Độc đáo những ý tưởng "khởi nghiệp xanh"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo-Kết nối thành công” năm 2020 là cuộc thi do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức nhằm khuyến khích phụ nữ cả nước tự tin khẳng định trí tuệ, phát triển kinh tế qua các ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Trong số 11 ý tưởng được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Gia Lai lựa chọn tham gia cuộc thi, có 2 ý tưởng lọt vào vòng chung khảo.
Đây là cơ hội để các nữ startup tranh tài, nhận được sự hỗ trợ về vốn, kiến thức, tiếp cận nguồn lực, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm. Cuộc thi còn tạo môi trường cho phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn tham gia khởi nghiệp sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế cá nhân, gia đình và đất nước.
2 dự án của phụ nữ Gia Lai lọt vào vòng chung khảo cuộc thi được đánh giá là những ý tưởng “khởi nghiệp xanh”. Đầu tiên là dự án “Sản xuất rau an toàn gắn với phát triển du lịch cộng đồng” của Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhiên (xã An Trung, huyện Kông Chro) do chị Trần Thị Tầm làm chủ nhiệm. Dự án còn lại là “Sản xuất tinh dầu thiên nhiên My Sa” (cơ sở kinh doanh tại thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Pah) của chị Nguyễn Thị My Sa.
Khởi nghiệp với “vàng xanh”
Nói về lý do chọn lĩnh vực sản xuất tinh dầu từ dược liệu, chị Nguyễn Thị My Sa chia sẻ: “Nước ta sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, nhưng giá trị kinh tế thu được không cao. Hơn nữa, Việt Nam có rất nhiều loại dược liệu quý chưa khai thác hết trong khi đây được mệnh danh là “vàng xanh” với nhiều công dụng to lớn trong ngành dược cũng như mỹ phẩm”.
Chị Sa cho biết thêm, với xu thế “ăn kiêng, mặc mốt” như hiện nay, đa số người tiêu dùng đều hướng đến việc sử dụng các sản phẩm từ thiên nhiên. Trong tình hình dịch bệnh hoành hành, việc sử dụng tinh dầu sả sát khuẩn, thanh lọc không khí, nước cất tinh dầu tỏi tăng sức đề kháng cho cơ thể, nước cất lá trầu không để sát trùng cho da, tinh dầu hương nhu để tắm… là rất cần thiết.
“Nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng, cùng với đam mê khám phá, tìm kiếm các “mùi hương Việt” từ những cây trồng và cây hoang dại của vùng đất cao nguyên, tôi đã tìm tòi, chiết xuất những giọt tinh dầu nguyên chất vì sức khỏe người tiêu dùng. Đó cũng là cách học hỏi, nâng cao tri thức và thu nhập cho bản thân, gia đình, góp một phần nhỏ vào việc đa dạng hóa sản phẩm của địa phương”-chị Sa bày tỏ.
Tuy nhỏ lẻ nhưng mô hình đã biết cách tận dụng nguồn nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, chi phí đầu tư thấp nên chủ động trong việc sản xuất và lưu thông ra thị trường. Chị Sa cho hay: “Cơ sở chúng tôi sử dụng và tận thu nguồn nguyên liệu và phụ phẩm nông nghiệp tại địa phương như: hương nhu, lá sả, vỏ chanh, vỏ cam… Quá trình chưng cất đều dùng điện nên không thải khói hay khí có hại ra môi trường, đồng thời bã thải ra được tận dụng để làm các sản phẩm khác như: bã gừng làm muối ngâm chân, các loại lá thì ủ gốc cà phê, làm mùn đất và phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng. Thành phẩm được đóng gói trong hộp giấy hoặc chai thủy tinh, không sử dụng túi ni lông. Về mặt xã hội, cơ sở đã tạo việc làm và thu nhập thêm cho nhiều phụ nữ”.
Các sản phẩm tinh dầu chiết xuất thiên nhiên được chị Nguyễn Thị My Sa ủng hộ cho cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ảnh: Nguyên Bình
Các sản phẩm tinh dầu chiết xuất thiên nhiên được chị Nguyễn Thị My Sa ủng hộ cho cuộc chiến chống dịch Covid-19. Ảnh: Nguyên Bình
Trồng rau an toàn gắn với du lịch cộng đồng
Nói về dự án “khởi nghiệp xanh” gắn với du lịch cộng đồng tại một trong những vùng đất khó khăn nhất tỉnh, chị Trần Thị Tầm cho biết: An Trung là xã vùng 2, người dân sản xuất nông nghiệp là chính. Với lợi thế có dòng sông Ba chảy qua, thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây rất phù hợp với một số loại cây ăn quả, đặc biệt các loại rau, củ, quả. Tuy nhiên, hiện nay, người dân vẫn tập trung vào cây mía với nhiều rủi ro.
“Với dự án khởi nghiệp này, tôi mong muốn sẽ tạo nên sự thay đổi mang tính đột phá cho nông dân, thay đổi hẳn thói quen sản xuất hàng hóa. Hiện nay, Nhà máy chế biến rau quả DOVECO Gia Lai đang thu mua và chế biến rau củ quả xuất khẩu, mở ra hướng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân ở Kông Chro. Đây là động lực tạo ra bước tiến trong việc định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi nhận thức và cách thức canh tác trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước đưa nông nghiệp địa phương ngày một đi lên”-chị Tầm chia sẻ.
Chị Tầm cho biết, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ An Nhiên mới thành lập hơn 1 năm, vốn hoạt động còn hạn chế nên chỉ tập trung vào các sản phẩm rau, củ, quả và trái cây an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Những sản phẩm này khi đưa ra thị trường đều được đóng gói, dán tem truy xuất nguồn gốc. Ngoài thông tin về nơi sản xuất, đơn vị sản xuất kinh doanh sản phẩm, người dùng còn biết được giá bán, điểm bán, công dụng, thành phần của sản phẩm.
Chia sẻ về dự án trồng rau an toàn gắn với phát triển du lịch cộng đồng, chị Tầm cho hay: “Về lâu dài, với quy mô hơn 10 ha, chúng tôi sẽ quy hoạch vùng trồng rau, củ, quả một cách khoa học, áp dụng công nghệ tưới, thu hoạch hiện đại; đồng thời trồng cây cảnh, các loại hoa trên đường đi, tạo không gian đẹp, trong lành. Đặc biệt, đây là vùng đất còn lưu giữ đậm đặc các giá trị văn hóa bản địa, chỉ cần khôi phục, khai thác một cách hợp lý gắn với mô hình nông nghiệp xanh thì dự án sẽ có tính khả thi cao”.
Cơ sở để củng cố niềm tin vào dự án đó là tập hợp được số lượng người tham gia đông đảo, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số và lực lượng nghệ nhân. “Nếu lọt vào “mắt xanh” của nhà đầu tư, tôi hy vọng dự án sẽ sớm phát huy hiệu quả, qua đó phát triển du lịch gắn với nông nghiệp xanh, tạo ra chuỗi giá trị, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”-chị Tầm chia sẻ.
NGUYÊN BÌNH

Có thể bạn quan tâm

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

Thu nhập cao từ nuôi chồn hương

(GLO)- Với đàn chồn hương hơn 100 con, mỗi năm, trang trại của chị Thủy Thị Hồng Hậu (làng Bông Phun, xã Chư Á, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) thu về hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư.
Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

Dịch vụ chụp ảnh kỷ yếu “vào mùa”

(GLO)- Những năm gần đây, nhiều học sinh cuối cấp đã lựa chọn hình thức chụp kỷ yếu với đa dạng concept (chủ đề) để lưu giữ kỷ niệm đẹp cùng thầy cô, bè bạn. Tháng 4 là thời điểm dịch vụ này bắt đầu “vào mùa”, các studio cũng bận rộn với lịch trình dày đặc.
Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

Nguyễn Đăng Khang: Nam sinh đa tài

(GLO)- “Nếu Tin học là chỗ dựa cho phím đàn được thăng hoa thì âm nhạc lại giúp em xua tan đi những căng thẳng sau hàng giờ đắm chìm cùng ngôn ngữ lập trình”-em Nguyễn Đăng Khang (lớp 11C3A, Trường THPT chuyên Hùng Vương) chia sẻ.

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

Ksor Mác: “Bàn tay vàng” khai thác mủ cao su

(GLO)-

Dù ít tham gia các hội thi, nhưng nhiều công nhân ở Đội sản xuất số 6, Công ty 74, Binh đoàn 15 vẫn thường gọi anh Ksor Mác là "bàn tay vàng" trong đơn vị. Bởi anh không chỉ có kỹ thuật cao trong cạo mủ cao su mà hằng năm anh đều vượt kế hoạch được giao.

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

Thợ lái máy đam mê cải tiến kỹ thuật

(GLO)- Là thợ lái máy nhưng Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Hùng (Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn Công binh 7, Quân đoàn 3) đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, áp dụng hiệu quả vào công việc của đơn vị và đạt thành tích cao tại các hội thi.