phin giấy sẽ giữ được hương vị tinh túy, không hề pha trộn và bị ảnh hưởng bởi các chất khác.

 Ông Nguyễn Đình Thọ (phường Hội Thương, TP. Pleiku) là lớp người xưa gắn bó với cà phê Dinh Điền. Ảnh: Nguyễn Giang
Ông Nguyễn Đình Thọ (phường Hội Thương, TP. Pleiku) từng gắn bó với cà phê Dinh Điền suốt thời trai trẻ. Ảnh: Nguyễn Giang


Với mong muốn lưu giữ và phát triển thương hiệu cà phê Dinh Điền, anh Toàn đã tiến hành làm thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu. Hiện hồ sơ đang được Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định. Anh Toàn rất vui khi thương hiệu cà phê bị lãng quên bấy lâu nay giờ đã được “đánh thức”. Đây như một món quà ý nghĩa mà anh dành tặng bố mình và một lớp người lớn tuổi ở Pleiku.

Ông Thọ bày tỏ: “Sau ngần ấy thời gian, tưởng Dinh Điền đã đi vào dĩ vãng. Vậy mà hôm nay lại bắt gặp hương vị ấy giữa lòng Pleiku, tôi thực sự xúc động. Cà phê Dinh Điền như một sự kết nối thế hệ”.
 

TRẦN DUNG-BẢO LAM

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.